1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Anh có lịch đấu thuận lợi nhất World Cup 2006

Tại sao Anh lại được xếp là ứng cử viên số 2 cho chức vô địch thế giới mùa hè tới, trên cả chủ nhà Đức lẫn hàng loạt tên tuổi lừng lẫy như Argentina, Italia, Hà Lan hay Pháp? Đó là nhờ lịch thi đấu đảm bảo cho họ đến tứ kết mới thực sự gặp thử thách lớn.

Nếu như chủ nhà Đức dễ thở nhất ở vòng bảng so với đa số các đại gia, thì Anh mới là đội lợi nhất khi đi sâu. Cả hai đại gia trên sẽ cố xếp đầu hai bảng A và B để tránh đụng nhau sớm, và lúc đó Anh là đội hưởng lợi khi chỉ gặp 1 trong 3 đối thủ không cùng đẳng cấp tại vòng hai (Ecuador, Ba Lan, Costa Rica). Cho dù Ba Lan từng khiến thầy trò Eriksson méo mặt ở vòng loại nhưng kinh nghiệm cho thấy rất nhiều "ngựa ô" không giữ được sự linh hoạt của đôi chân khi tới World Cup.

 

Như thế Anh là đội hạnh phúc nhất, vì nhiều khả năng các ông lớn khác gặp không ít khó khăn ở vòng 16 đội loại trực tiếp. Ví dụ, Đức có thể chạm trán Thụy Điển hoặc Paraguay, Argentina - Mexico, Bồ Đào Nha - Hà Lan, Italia - Croatia, Pháp - Ukraina, Brazil - Czech, Tây Ban Nha - Thụy Sĩ. Đương nhiên, các dự đoán trên chỉ giới hạn trong hai từ "có thể" vì World Cup là giải đấu bùng nổ bất ngờ nhiều nhất thế giới. Nhưng nhìn chung, Anh vẫn là đội thênh thang nhất trên con đường vào tứ kết.

 

Nếu vào vòng 8 đội, đối thủ của "chú sư tử" có khả năng là Hà Lan hoặc Bồ Đào Nha. Nếu tiếp tục vượt qua, Anh sẽ gặp Brazil ở bán kết trong trường hợp nhà ĐKVĐ vẫn giữ được phong độ tốt. Không ai bắt những người Anh với vẻ lạnh lùng bề ngoài không được phép mơ mộng. Và nếu gạt bỏ được màu "vàng xanh" sang một bên thì đối thủ của Anh tại CK sẽ là 1 trong 4 đại gia: Đức, Argentina, Pháp và Italia. Đây là điều mà nhiều chuyên gia châu Âu đã tính được và vì thế mà chẳng ngạc nhiên khi nhà cái lừng danh William Hill lại xếp Anh là ứng cử viên số 2 sau Brazil.

 

Nếu như Anh hưởng lợi nhờ lịch đấu thì Brazil lại là đội bất lợi khi đi sâu. Dù đứng nhất hay nhì bảng F thì nếu không có quá nhiều bất ngờ đội giữ Cup vàng sẽ đụng Czech hoặc......Italia ở vòng hai.

 

HLV trưởng Carlos Alberto Parreira không dấu được lo lắng: "Italia từng 3 lần vô địch thế giới và xứng đáng nhận được sự kính trọng. Kể từ khi Marcelo Lippi lên nắm quyền, họ đã chơi hay hơn trước. Còn Czech là đội vào đến bán kết Euro 2004 và hiện đang đứng thứ hai tại bảng xếp hạng FIFA, ngay sau chúng tôi. Rõ ràng, đó là 2 đội tuyển hàng đầu. Lịch đấu này thực sự khó khăn".

 

Nếu "tai qua nạn khỏi", Brazil sẽ tiếp tục phải "nuốt những viên đá tảng" sau đó, như Tây Ban Nha hoặc Anh......Không hiểu trùng hợp ngẫu nhiên hay có một sự sắp đặt nào mà đại gia Nam Mỹ còn lại, Argentina, cũng gặp nhiều trắc trở, thậm chí ngay từ vòng đấu bảng, trong một giải đấu được tổ chức tại châu Âu. Đây là cơ hội lớn để lục địa già cân bằng số lần đoạt Cúp so với vùng đất mà nhà hải hành Christopher Colombus phát hiện năm 1492.

 

Lịch đấu sơ lược World Cup 2006

 

Bảng A: Đức, Costa Rica, Ba Lan, Ecuador

Bảng B: Anh, Paraguay, Trinidad & Tobago, Thụy Điển

Bảng C: Argentina, Bờ Biển Ngà, Serbia & Montenegro, Hà Lan

Bảng D: Mexico, Iran, Angola, Bồ Đào Nha

Bảng E: Italia, Ghana, Mỹ, CH Czech

Bảng F: Brazil, Croatia, Australia, Nhật

Bảng G: Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Togo

Bảng H: Tây Ban Nha, Ukraina, Tunisia, Ảrập Xêut

 

Vòng hai:

 

Trận 1: Nhất bảng A - nhì bảng B

Trận 2: Nhất C - nhì D

Trận 3: Nhất B - nhì A

Trận 4: Nhất D - nhì C

Trận 5: Nhất E - nhì F

Trận 6: Nhất G - nhì H

Trận 7: Nhất F - nhì E

Trận 8: Nhất H - nhì G

 

Tứ kết:

Trận 9: Thắng trận 1 - thắng trận 2

Trận 10: Thắng trận 5 - thắng trận 6

Trận 11: Thắng trận 3 - thắng trận 4

Trận 12: Thắng trận 7 - thắng trận 8

 

Bán kết:

 

Trận 13: Thắng trận 9 - thắng trận 10

Trận 14: Thắng trận 11 - thắng trận 12

 

Tranh hạng 3: Thua trận 13 - thua trận 14

 

Chung kết: Thắng trận 13 - thắng trận 14 

 

Bên lề

 

Nếu Brazil không bảo vệ được ngôi vô địch, thì đội đăng quang chỉ có thể là chủ nhà. Lịch sử đã chứng minh như thế với các nhà tân quán quân Anh (1966), Đức (1974) và Pháp (1998). Còn lần này sẽ lại là Đức chăng?

 

Cũng trong lịch sử, cầu thủ đoạt Quả bóng vàng châu Âu không thể vô địch World Cup cùng đội tuyển của mình 7 tháng sau đó. Số phận kém may đã rơi vào Di Stefano (quốc tịch Tây Ban Nha, đoạt Quả bóng vàng năm 1957, nhưng đội đăng quang năm 1958 là Brazil), Omar Sivori (Italia, 1961, Brazil vẫn vô địch năm 1962), Eusebio (Bồ Đào Nha, 1965, Anh vô địch 1966), Rivera (Italia, 1969, Brazil vô địch 1970), Cruyff (Hà Lan, 1973, Đức vô địch 1974), Simonsen (Đan Mạch, 1977, Argentina vô địch 1978), Rummenigge (Đức, 1981, Italia vô địch 1982), Platini (Pháp, 1985, Argentina vô địch 1986), Van Basten (Hà Lan, 1989, Đức vô địch 1990), Baggio (Italia, 1993, Brazil vô địch 1994), Ronaldo (Brazil, 1997, Pháp vô địch 1998), Owen (Anh, 2001, Brazil vô địch 2002). Và lần này liệu Ronaldinho có thay đổi được lịch sử?

 

Theo Tiến Dũng

Vnexpress