1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bảo hiểm cho cầu thủ: Xa xỉ phẩm trong bóng đá nội

(Dân trí) - Câu chuyện tranh cãi giữa lý và tình xung quanh 2 cầu thủ Ngọc Hải và Anh Khoa vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Kỳ thực, trong chuyện này, vấn đề lại nằm ở chỗ khác, rằng chẳng ai quan tâm đến việc bảo hiểm cho cầu thủ, ở một nghề rất dễ xảy ra chấn thương.

SHB Đà Nẵng trách SL Nghệ An không hợp lý khi chưa chịu chi đủ tiền chữa chấn thương cho Anh Khoa, SL Nghệ An lại trách SHB Đà Nẵng thiếu tình khi cứ nhất nhất đòi một đội bóng, thậm chí đòi cá nhân 1 cầu thủ là Ngọc Hải phải bồi thường tiền, ở một lỗi mà trước sau gì cũng phải có trong bóng đá.

Nhưng cái chính nằm ở chỗ chẳng bên nào nói đến đó là chẳng bên nào chuyên nghiệp, chẳng bên nào thực sự quan tâm đến đôi chân của các cầu thủ, người lao động trực tiếp mà họ đang sở hữu. Cả SHB Đà Nẵng và SL Nghệ An, hay rất nhiều CLB nào khác ở V-League đều thiếu chuyên nghiệp và thiếu quan tâm đến cầu thủ ở chỗ mấy ai chịu mua bảo hiểm cho cầu thủ.

Bóng đá là môn chơi đòi hỏi va chạm, mà đã va chạm thì rất dễ xảy ra chấn thương. Thành ra, chuyện mua bảo hiểm cho cầu thủ là nhiệm vụ bắt buộc với bóng đá hiện đại, với bóng đá chuyên nghiệp.

 

Chấn thương nặng của Abass được phía công ty bảo hiểm lo chi phí chữa chị, nên giữa B.Bình Dương và Hà Nội T&T đỡ mất công cãi nhau (ảnh: Nguyễn Đình)
Chấn thương nặng của Abass được phía công ty bảo hiểm lo chi phí chữa chị, nên giữa B.Bình Dương và Hà Nội T&T đỡ mất công cãi nhau (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Nhưng lạ ở chỗ, phần đông CLB ở V-League có thể chi vài chục tỷ đồng mỗi năm để duy trì hoạt động của CLB, có thể chi nhiều tỷ đồng khác để ký hợp đồng giá cao với các ngoại binh, nhưng lại không quan tâm đúng mức đến những đôi chân bạc tỷ mà họ đang sở hữu.

Và nói đến đây, những người tổ chức V-League cũng không chuyên nghiệp nốt. Giống như câu chuyện bỏ lỏng khâu cải thiện cơ sở vật chất của các CLB, giống như chuyện người tổ chức V-League không quan tâm đúng mức đến việc siết chặt quy định đào tạo trẻ ở các đội bóng, người ta hiện cũng không mấy để tâm đến việc phải buộc các CLB mua bảo hiểm cho cầu thủ, điều mà giới bóng đá chuyên nghiệp trên khắp thế giới phải thực hiện.

Khác với trường hợp của Anh Khoa, chấn thương của Abass tại B.Bình Dương được giải quyết rất dễ dàng, vì B.Bình Dương có mua bảo hiểm cho tiền đạo người Senegal, và khi rủi ro đến với Abass, bảo hiểm có trách nhiệm chi trả chi phí chữa chấn thương cho anh này. Giữa B.Bình Dương và Hà Nội T&T cũng khỏi mất công cãi nhau, cơ quan điều hành giải V-League cũng đỡ mất công đau đầu đi giải quyết cái phần lý và tình xung quanh một ca chấn thương vốn là đặc thù không thể tránh khỏi của bóng đá.

Trước B.Bình Dương, cũng từng có XM Xuân Thành Sài Gòn mua bảo hiểm cho các cầu thủ, thông qua công ty bảo hiểm Xuân Thành của ông bầu Nguyễn Đức Thụy. Tuy nhiên, đấy tiếc thay là những điển hình quá nhỏ nhoi, mà không được làng cầu cả nước nhân rộng.

Tiếc rằng những người đang trực tiếp điều hành các CLB chuyên nghiệp chi tiền rất dễ xung quanh các thương vụ mua sắm cầu thủ xoành xoạch, trong đó có cả những người đặc biệt thích chi tiền mua cầu thủ cao giá để kiếm về những cái “phết”, cái “phẩy” đằng sau các bản hợp đồng, nhưng lại quá thờ ơ với việc bảo hiểm cho chính những đôi chân giúp họ đang từ đó hái ra tiền.

Giới bóng đá Việt Nam một lần nữa lo giải quyết những việc đâu đâu, trong khi công việc không mấy phức tạp, lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cầu thủ, nhân tố chính làm nên môn chơi này là những hợp đồng bảo hiểm lại không được để tâm.

Kim Điền

 

Bảo hiểm cho cầu thủ: Xa xỉ phẩm trong bóng đá nội - 2