1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Bản quyền truyền hình V-League xuống giá thê thảm

(Dân trí) - Nếu như năm trước VPF có đến 10 nhà bảo trợ tiền bản quyền truyền hình (BQTH), thì năm nay, VPF chỉ mới tìm ra 2 nhà bảo trợ là HA Gia Lai và ĐT Long An, cũng như chỉ mới kiếm ra 10 tỷ đồng cho BQTH V-League 2013.

Theo như công bố của Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa, cho đến thời điểm này của mùa giải, VPF mới tìm được 2 nhà bảo trợ cho vấn đề BQTH của V-League 2013 là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và tập đoàn Đồng Tâm.

 

Ban đầu, VPF dự kiến sẽ mỗi nhà bảo trợ sẽ đóng góp 7,5 tỷ đồng cho tiền BQTH trong năm. Tuy nhiên, do số lượng đội bóng tham dự V-League giảm xuống, số trận đấu giảm đi, tình hình kinh tế cũng có nhiều khó khăn, nên cuối cùng VPF quyết định mỗi nhà bảo trợ chỉ đóng góp 5 tỷ đồng như mùa giải 2012.
 
 
Bản quyền truyền hình V-League xuống giá thê thảm - Ảnh: Sơn Dũng

Bản quyền truyền hình V-League xuống giá thê thảm - Ảnh: Sơn Dũng

 

Tuy nhiên, nếu như trong năm 2012, VPF đạt được thỏa thuận với 10 nhà bảo trợ xung quanh BQTH, thì cho tới giờ, do chỉ có 2 nhà bảo trợ là Đồng Tâm và Hoàng Anh Gia Lai, nên VPF mới chỉ thu được 10 tỷ đồng tiền BQTH (bằng 1/5 mùa trước).

 

Thực ra thì 2 nhà bảo trợ vừa nêu cũng là người nhà của VPF, tập đoàn Đồng Tâm có ông chủ là chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, trong khi ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là PCT HĐQT VPF Đoàn Nguyên Đức.

 

Phó TGĐ Phạm Phú Hòa cho biết VPF đang cố gắng thỏa thuận với một số nhà bảo trợ khác, nhưng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam sa sút như hiện nay, người hâm mộ dần xa các sân bóng, cộng với công việc kinh doanh không thuận lợi của nhiều doanh nghiệp thì có vẻ như chuyện BQTH các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp trong nước không còn là vấn đề đáng quan tâm của các doanh nghiệp.

 

Không chỉ có tiền BQTH, tiền tài trợ cho các giải đấu chuyên nghiệp trong năm cũng đến từ Eximbank, có chủ tịch HĐQT là ông Lê Hùng Dũng cũng là PCT HĐQT VPF. Điều đó cho thấy, nếu như không phải vì nghĩa vụ với cái ghế mà mình đang ngồi, chưa chắc các doanh nhân vừa nêu chịu đổ tiền cho bóng đá nội, vốn đang mất giá trong mắt người hâm mộ.

 

Năm tới, Eximbank sẽ tài trợ cho 3 giải V-League, hạng Nhất và cúp quốc gia số tiền tổng cộng là trên 47 tỷ đồng. Bao gồm hơn 39 tỷ đồng cho V-League, 5,5 tỷ đồng cho giải hạng Nhất và 2,5 tỷ đồng cho cúp quốc gia.

 

Chỉ có điều là ngay đến đại diện của Eximbank là PCT HĐQT kiêm TGĐ Trương Văn Phước cũng không thể trả lời được khi hợp đồng cũ kết thúc trong năm nay, ngân hàng này có tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam trong năm tới hay không?

 

Cũng vì nguồn thu không như dự kiến mà VPF phải hạ các mức thưởng mà họ từng dự định sẽ chi cho các đội bóng có thành tích ở mùa tới. Theo đó, thay vì sẽ thưởng 10 tỷ đồng cho đội vô địch V-League 2013 như từng dự định hồi lễ tổng kết mùa giải 2012 cách nay chưa lâu, VPF chỉ có thể thưởng 4 tỷ đồng. Ở giải hạng Nhất, đội vô địch sẽ nhận được 1 tỷ đồng, thay vì 2 tỷ đồng như con số VPF từng dự kiến.

 

Cũng trong bối cảnh khó khăn của nhiều đội bóng, VPF quyết định sẽ hỗ trợ cho mỗi CLB thi đấu ở giải hạng Nhất và V-League 30 triệu đồng/CLB/trận, khi thi đấu ở sân đối phương trong mùa giải 2013.

 

Riêng 2 đại diện của bóng đá Việt Nam tham dự AFC Cup 2013 là SHB Đà Nẵng và Sài Gòn XT, mỗi đội sẽ nhận ngay 200 triệu đồng tiền hỗ trợ di chuyển của VPF cho các trận vòng bảng ở giải đấu này. Nếu tiếp tục vào vòng tiếp theo, SHB Đà Nẵng và Sài Gòn XT sẽ nhận thêm 300 triệu đồng/CLB cho từng vòng đấu mà họ có mặt.

 

Số tiền hỗ trợ của VPF là rất đáng quý, nhưng cách tính toán lại hơi thiếu hợp lý. Ở vòng bảng AFC Cup, mỗi CLB phải đá đến 6 trận, trong khi chỉ được hỗ trợ 200 triệu đồng. Nhưng ở vòng 2, mỗi CLB chỉ đá 1 trận theo thể thức loại trực tiếp, lại được hỗ trợ đến 300 triệu đồng. Từ vòng tứ kết, mỗi đội đá 2 trận theo thể thức sân nhà – sân đối phương, số tiền hỗ trợ vẫn là 300 triệu đồng, tức vẫn cao hơn vòng bảng, dù vòng bảng đá nhiều trận hơn, di chuyển tốn kém hơn.

 

Kim Điền