Báo Indonesia phản ứng gay gắt, không phục tấm HCV của võ sĩ Việt Nam

H. Long

(Dân trí) - Nhiều tờ báo Indonesia đã phản ứng dữ dội, không phục việc võ sĩ Nguyễn Hồng Ân giành HCV ở nội dung đối kháng 50-55kg nữ ở môn Pencak Silat.

Phản ứng của ban huấn luyện Việt Nam và Indonesia ở chung kết Silat

Ở trận chung kết nội dung đối kháng 50-55kg nữ ở môn Pencak Silat, Safira Dwi Meilani đã dẫn trước Nguyễn Hồng Ân với tỷ số 61-43 trong bối cảnh trận đấu chỉ còn 18 giây. Thế nhưng, ở thời điểm quyết định, Hồng Ân đã tung đòn khóa tay đối thủ.

Báo Indonesia phản ứng gay gắt, không phục tấm HCV của võ sĩ Việt Nam - 1

Safira Dwi Meilani ngồi thất thần sau khi thua đáng tiếc Hồng Ân ở chung kết nội dung 50-55kg ở môn Pencak Silat (Ảnh: Bola).

Võ sĩ của Indonesia kêu lên đau đớn, trọng tài quyết định tạm dừng trận đấu để Hồng Ân buông Safira Dwi Meilani ra, tránh chấn thương cho đối thủ. Theo luật mới trong môn Pencak Silat, khi một đối thủ dính đòn khóa và kêu cứu, có sự can thiệp của trọng tài, võ sĩ kêu cứu đấy sẽ lập tức bị xử thua. Chính vì thế, Nguyễn Hồng Ân xuất sắc lật ngược thế cờ trong trận chung kết này, giành chiến thắng chung cuộc.

Dù vậy, phía đội Indonesia phản ứng, khiến cho các trọng tài tiến hành hội ý rất kỹ, mất đến vài phút, trước khi đi đến quyết định công nhận chiến thắng cho Nguyễn Hồng Ân. Phía Indonesia nổi điên vì quyết định của trọng tài. Họ khiếu nại, hòng thay đổi quyết định. Ban trọng tài lại xử lý cho VĐV Indonesia giành HCV.

Kịch tính không dừng lại ở đó, Phó đoàn thể thao Việt Nam Hoàng Quốc Vinh đã viết đơn khiếu nại tại chỗ, gửi lên Liên đoàn Pencak Silat thế giới và Ban tổ chức. Cuối cùng, sau khoảng một giờ, Ban trọng tài môn Pencak Silat lại thay đổi quyết định, công nhận Hồng Ân giành HCV.

Báo Indonesia phản ứng gay gắt, không phục tấm HCV của võ sĩ Việt Nam - 2

Hồng Ân giành tấm HCV SEA Games 32 (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Trước tình hình đó, báo giới Indonesia phản ứng gay gắt. Họ không phục kết quả này khi cho rằng pha ra đòn của Hồng Ân không phải đòn khóa. Tờ Kumparan nêu chi tiết: "Theo các quy định được nêu trong Điều lệ thi đấu Pencak Silat 2022 do Liên đoàn Pencak Silat Quốc tế (Persilat) ban hành, có các quy định liên quan đến thất bại knock-out. Một trong số đó là võ sĩ bị dính đòn khóa.

Có thể giải thích rằng võ sĩ được phép khóa đối thủ của mình trong khoảng thời gian 5 giây. Nếu đối thủ đầu hàng bằng lời nói hoặc ra dấu hiệu đầu hàng thì sẽ bị truất quyền thi đấu bằng knock-out kỹ thuật.

HLV trưởng của đội tuyển Pencak Silat Indonesia, Indro Catur Haryono, đã giải thích về tình huống trên võ đài. Theo ông, Safira Dwi la hét không phải vì bị khóa mà vì có tiền sử chấn thương. Ông cũng cảm thấy rằng Hồng Ân đã không thực hiện bất kỳ đòn khóa nào cả.

Báo Indonesia phản ứng gay gắt, không phục tấm HCV của võ sĩ Việt Nam - 3

Các thành viên đội Pencak Silat Indonesia tỏ ra mất bình tĩnh (Ảnh: Khoa Nguyễn).

HLV Indro cho biết: "Safira đang dẫn trước đối thủ nhiều điểm trong bối cảnh trận đấu chỉ còn 18 giây nữa. Cô ấy chưa vi phạm bất kỳ lỗi nào. Trọng tài thấy rằng Safira đã bị khóa. Từ vòng đầu tiên, cánh tay của cô ấy đã bị trật khớp nhưng Safira vẫn chiến đấu và có điểm số vượt trội so với đối thủ.

Nếu đó được coi là một đòn khóa thì hoàn toàn không đúng bởi vì nó phải có một quá trình, sự tính toán khiến đối thủ không thể di chuyển. Nhưng những cú đá của Safira vẫn mạnh mẽ, những cú đấm của cô ấy vẫn tốt. Đúng là Safira bị đau nhưng cô ấy vẫn chưa bỏ cuộc".

Tờ Bola cũng cho rằng Safira Dwi bị trật khớp vai từ đầu giải đấu. Tuy nhiên, trọng tài lại nghĩ rằng cô đã bị Hồng Ân khóa. Họ dẫn lời của Indro Catur Haryono cho rằng nhiều VĐV Indonesia đã bị xử ép ở cả SEA Games 32.

Ông chia sẻ: "Ở nội dung 45kg, Suci Wulandari cũng nhận sự đối xử bất công của trọng tài. Chúng tôi đã phản đối nhiều lần nhưng đều bị phớt lờ. Rõ ràng, chúng tôi luôn bị xử ép. Dù cho đối thủ đấm không thành công nhưng họ vẫn được tính điểm".