Ai chịu trách nhiệm cho thất bại của đội tuyển Việt Nam?
(Dân trí) - Đội tuyển (ĐT) Việt Nam chuẩn bị tạo nên kỷ lục chẳng ai muốn có, là toàn thua 6 trận vòng loại Asian Cup, nếu thua thêm 1 trận ở sân chơi này. Và với 5 thất bại đã qua, đấy đã là nỗi nhục của cả nền bóng đá.
Thẳng thắn mà nhìn nhận, việc nằm chung bảng F vòng loại Asian Cup 2015 với UAE, Uzbekistan và Hong Kong (Trung Quốc) không phải là điều gì quá ghê gớm của ĐT Việt Nam.
5 năm trước, chúng ta từng đánh bại chính UAE 2-0 tại VCK giải đấu này năm 2007, sau đó hòa tiếp 1-1 với đội bóng có đẳng cấp tương đương với UAE là Qatar. 5 năm qua, chất lượng của đội tuyển UAE cũng chẳng có gì nhỉnh hơn, bằng chứng là đội bóng này hầu như không còn đủ sức gây khó cho các anh hào hàng đầu châu lục cỡ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay Iran.
Uzbekistan cũng vậy, đội bóng thuộc vùng Trung Á cũng chẳng quá mạnh, không vượt trội đến mức ĐT Việt Nam nhận liền 2 trận thua dễ trước họ. Riêng Hong Kong còn bị xếp dưới đẳng cấp của bóng đá Việt Nam.
Chỉ có điều gặp đối thủ dạng nào đội tuyển cũng toàn thua và thua. Chỉ cần có thêm 1 trận thua nữa, đội tuyển Việt Nam sẽ nhận thất bại thứ 6 trong tổng số 6 trận vòng loại của mình tại chiến dịch Asian Cup.
Ai chịu trách nhiệm trong chuyện ĐT Việt Nam đá đâu thua đó?
Đấy là một nỗi nhục quá lớn cho một nền bóng đá 6 năm trước còn có đại diện vào đến tứ kết giải vô địch châu Á 2007 (chỉ chịu thua đội sau đó đoạt ngôi vô địch là Iraq trong một trận đấu mà đối phương đá quá hay). Cũng rất tiếc là từ đó đến nay, sau thành công gây chấn động làng cầu châu lục, bóng đá Việt Nam, cụ thể là đội tuyển quốc gia toàn lùi chứ không thấy tiến.
Còn nguyên nhân tại sao chúng ta lại lùi thì có thể xem lại cách quản lý đội tuyển của chính VFF. Xem VFF đã chuẩn bị những gì cho ĐT Việt Nam trước chiến dịch vòng loại Aisan Cup 2015?
Bất chấp những khuyến cáo và bất chấp thực tế đáng học hỏi từ những nền bóng đá hàng đầu thế giới, rằng không ai giao đội tuyển cho các HLV theo kiểu “2 trong 1”, VFF vẫn trao cho HLV Hoàng Văn Phúc quyền này, khi để cho ông Phúc vừa nắm đội tuyển quốc gia, vừa dẫn dắt đội U23.
Đến khi ông Phúc cần dành thời gian cho 1 trong 2 đội tuyển (cụ thể ở đây VFF ưu tiên cho đội U23, chuẩn bị cho chiến dịch “ao làng” SEA Games), đội tuyển quốc gia lại được đẩy sang cho trợ lý của HLV Hoàng Văn Phúc là HLV Nguyễn Văn Sỹ.
Thành ra mới có cảnh đội tuyển Việt Nam đá vài trận vòng loại Asian Cup 2015 với 2 HLV khác nhau. Chúng ta bắt đầu vòng loại với HLV Hoàng Văn Phúc, nhưng đến giữa vòng loại thì HLV Nguyễn Văn Sỹ cầm quân.
Làm theo kiểu ấy cũng có nghĩa là lối chơi và cách vận hành lối chơi của đội tuyển không thể ổn định, vì mỗi HLV luôn có triết lý khác nhau, cách làm việc cũng chẳng ai giống ai, tạo nên những sự xáo trộn không đáng có.
Quá trình thẩm định và chọn HLV cho các đội tuyển cũng có vấn đề. Nếu như HLV Hoàng Văn Phúc chỉ là HLV của đội hạng dưới CLB Hà Nội, lại suýt rớt hạng, thì HLV Nguyễn Văn Sỹ cũng chẳng khá hơn. V.Ninh Bình do ông Sỹ dẫn dắt cũng suýt… rớt hạng ở V-League 2013.
Có nghĩa đội tuyển không được giao cho các HLV có tài, có năng lực chuyên môn tốt thì khó đòi hỏi đội tuyển ấy sẽ trở thành một đội tuyển tốt. 5 thất bại liên tục ở vòng loại Aisan Cup 2015, giữa một bảng đấu không thể nói là quá chênh lệch là minh chứng rõ nét nhất cho con đường sai mà những người làm công tác điều hành đang đẩy đội tuyển vào đấy, đang khiến cả nền bóng đá phải nhục.
Bây giờ phải hỏi ai chịu trách nhiệm cho sự hụt hẫng mà người hâm mộ phải chịu trong suốt 5 trận thua nhục nhã vừa qua? Ai chịu trách nhiệm cho sự xuống cấp của cả một nền bóng đá từ cả cấp CLB cho đến cấp đội tuyển? Và tổ chức nào chịu trách nhiệm cho sự đầu tư lãng phí liên quan đến toàn bộ chiến dịch vòng loại Asian Cup cực kỳ tốn kém nhưng đá đâu thua đó, còn đội tuyển mỗi khi đá trên sân đối phương toàn đến xứ người như đi du lịch hạng sang, rồi thi đấu hời hợt mà đánh mất thể diện của cả một nền bóng đá?
Trọng Vũ