1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Bản quyền bóng đá: Xu thế nhà đài thích “cơm” hơn “phở”

(Dân trí) - Cuối cùng các fan bóng đá Việt Nam cũng được thưởng thức mùa World Cup sôi động. Đến thời điểm này, vấn đề bản quyền bóng đá tuy không còn nóng hổi như trước, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi khi các nhà đài Việt Nam kém mặn mà với bản quyền World Cup.

 
Bản quyền bóng đá: Xu thế nhà đài thích “cơm” hơn “phở”
Khán giả truyền hình VN được thưởng thức các trận đấu World Cup 2014 trên các kênh truyền hình quảng bá

Bản quyền: Mỗi giải đấu một quy định khác

Sự khác nhau nằm ở chỗ các giải đấu cấp câu lạc bộ tại châu Âu như: EPL, La Liga, Seri A... được thương mại hóa tối đa để thu lợi nhuận của nhà tổ chức, còn World Cup là giải đấu giữa các quốc gia trên thế giới phục vụ cho đông đảo người dân nên yếu tố lợi nhuận được đặt phía sau.

Đối với World Cup, FIFA đã có quy định yêu cầu tất cả quốc gia phải phát sóng World Cup 2014 trên đài quảng bá để phục vụ công chúng. Vì vậy, dù bất cứ đài truyền hình hay doanh nghiệp nào bỏ tiền mua bản quyền World Cup 2014, cũng không có chuyện được độc quyền mà phải chia sẻ và phát sóng trên hệ thống đài quảng bá. Chính vì điều này, các nhà đài không mấy mặn mà với bản quyền World Cup, vì đằng nào họ cũng sẽ được tiếp sóng phục vụ khách hàng của mình.

Nhưng với Giải ngoại hạng Anh (EPL) lại khác. Với một giải đấu giữa các câu lạc bộ hấp dẫn nhất thế giới thì mục tiêu hàng đầu của BTC Ngoại hạng Anh là lợi nhuận. BTC EPL đưa ra các quy định chặt chẽ về việc phát sóng độc quyền các trận đấu trên các kênh riêng của các đài truyền hình trả tiền và liên tục tăng giá bản quyền với mức độ chóng mặt. Tuy vậy, đối với các nhà đài Việt Nam, EPL vẫn là miếng bánh hấp dẫn. Có EPL là có thuê bao, có thương hiệu. Vì vậy, các nhà đài đã cạnh tranh rất khốc liệt để có được hợp đồng độc quyền phát sóng EPL...

Bản quyền ngoại hạng Anh, vũ khí cạnh tranh mà các đài đua nhau giành lấy
Bản quyền ngoại hạng Anh, vũ khí cạnh tranh mà các đài đua nhau giành lấy

Cơ hội kinh doanh khác biệt nhau

Nhìn nhận ở một góc độ khác, dưới góc độ của một doanh nghiệp việc tìm kiếm lợi nhuận từ 2 giải đấu này cũng khác nhau và chênh lệch rõ ràng về độ rủi ro.

World Cup là giải đấu chỉ mang tính thời vụ, 4 năm mới diễn ra một lần, lại phát sóng trên kênh truyền hình quảng bá nên khó kích được thuê bao đi đăng ký dịch vụ, bỏ ra mua thiết bị nhiều tiền để chỉ xem một giải đấu trong vòng 1 tháng. Nếu có, đối tượng khách hàng này cũng chỉ là khách vãng lai (tức là chỉ mua để xem trong ngắn hạn và mức độ trung thành với dịch vụ là không cao). Nên nguồn thu để bù chi phí mua bản quyền của VTV sẽ chủ yếu từ quảng cáo trong các trận đấu World Cup 2014.

Nhưng với mức giá quảng cáo khá cao như công bố của TVAD gần đây là từ 150-350 triệu đồng cho một block quảng cáo 30 giây, tùy trận đấu thì rất khó có thể lấp đầy quảng cáo cho 64 trận đấu. Chưa kể, World Cup có giờ thi đấu hạn chế, phổ biến từ 4h-8h sáng, nên việc thu hút quảng cáo cũng vì vậy mà khó khăn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, 1 mùa giải EPL có tới 380 trận diễn ra suốt cả năm. Đa phần các trận hay nhất của EPL được tổ chức vào cuối tuần thứ 7 và Chủ Nhật, vào khung giờ vàng cho các fan hâm mộ bóng đá nên nhà đài dễ có nhiều hình thức khai thác kinh doanh từ phát triển thương hiệu, thu hút thuê bao, bán lại kênh cho các nhà đài khác....

Trên thực tế, đối với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, yếu tố sống còn nhất là có thuê bao. Với EPL, mặc dù K+ phát “sóng sạch” không chèn quảng cáo, nhưng nhà đài sẽ giữ chân khách hàng ít nhất là 3 năm, phát triển thêm hàng trăm ngàn thuê bao và nhờ đó sức cạnh tranh mạnh và ổn định hơn rất nhiều so với các nhà đài khác.

Có thể ví bản quyền World Cup giống như “bát phở” thỉnh thoảng vào buổi sáng, nóng hổi buộc phải ăn ngay, còn EPL là “bữa cơm” hàng ngày. Đó có thể chính là lý do mà các nhà đài có xu thế thích về “ăn cơm” hơn là đi “ăn phở”.

PV