Bầu Thắng sắp bỏ bóng đá?
(Dân trí) - Tìm người thay mình giữ cương vị chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF, cũng như đang dần giảm đầu tư vào đội bóng đá Long An, ông bầu Võ Quốc Thắng dường như đang từng bước rút khỏi bóng đá đỉnh cao.
Có lẽ ở lần đại hội cổ đông vào tháng tới, VPF sẽ có chủ tịch HĐQT mới, sau khi chủ tịch đương nhiệm là ông Võ Quốc Thắng đã có động thái tìm người mới ngồi vào vị trí hiện tại của mình.
Một – hai nhân vật vừa am hiểu bóng đá, vừa có khả năng kinh doanh lẫn khả năng quản trị đã được bầu Thắng ngỏ lời, nhưng đến nay hầu hết tỏ ra không mặn mà với lời đề nghị ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT VPF.
Tuy nhiên, việc đó vẫn không đáng chú ý bằng chi tiết bầu Thắng rút lui. Là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc thành lập công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF cách nay vài năm, bầu Thắng cũng đầy tâm huyết trong việc thay đổi diện mạo của giải V-League, cùng hệ thông thi đấu các giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.
Có thể tâm huyết của những người sáng lập ra VPF hồi năm 2011 là muốn thấy công ty này hoạt động hiệu quả giống như công ty đang điều hành giải Thai-League của bóng đá Thái Lan, muốn thấy V-League hấp dẫn như Thai-League.
Tuy nhiên, sau 2 mùa đầu tiên thực sự có hiệu quả, tạo được luồng sinh khí mới cho V-League, những năm về sau này, VPF càng ngày càng phụ thuộc quá lớn vào VFF.
Người của VFF xuất hiện ngày càng nhiều trong HĐQT của VPF (3/7 thành viên HĐQT VPF là những người đại diện vốn của VFF, gồm Phó chủ tịch HĐQT Trần Quốc Tuấn, các uỷ viên Phạm Ngọc Viễn và bà Thu Trang), khâu điều hành giải V-League dần dần cũng được giao cho người của VFF: Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc, trưởng các ban chức năng là trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, và trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường.
VPF vì thế càng về sau càng quay lại cái vòng lẩn quẩn tổ chức giải đấu theo phong cách cũ kỹ của chính VFF trước đây, trước khi xuất hiện VPF hồi năm 2011. Cũng thành ra, những yếu kém của giải V-League hiện giờ hệt như những yếu kém hồi còn do VFF điều hành giải từ năm 2011 trở về trước.
Bầu Thắng mang danh chủ tịch HĐQT VPF, công ty trực tiếp điều hành giải V-League, nhưng khi khâu trọng tài của giải V-League yếu kém, gây nhức nhối, ông Thắng dù không dưới một lần tỏ thái độ không hài lòng về chất lượng trọng tài, nhưng vẫn bất lực trong việc cải tổ khâu trọng tài của V-League.
Rồi khâu kỷ luật của V-League thiếu công bằng và thiếu sức thuyết phục đối với dư luận, VPF nói chung và bản thân bầu Thắng nói riêng cũng không thể kiểm soát.
Thành ra, dù thực tế vẫn trả chế độ cho trưởng Ban kỷ luật và trưởng Ban trọng tài hàng tháng, nhưng VPF vẫn không thể chấn chỉnh hiệu quả làm việc của 2 trưởng ban này, vì họ là trưởng các ban chức năng của VFF. Vì thế, vai trò của bầu Thắng ở VPF càng ngày càng nhỏ lại.
Bầu Thắng dù đầy tâm huyết nhưng càng ngày càng đơn độc trong việc hướng giải V-League đến chất lượng tốt hơn, khi những người bạn đồng hành của ông lúc lập ra VPF, hoặc đã giã từ VPF, hoặc đã đoạn tuyệt với bóng đá đỉnh cao.
Rút khỏi VPF, cũng đồng nghĩa với việc bầu Thắng đang rút khỏi bóng đá. Bầu Thắng rất khác với nhiều ông bầu khác, ông không phát biểu quá đà, cũng không đầu tư cho bóng đá theo kiểu vung tiền mua thành công, ông làm bóng đá từ tốn và khiêm nhường.
Nhưng dạo gần đây, bầu Thắng càng từ tốn và càng khiêm nhường thì đội Long An quê hương ông càng bị dập tơi tả tại V-League, đặc biệt là chịu hàng loạt thiệt thòi từ khâu trọng tài và khâu kỷ luật từ chính các ban chức năng được xem là yếu kém nhất giải đấu.
Nếu đội bóng đá Long An rớt hạng, chẳng biết bầu Thắng có còn đủ kiên nhẫn và còn đủ nhiệt huyết để đầu tư cho đội này trở lại đỉnh cao hay không? Trong bối cảnh mà ông đang càng ngày càng cảm thấy bất lực trong việc chấn chỉnh những yếu kém mà ông vẫn thấy hàng ngày khi ngồi ở ghế chủ tịch VPF 6 năm qua?
Trọng Vũ