DIỄN ĐÀN: Tìm đường vượt "Ao làng"

Bạn đọc viết: “Bài ca con bọ chó” và nỗi đau xuyên thế hệ

(Dân trí) - Tôi yêu bóng đá Việt Nam bằng tất cả niềm tin và hy vọng. Mà khi đã vướng vào yêu, kẻ điều khiển không phải là cái đầu mà là trái tim dẫu biết rằng tình yêu ấy có lắm khi chẳng được đền đáp và dẫu biết rằng bóng đá Việt Nam vẫn còn đó, muôn ngàn điều trăn trở. Bài viết của bạn đọc Công Cẩn.

1. Học để thi

 

Người Việt mình từ xưa đến nay luôn có tâm lý học vì điểm, học để đi thi. Thời phong kiến, người ta đua nhau học chữ Hán, học đạo Khổng mong đỗ ông nghè, ông cử. Thời Pháp thuộc thì học Pháp văn với hy vọng giật lấy một cái bằng "diplom" mà thành ông thẩm, ông phán.

 

Ngày nay, học trò đi học cũng loanh quanh trong cái ước vọng thành cô cử, cậu cử. Cũng chính vì cái tâm lý ấy, người Việt vẫn suy nghĩ giản đơn: chỉ cần học để đối phó, học theo kiểu nhớ tạm thời, kiểu hớt ngọn mà không cần hiểu cái gốc, triết lý sâu xa của mỗi bài học.

 

Và rồi người ta mang cả thói quen ấy áp dụng vào cuộc sống, vào công việc. Dĩ nhiên, bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cứ mỗi kỳ SEA Games, mỗi kỳ Tiger Cup và bây giờ là AFF Cup, báo chí lại rầm rộ, khán giả lại râm ran đưa tiễn đoàn quân áo đỏ ra đi và vênh vang trở về với tấm huy chương chưa bao giờ là vàng. Thế là được!

 

LỜI TOÀ SOẠN:

 

Với mong muốn tạo một diễn đàn cho bạn đọc thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của mình và đóng góp những ý tưởng mới mẻ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà, từ hôm nay (30/1) Dân trí phát động phong trào Bạn đọc viết về những vấn đề của bóng đá Việt Nam.

 

Với tên gọi: Tìm đường vượt “Ao làng”, Dân trí mong muốn quý độc giả thể hiện những góc nhìn mới mẻ, những quan điểm đúng đắn của mình để góp thành tiếng nói chung gửi đến những nhà quản lý bóng đá.

 

Bài vở của quý vị xin vui lòng gửi vào hòm thư: banthethao.dantri@gmail.com. Những bài viết có chất lượng chúng tôi sẽ sử dụng và có chế độ nhuận bút tương xứng.

Quý độc giả vui lòng để lại tên, số điện thoại liên lạc để chúng tôi tiện trao đổi. Bài viết xin dùng font UNICODE, viết bằng tiếng Việt có dấu.

 

Trân trọng.

Trước mỗi mùa V-League, người ta phát biểu hùng hồn về một mùa giải chất lượng, sạch sẽ với hy vọng sẽ tìm ra thật nhiều nhân tố mới. Và đến cuối mùa giải, người ta lại được nghe những cái tên cũ, những nhân tố mới hình như vẫn là "ngọc trong đá", mà là đá hoa cương. V-League đơn giản là nơi để báo chí "ngửi" xem trận đấu nào có mùi và "soi" xem bàn tay nào nhúng chàm.

 

Còn khi những huấn luyện viên nước ngoài được thuê về, ai cũng tuyên bố chắc nịch một chân lý muôn thuở rằng căn bệnh của bóng đá Việt Nam là "xây nhà từ nóc", rằng họ sẽ phải làm lại từ đầu. Người hâm mộ hân hoan, chờ đợi, tràn trề hy vọng với niềm tin vào một ông thày thuốc giỏi nhưng cuối cùng, tất cả chìm vào vô vọng.

 

Bây giờ, người ta không xây nhà từ nóc, người ta xây nhà trên cột điện. Trước mỗi giải đấu, những ông huấn luyện viên "nói hay hơn làm" ấy lại cuống cuồng "vơ bèo gạt tép" và người hâm mộ đã hơn một lần kinh ngạc khi thấy trong danh sách đội tuyển những cái tên như: Nguyễn Văn Dũng, Vũ Công Tuyền, Huỳnh Hồng Sơn, Đặng Phương Nam.... Tất cả cũng chỉ để có được một tấm huy chương.

 

Bóng đá Việt Nam có gì hôm nay? Đó là một giải nhi đồng với những cầu thủ ở lứa tuổi thiếu niên, giải thiếu niên với những cầu thủ đã ngoài 20 và giải thanh niên với một vài cầu thủ chuẩn bị xếp vào hàng lão tướng.

 

Đó là một đội tuyển quốc gia với từng ấy cái tên được lặp đi lặp lại dẫu cho phong độ và thái độ của họ ở câu lạc bộ có như thế nào đi nữa. Đó là những kế hoạch đào tạo bóng đá trẻ mãi chỉ nằm trên giấy. Tất cả chỉ vì thứ suy nghĩ thiển cận đi thi là phải có giải và phải có bằng mọi giá.

 

2. Chân tay ngắn

 

Vì tay quá ngắn không với lên tới đỉnh nên chỉ quẩn quanh với chút trái xanh ở ngang tầm mắt. Vì chân quá ngắn nên mãi chỉ loay hoay trong cái "ao làng" Đông Nam Á mà chẳng hề nghĩ đến chuyện ra sông, ra biển.

 

Người ta nhắc đến lịch sử bóng đá Việt Nam với một niềm tự hào vô bờ. Bóng đá bắt đầu được biết đến ở Việt Nam từ năm 1905 và Việt Nam đã từng nằm trong top 4 đội hàng đầu châu Á (Á vận hội 1962), Việt Nam đã từng giành cup Merkeda (Malaysia 1966), Việt Nam đã từng vô địch SEAP Games (1954)...

 

Đến giờ, sau hơn một thế kỷ nhìn lại, bóng đá Việt Nam có gì? Phải chăng chúng ta là những kẻ "đi trước về sau"?

 

Vốn quen sống trong cái "ao làng" tù túng, mỗi lần bước chân ra sông, ra biển là một lần run rẩy bâng quơ: "Chúng ta đi chủ yếu để học hỏi". Vòng loại châu Á - một cái gì đó xa vời, vòng loại World Cup - một cái gì đó viển vông.

 

Những câu lạc bộ thì đơn thuần đặt ra mục tiêu trụ hạng và sang hơn nữa là lọt vào top 5. Nếu có đội nào "không may" vô địch thì ngúng nguẩy coi cái giải C1 châu Á như một thứ của nợ, một gánh nặng. Những ước mơ cứ thế, vụn vặt, tẹp nhẹp, nhỏ bé và ngắn ngủn.

 

Ôi còn đâu cái chí khí cha ông khi xưa, cái "chí hải hồ" muốn căng mây bạt gió, đội đá vá trời, xoay chuyển càn khôn. Hơn mười năm rồi, bóng đá Việt Nam vẫn trăn trở với ước vọng vượt qua Thái Lan và ước vọng vẫn mãi là ước vọng.

 

3. Bài ca con bọ chó

 

"Bài ca con bọ chó" do nhà soạn nhạc Nga Musoski phổ từ vở kịch thơ "Phaoxto" của thi hào Đức Goethe là một bài hát nổi tiếng ở thế kỷ XIX. Bài hát kể chuyện nhà vua nuôi con bọ chó, quan tâm chăm sóc nó, gọi người thợ may đến may cho nó chiếc long bào.

 

Con bọ chó vì thế mà kiêu ngạo, vênh vang lối "cáo mượn oai hùm", cứ nghĩ mình là số một, không coi ai ra gì. Kết thúc khúc nhạc là tiếng cười cởi mở của người chiến thắng đã bóp chết con bọ chó.

 

Dẫu chẳng định mượn hình ảnh con bọ chó để so sánh với ai nhưng làm sao không nhức nhối khi bóng đá Việt Nam vẫn còn một Nguyễn Mạnh Dũng tai tiếng núp sau lưng một ông bố nổi tiếng, một Phạm Văn Quyến sai lầm nối tiếp sai lầm với lý do đã được báo chí và người hâm mộ quá nuông chiều, một Lê Quốc Vượng bướng bỉnh, ương ngạnh mang trong tim "thần tượng" là anh Nguyễn Hữu Thắng...

 

Những cầu thủ mà sau mỗi lần lầm lỗi, cha mẹ họ lại thở than biện hộ rằng cháu nó còn nhỏ dại dẫu họ đã đi qua cái tuổi 18 cả một chặng đường dài.

 

Dư luận vốn dễ dãi và dễ tha thứ đã dung túng, chở che cho những đứa con lầm lạc ấy nhiều lần nhưng hình như sau mỗi lần vấp ngã, họ lại được đỡ dậy, chai lỳ và ngạo mạn hơn. Người hâm mộ vẫn cứ khát khao ở các cầu thủ Việt Nam hai tiếng "chuyên nghiệp" nhưng chao ôi là khó.

 

Nổi tiếng, tài năng đi kèm với cờ bạc, cá độ, rượu chè, trai gái; kỹ thuật trên sân cỏ đi kèm với kỹ thuật nơi trường đời; bản lĩnh sân cỏ đánh đồng với thói lỳ lơm, kiêu căng... và khi lòng kiên nhẫn của người hâm mộ đã cạn kiệt, biết đâu việc xử những cầu thủ hư hỏng lại chẳng khiến người ta vui mừng như người chiến thắng đã bóp chết con bọ chó?

 

Chẳng mấy nơi mà người ta yêu bóng đá đến điên cuồng, mê mải như ở Việt Nam. Nhưng tình yêu đó bị chà đạp, bị giày xéo không thương tiếc. Song còn yêu là còn hy vọng. Và những người hâm mộ như tôi, như bạn lại thầm ao ước: Biết đâu, ngày mai...

 

(Tựa bài do Dân trí đặt).

 

Công Cẩn

congcan_69@yahoo.com.vn