Alex Ferguson, Wenger, Rafa Benitez… “thời trai trẻ”, họ ra sao?
(Dân trí) - Ngày nay, nhắc tới tên của Alex Ferguson, Wenger, Rafa Benitez…tất cả đều ngả mũ kính phục tài năng của họ. Nhưng có một thực tế rằng, “thời trai trẻ”, họ gặp rất nhiều truân chuyên. Hãy cùng nhìn lại thời kỳ ấy…
Alex Ferguson (MU)
Khi còn là cầu thủ, Sir Alex thi đấu ở vị trí tiền đạo. Mặc dù chiến lược gia này đã ghi được 170 bàn thắng sau 17 năm theo nghiệp “quần đùi áo số” nhưng, ông chẳng để lại bất kỳ dấu ấn nào bởi phần lớn sự nghiệp của ông đều gắn với giải hạng dưới của Scotland (chỉ có thời gian ngắn thi đấu cho Rangers).
Wenger (Arsenal)
Wenger chỉ thi đấu đúng 3 trận trong mùa giải Strasbourg đoạt chức vô địch Ligue 1 (1978/79). Trong 3 năm ở đây, ông chỉ góp mặt đúng 11 trận. Phần lớn thời gian sự nghiệp, ông gắn bó với những CLB vô danh ở Pháp. Điều đó cho thấy “cầu thủ” Wenger “chìm” như thế nào.
Paul Lambert (Aston Villa)
Paul Lambert chính là thành viên của CLB Dortmund vô địch Champions League năm 1997. Sau đó, ông trở về Scotland và là thành viên trụ cột của Celtic. Trong sự nghiệp, HLV này từng 43 lần được triệu tập và ĐT Scotland.
Rafa Benitez (Chelsea)
Rafa Benitez trưởng thành từ lò đào tạo của Real Madrid nhưng phần lớn thời gian ông khoác áo đội Castilla, trước khi trôi dạt về những đội bóng nghiệp dư.
David Moyes (Everton)
Sự nghiệp cầu thủ của David Moyes cũng không có gì nổi trội. Sau 3 năm khoác áo Celtic và chỉ được ra sân 24 lần, HLV này luân chuyển qua khá nhiều đội bóng yếu ở Anh, trước khi giải nghệ ở Preston North End năm 1999.
Martin Jol (Fulham)
Martin Jol từng có quãng thời gian khoác áo Bayern Munich nhưng không thành công, sau đó, ông trở về khoác áo những CLB ở Anh và Hà Lan. Dù sao, sự nghiệp của Martin Jol cũng không đến nỗi quá tệ khi ông được 3 lần triệu tập vào ĐT Hà Lan.
Brendan Rodgers (Liverpool)
Chấn thương đầu gối đã khiến Brendan Rodgers phải giải nghệ ở tuổi…20. Dẫu vậy, trong màu áo đội trẻ Reading, ông từng có trận đấu giao hữu với Brazil năm 1988 (năm 14 tuổi).
Roberto Mancini (Man City)
Khác với những HLV hàng đầu ở Premier League, Mancini có sự nghiệp thi đấu lừng lẫy. Hồi còn ở Sampdoria, ông đã hợp cùng Vialli trở thành cặp tấn công lợi hại, lọt vào tới tận Chung kết cúp C1 (thua Barca 0-1). Trước đó, ông cũng giành 1 Scudetto (1990/91), 1 cúp C2 (1989/90) cùng đội bóng này. Sau đó, Mancini sang Lazio và giành thêm 1 Scudetto cùng đội bóng này. Ngoài ra, ông từng khoác áo ĐT Italia 34 lần và được triệu tập tham dự World Cup 1990.
Alan Pardew (Newcastle)
Đội bóng nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của HLV này là Crystal Palace, khi ấy vẫn chỉ thi đấu ở giải hạng Hai (tương đương với Championship sau này). Ông từng cùng đội bóng này làm nên kỳ tích lọt vào Chung kết FA Cup 1990 (thua MU).
Chris Hughton (Norwich)
Chris Hughton dành phần lớn thời gian sự nghiệp khoác áo Tottenham và giành 1 UEFA Cup (1984), 2 FA Cup (1981,1982) cùng đội bóng này.
Harry Redknapp (QPR)
Sự nghiệp của Harry Redknapp sinh ra để dành cho West Ham, trong sự nghiệp cầu thủ ông đã khoác áo đội bóng này trong 7 năm (1965-1972). Tới năm 1994, Harry Redknapp quay lại dẫn dắt West Ham (tới năm 2001) và góp phần tạo nên một thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá Anh sau này (Rio Ferinand, Lampard, Joe Cole…).
Nigel Adkins (Reading)
Ông đã dành 13 năm sự nghiệp để “gác đền” cho Tranmere Rovers, Wigan và Bangor City trước khi giải nghệ năm 1996.
Mauricio Pochettino (Southampton)
Trong sự nghiệp cầu thủ, Pochettino từng được biết đến như hậu vệ tài năng của bóng đá Argentina ở thế hệ của ông. Tuy nhiên, tại World Cup 2002, chính Pochettino là tội đồ của đội bóng xứ Tango khi phạm lỗi với Owen trong vòng cấm, khiến Argentina thúc thủ 0-1 và bị loại tức tưởi từ vòng bảng.
Tony Pulis (Stoke City)
HLV hiện tại của Stoke hầu như vô danh trong sự nghiệp cầu thủ khi ông chưa 1 lần được thi đấu tại giải hạng Nhất cũ (nay là Premier League). Thậm chí, có thời điểm, Tony Pulis từng trôi sang cả giải Hồng Kông để “kiếm cơm”.
Michael Laudrup (Swansea)
Có lẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều về sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy của Michael Laudrup. Ông đại diện cho thế hệ vàng của Đan Mạch từng khuynh đảo châu Âu. HLV này từng thi đấu cho khá nhiều CLB hàng đầu châu Âu như Juventus, Barcelona hay Real Madrid và đều thành công rực rỡ (1 cúp C1, 1 Siêu cúp châu Âu, 5 chức vô địch La Liga, 1 Scudetto…).
Paulo Di Canio (Sunderland)
Paulo Di Canio là người được biết với những khoảnh khắc bùng nổ nhưng đầy tranh cãi. Dù đi tới đâu, Paulo Di Canio vẫn luôn là ngôi sao lớn nhất đội bóng nhưng cũng gây không ít scandal trên sân cỏ. Ông từng bị treo giò 11 trận khi khoác áo Sheffield Wednesday vì đẩy trọng tài Paul Alcock hay gây sốc khi chào kiểu phát xít ở Lazio. Tuy nhiên, chất “điên” của Paulo Di Canio lại đang giúp Sunderland rất nhiều trong giai đoạn ngặt nghèo này.
Andre Villas-Boas (Tottenham)
HLV Villas-Boas không theo con đường cầu thủ chuyên nghiệp, thay vào đó, ông theo học lớp HLV ngay từ tuổi 21 và sau đó, “tầm sư học đạo” Bobby Robson cũng như Mourinho sau này.
Steve Clarke (West Brom)
Đối với Steve Clarke, Chelsea là ngôi nhà thứ 2 của ông, trong sự nghiệp, hậu vệ này đã khoác áo The Blues tới 11 năm. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm công tác huấn luyện đội trẻ của đội bóng này. Dù vậy, tuy HLV có tài nhưng Steve Clarke không được những người Chelsea thừa nhận và hiện tại, đang thành công ở West Brom.
Sam Allardyce (West Ham)
Hậu vệ Sam Allardyce đã trải qua 11 CLB trong sự nghiệp nhưng chẳng “gặt” được nhiều thành công.
Roberto Martinez (Wigan)
Dù là cầu thủ Tây Ban Nha nhưng Roberto Martinez lại gắn bó khá sâu sắc với bóng đá Anh. Ông đã trải qua 12 năm thi đấu những đội bóng ở các hạng đấu ở xứ Sương mù (trong đó, gắn bó lâu nhất với Wigan).
H.Long