1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Ai bảo con gái đá bóng là "khô"!

Theo chân thầy và trò lớp bóng đá K19 Trường Đại học TDTT Từ Sơn về Hà Nam trong một ngày đông cuối năm, các phóng viên mới cảm nhận được hết cái không khí ấm cúng trong "gia đình" bóng đá nữ Hà Nam.

Để chào đón đội bóng của các thầy ở trường Từ Sơn về thăm và thi đấu giao hữu, cũng là để chúc mừng thành công của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 23 (trong đó có cả 2 “người nhà” Nguyễn Thị Hương cùng Văn Thị Thanh), thầy và trò HLV Phạm Hải Anh đã lo chu tất mọi thứ.

 

Rạp đã được “bắc” từ chiều hôm trước, ba chú dê núi “chính hiệu” cũng được đưa về từ vùng núi Thanh Sơn (Kim Bảng), mà là dê của nhà tiền đạo Hải Anh, một cầu thủ trong đội.

 

Trên chuyến xe về Hà Nam hôm ấy, thầy Lê Ngọc Phụng vừa hồ hởi, vừa tếu táo nói vui "Hải Anh nó nói đã bắc rạp từ hôm qua rồi, có cả dê nữa. Còn thịt gà, các thầy, các bác khỏi lo đi, gà chúng em tự nuôi đó, chẳng sợ H5N1  gì đâu. Ô, hoá ra mình đi đám cưới à?".

 

Tiếng là về thi đấu giao hữu với các trò của đội nữ Hà Nam nhưng các thầy của Trường Từ Sơn cũng phải rất vất vả mới giữ được tỷ số hoà 3-3 mang tính hữu nghị. Trong khi các nữ cầu thủ Hà Nam cứ chạy băng băng từ đầu đến cuối, chỉ Hải Sâm, Vũ Thị Ánh cùng Văn Thị Thanh phải ra nghỉ trước thì bên phía đội bóng của các thầy cứ thay đổi người liên tục, ra rồi lại vào nhưng vẫn chẳng thể nào chạy nổi. 

 

Nhưng đá bóng chỉ là phụ còn bữa tiệc mới là chính. Mọi việc từ hạch toán, đi chợ, nấu nướng sao cho vừa với túi tiền đều đã được các cầu thủ đội nữ Hà Nam tính toán một cách chi ly.

 

Rời sân bóng, tắm ù một cái là những Hải Sâm, Thanh Huyền, Vũ Thị Ánh, Nguyễn Thị Hương, Văn Thị Thanh, Vũ Thị Lành... lại xắn tay vào bếp và trở thành những cô gái đảm đang trong việc nội trợ.

 

Bữa tiệc “dê bảy món” tưởng như chỉ có những đầu bếp thực sự mới có thể đảm trách được nhưng dưới bàn tay chế biến của các nữ cầu thủ, đâu cũng vào đấy, mà không kém phần ngon miệng đâu nhé.

 

Trên sân đấu mạnh mẽ là thế, nhưng khi vào bếp, nhà vô địch SEA Games Văn Thị Thanh lại có phần bẽn lẽn. Bên nồi dê xào lăn hay những bát tiết canh, Thanh cũng làm đâu ra đấy, hệt như khi ghi bàn thắng vậy. Tuy nhiên, trước chúng tôi, Thanh lại rụt rè và đỏ mặt, "anh đừng đưa em lên báo nhé".

 

Bên mâm cơm thấm đượm tình cảm hơn ấy, chúng tôi càng cảm nhận được cái không khí gia đình ấm cúng, những nét duyên dáng, nữ tính của các nữ cầu thủ.

 

Tiền đạo Vũ Thị Lành tâm sự “bọn em ở đây như một gia đình, gần 30 người, cả thầy lẫn trò quây quần trong mấy gian nhà, ra đụng vào chạm, gặp nhau suốt ngày có muốn cãi nhau cũng chẳng được. Có thể hết giải vô địch quốc gia sang năm, chúng em sẽ được dọn đến địa điểm sinh hoạt và tập luyện mới, tiện nghi hơn, thoải mái hơn nhưng tụi em vẫn không thích bằng ở đây.

 

Dù còn nhiều khó khăn, ăn ở cũng chưa được đầy đủ, thuận tiện nhưng đó là những gì mà thầy trò chúng em đã tự tay tạo dựng nên thấy yêu quý vô cùng”.

 

Tiếp lời Lành, thủ môn Hải Sâm thổ lộ “người ta sợ con gái đá bóng lắm anh ơi, họ bảo khô như ngói ấy. Đâu phải thế, đâu phải con gái đá bóng là khô. Sau những giờ tập luyện và thi đấu trên sân cỏ, ngoài đời họ cũng là những cô gái, nữ thanh niên với đầy đủ những nét nữ tính của mình, cũng giỏi nội trợ như biết bao người phụ nữ Việt Nam khác”.

 

Bữa tiệc vui nào rồi cũng đến hồi kết, cuộc giao lưu nào rồi cũng đến lúc phải chia tay nhưng sao trong lòng mỗi người hôm ấy đều cảm thấy xúc động, bồi hồi đến khó tả. Những cái bắt tay, vẫy tay chào nhau không thể nói hết tình cảm trong lòng, đành gửi theo ánh mắt hay những chậu địa lan được mang tặng. 

 

Trong tôi sẽ còn mãi giây phút cảm động, ấm áp hôm ấy bên những nhà vô địch Văn Thị Thanh, Nguyễn Thị Hương, Vũ Thị Lành...cùng các đồng đội của họ, những người con gái Việt Nam.

 

Nữ cầu thủ và những nick name

 

Mai Lan, đội trưởng của đội nữ Than Cửa Ông được các đồng đội gọi là “Lan chè”. Nghe mọi người kể lại, cũng vì ham uống chè quá mà trong nhiều chuyến thi đấu xa nhà trong hành trang của cô gái vùng than Quảng Ninh này có kèm thêm cả bộ ấm chén nữa.

 

Trắng trẻo, xinh xắn là thế nên trung vệ Bùi Thị Tuyết có biệt danh là “Tuyết gà con”. Nguyên do là hồi cùng đội nữ Than Quảng Ninh tập huấn tại Trung Quốc cách đây vài năm, thấy hình dáng của Tuyết trắng trẻo như vậy nên chuyên gia Hoàng Kính Dịch của bạn đã nghĩ ra cái tên đáng yêu này.

 

Thuý Nga, tiền vệ cánh phải nổi tiếng một thời của đội tuyển bóng đá nữ QG được biết đến với cái tên “Nga vẹo” trong khi đồng đội cùng thời với chị Hồng Phúc có tên gọi đi kèm là “Phúc bồ”.

 

Chưa hết, Nguyễn Thị Huyền, thủ môn trước đây của đội nữ Thái Nguyên còn được gọi là “Huyền hoa”, đồng đội Âu Thị Thu Quế của Huyền có tên gọi “Quế ngựa”, trung vệ Nguyễn Thị Hiền (Than Cửa Ông) là “Hiền cá sấu” còn cựu cầu thủ Mỹ Oanh (TPHCM) là “Oanh tây”.

 

Quê gốc ở Thạch Thành (Thanh Hóa) nhưng đã chuyển ra thi đấu cho đội nữ Hà Tây từ lâu, tiền đạo Lê Thị Oanh, tuyển thủ QG, cầu thủ lập hat-trick ở trận thắng Philippines 5-1 tại SEA Games 23 được bạn bè gọi là “Oanh nem”. Đơn giản vì cứ mỗi lần về quê ra, Oanh lại mang theo rất nhiều nem chua, đặc sản xứ Thanh để khao các đồng đội.

 

Thu Hà, cựu cầu thủ của đội trẻ Hà Nội nay đã chuyển nghề sang làm giáo viên và trọng tài tại các giải bóng đá nữ, bóng đá trẻ được gọi là “Hà phở” mà chẳng biết vì sao. Duy chỉ có tên gọi “Tí” của tiền vệ Diệu Huyền (Than Cửa Ông) là khá đặc biệt vì được gọi riêng mà không đi kèm với tên.

 

Qủa bóng vàng Việt Nam 2003 Văn Thị Thanh, cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất mang về chiến thắng 1-0 cho đội tuyển Việt Nam ở trận chung kết SEA Games 23 được gọi là “Thanh Beck” vì sở trường đá cánh và cũng vì Thanh rất thích lối đá của tiền vệ hào hoa người Anh này. Ngay cả địa chỉ hộp thư điện tử của Thanh cũng đặt theo nick này.

 

Mỗi cái tên gắn liền với cuộc đời một con người còn với cá nhân các nữ cầu thủ, đó là những “nick name” đáng nhớ.

 

Theo Minh Tiến

Tạp chí Bóng đá 442