1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bảo hiểm cho vận động viên Việt Nam

(Dân trí) - Thông tin các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp được mua bảo hiểm là thông tin vui đối với làng cầu nội. Rồi nhìn rộng ra các môn khác, không chỉ riêng giới cầu thủ, mà nhiều VĐV ở nhiều môn nói chung cũng cần được bảo hiểm.

VPF đang làm bước đột phá khi mua bảo hiểm cho cầu thủ tham gia 3 giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là V-League, hạng Nhất và cúp quốc gia. Đấy là bước nên làm trong bối cảnh thể thao nói chung vốn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ chấn thương luôn rình rập các cầu thủ.

Dù vậy, phạm vi hoạt động của VPF chỉ là xung quanh các giải chuyên nghiệp, nên mức độ mua bảo hiểm của họ cũng chỉ dừng ở 3 giải đấu vừa nêu. Trong khi đó, lẽ ra trách nhiệm này phải thuộc về từng CLB, từng nơi sử dụng VĐV, thì việc mua bảo hiểm cho người chơi thể thao mới đồng bộ.

Vì ngoài bóng đá chuyên nghiệp, còn có các giải hạng dưới, hoặc bóng đá nữ cũng cần được bảo hiểm, cầu thủ nữ cũng cần được mua bảo hiểm. Nếu tự thân từng CLB không đứng ra mua cho VĐV mình, thì những cầu thủ ngoài chuyên nghiệp vẫn đối diện với rủi ro cao khi lỡ dính chấn thương trong tập luyện và thi đấu.

 

Thể thao đỉnh cao vốn nhiều rủi ro chấn thương, nên các VĐV cần được bảo hiểm
Thể thao đỉnh cao vốn nhiều rủi ro chấn thương, nên các VĐV cần được bảo hiểm

 

Rồi không chỉ có bóng đá, VĐV ở nhiều môn khác cũng cần có bảo hiểm. Trong số này, có khá nhiều môn dễ gây chấn thương, thậm chí chấn thương rất nặng như thể dục dụng cụ, đua thuyền, nhóm các môn võ, vật…

Nếu không được bảo hiểm đến nơi đến chốn, khi dính chấn thương, các VĐV này vừa khó có khả năng chi trả các khoản phí cao trong chuyển nhượng, vừa đối diện với cuộc sống đầy rủi ro sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV.

Câu chuyện của võ sĩ karatedo Vũ Nguyệt Ánh mới đây là ví dụ điển hình. Võ sĩ này vẫn phải nén đau tham dự nhiều giải quốc tế khi đang chấn thương, và phải 2 năm sau khi phát hiện chấn thương, Nguyệt Ánh mới gom đủ tiền để sang Singapore phẫu thuật.

Thành ra, câu chuyện bảo hiểm cho VĐV là câu chuyện cần được những nhà hoạch định và quản lý thể thao nói chung quan tâm. Cũng không thể chờ đến các giải đấu lớn hoặc đến các chiến dịch thuộc các đại hội lớn mới đi vận động bảo hiểm cho VĐV, mà khâu mua bảo hiểm cho các VĐV nói chung cần được triển khai ngay từ các CLB.

Bởi, một khi từng CLB, từng đơn vị mà VĐV đang đầu quân sâu sát với việc bảo hiểm cho VĐV, chủ động mua bảo hiểm cho họ thì câu chuyện bảo hiểm cho giới thể thao mới được triển khai rộng khắp, cũng như các đơn vị khi đó mới ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc sử dụng và bảo quản các tài năng thể thao.

Kim Điền

 

Bảo hiểm cho vận động viên Việt Nam - 2