DIỄN ĐÀN: Tìm đường vượt “Ao làng”

Bạn đọc viết: Xã hội hoá "Cái đầu"

(Dân trí) - VFF hiện nay cần cả những người quản lý và tổ chức, những người có tầm nhìn dài hạn, xuyên suốt và chủ động cũng như những người có khả năng hiện thực hoá các kế hoạch để lời nói không còn là “suông” - Quan điểm của bạn đọc Công Cẩn.

Tôi tham gia vào diễn đàn: Tìm đường vượt “Ao làng” của Dân trí không chỉ vì nặng tình với bóng đá nước nhà mà còn do bị “kích động” từ bài “hịch” “Dấu chấm hết hay đòn bẩy của tương lai?”. Từ diễn đàn này, người hâm mộ cũng đã mặc sức tung tẩy câu chữ, có cả sự bình tĩnh, lạnh lùng lẫn ngoa ngoắt như một bà nông dân mất gà.

 

Vậy sau khi đã tìm ra bệnh thì giải pháp nào cho bóng đá Việt Nam để trị những căn bệnh ấy?

 

1. Xã hội hoá “cái đầu”

 

Người ta nói nhiều đến việc xã hội hoá bóng đá nhưng điều cần làm trước hết là phải xã hội hoá “cái đầu” của những người đứng đầu nền bóng đá nước nhà. Có như thế bóng đá mới mơ tới ngày đặt chân vào “thế giới phẳng”.

 

Do căn tính tiểu nông, “quay lưng ra biển”, bế quan toả cảng suốt bao nhiêu thế kỷ vẫn tồn tại một cách âm ỉ, dai dẳng thế nên cơ chế tiếp thu cái mới vừa hẹp hòi lại vừa manh mún, tuỳ tiện và thiếu tính hệ thống.

 

LỜI TOÀ SOẠN:

 

Với mong muốn tạo một diễn đàn cho bạn đọc thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của mình và đóng góp những ý tưởng mới mẻ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà, từ hôm nay (30/1) Dân trí phát động phong trào Bạn đọc viết về những vấn đề của bóng đá Việt Nam.

 

Với tên gọi: Tìm đường vượt “Ao làng”, Dân trí mong muốn quý độc giả thể hiện những góc nhìn mới mẻ, những quan điểm đúng đắn của mình để góp thành tiếng nói chung gửi đến những nhà quản lý bóng đá.

 

Bài vở của quý vị xin vui lòng gửi vào hòm thư: banthethao.dantri@gmail.com. Những bài viết có chất lượng chúng tôi sẽ sử dụng và có chế độ nhuận bút tương xứng.

Quý độc giả vui lòng để lại tên, số điện thoại liên lạc để chúng tôi tiện trao đổi. Bài viết xin dùng font UNICODE, viết bằng tiếng Việt có dấu.

 

Trân trọng

Một nền bóng đá không có nổi một người hoạch định chiến lược đủ tầm thì tại sao lại không nghĩ đến chuyện thuê một chuyên gia nước ngoài? Tại sao không nghĩ đến chuyện đưa một cầu thủ có đức có tài phụ trách chuyên môn? Tại sao không nghĩ đến chuyện đưa một doanh nhân tâm huyết phụ trách về tài chính?

 

Có nên chăng bỏ đi cái cơ chế tuyển dụng dựa trên các mối quan hệ trên dưới, cào bằng “bốc thăm”; bỏ đi cái thói đố kỵ hoặc “hạ gục” một cách cảm tính. Phải bổ nhiệm và cất nhắc theo khả năng được tiến hành với việc phân công quyền hạn, trách nhiệm một cách chính thức, thúc đẩy phân công lao động và chuyên môn hoá công việc cuả từng phòng ban; có các thủ tục đánh giá, cất nhắc, bổ nhiệm, đãi ngộ, kỷ luật, sa thải rõ ràng. Mỗi quan chức trong VFF phải mô tả công việc rạch ròi, thậm chí phải nêu từng bước tiến hành một công việc cụ thể ra sao.

 

C. Mac từng nói: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào… thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hoà những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ toàn bộ cơ thể sản xuất, khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó”.

 

Tổ chức và quản lý phải đảm bảo tính trật tự, tính cân đối và tính hài hoà của đời sống xã hội. Tổ chức là “trạng thái tĩnh”, quản lý là “trạng thái động” của sự việc. VFF hiện nay cần cả những người quản lý và tổ chức, những người có tầm nhìn dài hạn, xuyên suốt và chủ động cũng như những người có khả năng hiện thực hoá các kế hoạch để lời nói không còn là “suông”.

 

2. Vượt qua chính mình

 

Tôi nhớ đã từng đọc một câu danh ngôn đại ý như thế này: Không có kẻ thù nào to lớn và nguy hiểm bằng chính bản thân. Cây nhiều hoa quả nặng quá sẽ gãy cành, rắn độc mang nọc độc nhưng lại bị giết để lấy nọc, kẻ làm việc nước không hiền tài thì sẽ làm hại dân hại nước, kẻ làm điều bất thiện sẽ bị quả báo. Sắt tạo ra chất gỉ rồi chất gỉ ấy cũng sẽ tiêu huỷ dần thân hình của sắt. Nếu không vượt qua chính mình thì lương tâm, trí tuệ sẽ bị mục ruỗng và thành phế nhân”.

 

Hãy tạm thôi thoả mãn những thành tích có được trong quá khứ vì chủ nghĩa hoài cổ hay lòng yêu chuộng quá khứ là một trong những biểu hiện chiều ngược lại của sự phát triển.

 

Hãy quên đi cái thể hình nhỏ bé, thể lực yếu ớt như một lời bào chữa cho những thất bại. Hãy biết cách tận dụng những điểm mạnh và hạn chế những nhược điểm.

 

Hãy mạnh dạn đặt ra mục tiêu và phấn đấu hết mình cho mục tiêu đó, bỏ đi vài ba cái mục tiêu tủn mủn hay mơ mộng tới những mục tiêu không rõ ngày thành hiện thực.

 

Hãy hành động và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động ấy.

 

Ở Việt Nam, từ một thằng nhóc cho đến một cụ già, từ một người nông dân cho đến một ông giáo sư đều mặc sức phàn nàn, thậm chí coi thường VFF. Và những vị chức sắc trong VFF thì cứ mặc nhiên “mũ ni che tai”. Đến bao giờ người hâm mộ có đủ tôn trọng với VFF và đến bao giờ VFF cảm thấy cần sự tôn trọng ấy?

 

3. Không ngừng giáo dục

 

Một giải vô địch quốc gia luẩn quẩn trong cái vòng chia điểm - nhường điểm (đến ông Chủ tịch VFF còn phải cúi đầu thừa nhận mùa giải 2006 không sạch 100% dù cả nền bóng vừa đảo điên sau cơn bão tiêu cực). Một ban lãnh đạo luộm thuộm trong cách hành xử giữa HLV ngoại - nội. Một đội tuyển còn chốn dung thân cho những cầu thủ sa ngã, vô tổ chức, phát ngôn theo kiểu ngông cuồng, bất cần. Đó là lối hành xử theo bản năng, mang nặng tính tiểu nông.

 

Vấn đề giáo dục không phải chỉ được đặt ra cho cầu thủ mà cho cả ban huấn luyện, trọng tài. VFF đã từng sai lầm khi cho rằng tiền là thứ đòn bẩy hữu hiệu nhất để nâng tinh thần của cầu thủ nhằm nâng thành tích của đội tuyển. Người ta quên rằng túi tiền của VFF còn quá nhỏ bé so với những cám dỗ từ bên ngoài sân cỏ.

 

Vẫn biết "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" nhưng nếu cứ sử dụng đồng tiền như một thứ mồi nhử thì VFF sẽ phải lao lực để miếng mồi ấy luôn thơm tho và đầy đặn. Chỉ khi bản thân cầu thủ ý thức được trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc, danh dự và phẩm giá của chính mình thì họ mới có được thái độ và cách hành xử chuyên nghiệp. Mà để cầu thủ có được điều ấy, có cách nào tốt hơn là chính những "người lớn" phải là tấm gương sáng.

 

Một bài viết mới đây của Dân trí tìm cách giải mã bí quyết chiến thắng của các tuyển thủ Singapore. Những lý do đó đều đúng nhưng theo tôi là chưa đủ. Nguyên nhân lớn nhất làm nên sức mạnh của đảo quốc sư tử chính là tính kỷ luật, tuyệt đối tuân thủ chiến thuật và sự đoàn kết giữa các cầu thủ. Rõ ràng, tính kỷ luật phải là ý thức thường trực trong mỗi cá nhân cũng như trong xử lý mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

 

Tôi cứ tự hỏi liệu những quan chức bận rộn của VFF có ai đủ thời gian để liếc qua một vài ý kiến của người hâm mộ hay giữa họ với khán giả vẫn là một khoảng cách khó san bằng? Những ý kiến của người hâm mộ có thể mang cả sự giận dữ, bức bối nhưng đó là cái bóng đá Việt Nam cần - sự nổi giận của trí tuệ chứ không phải trí tuệ của sự nổi giận.

 

Công Cẩn

congcan_69@yahoo.com