3 trận thủng lưới 10 bàn và những bài học với đội tuyển Việt Nam

Trọng Vũ

(Dân trí) - Thầy trò HLV Troussier đá 3 trận giao hữu, để thủng lưới 10 lần, không ghi được bàn thắng nào. Nhưng ngay cả khi thất bại, đội tuyển Việt Nam vẫn có những điều để thu hoạch.

3 trận để thủng lưới 10 bàn

Đối thủ của đội tuyển Việt Nam ở 3 trận giao hữu trong những ngày vừa qua gồm đội tuyển Trung Quốc (ngày 10/10), Uzbekistan (13/10) và Hàn Quốc (17/10).

Điều thu hoạch đầu tiên, đội bóng của HLV Philippe Troussier nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sẽ bớt mơ mộng thái quá về hành trình của đội ở vòng loại World Cup 2026 (đối đầu Iraq, Philippines và Indonesia ở vòng loại thứ hai châu Á).

Chúng ta vẫn sẽ hy vọng vào việc đội tuyển Việt Nam tạo được bất ngờ ở sân chơi này, nhưng hy vọng đó phải dựa trên sự chuẩn bị tốt hơn, lối chơi đa dạng hơn.

Sau các trận giao hữu với các đội Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc, chúng ta thấy rõ vẫn còn khoảng cách giữa nhóm đầu châu Á với đội tuyển Việt Nam.

3 trận thủng lưới 10 bàn và những bài học với đội tuyển Việt Nam - 1

Đội tuyển Việt Nam hiện rất yếu ở khả năng chống bóng bổng (Ảnh: AP).

Muốn tạo được bất ngờ trước các đối thủ mạnh hơn mình một bậc (Trung Quốc, Uzbekistan) hoặc vài bậc (Hàn Quốc), đội tuyển Việt Nam cần có lối chơi linh hoạt hơn, biến hóa và đa dạng hơn.

Đây là yếu tố mà đội tuyển Việt Nam vẫn còn thiếu không chỉ dưới thời HLV Philippe Troussier, mà còn thiếu dưới thời HLV tiền nhiệm Park Hang Seo.

Trước đây, HLV Park Hang Seo chỉ giỏi xây dựng lối đá phòng ngự phản công, thậm chí khi đối đầu với các đối thủ dưới cơ ở Đông Nam Á, đội bóng do ông Park dẫn dắt cũng gần như không thể đá tấn công áp đặt.

Đấy là lý do mà bóng đá Việt Nam phải chọn HLV có phong cách cầm quân khác với HLV Park Hang Seo sau khi ông Park hết hợp đồng với VFF. Tuy nhiên, hiện tại, HLV Troussier lại trái ngược hoàn toàn so với HLV Park Hang Seo.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier đôi lúc lại chơi kiểm soát bóng có phần hơi cứng nhắc, bất chấp đối thủ là ai và bất chấp vị thế của bản thân chúng ta.

Cụ thể, đá với đối thủ mạnh hơn như Trung Quốc hay Uzbekistan, nếu chọn lối chơi kiểm soát bóng, không khác nào đâm đầu vào chỗ chắc chắn thất bại.

3 trận thủng lưới 10 bàn và những bài học với đội tuyển Việt Nam - 2

Đội tuyển Việt Nam hiện tại có phần hơi cứng nhắc trong lối chơi thiên về kiểm soát bóng (Ảnh: AP).

Thật ra, không lối chơi nào tối ưu hoàn toàn. Một đội bóng giỏi là một đội bóng có sự uyển chuyển, biết kết hợp giữa lối đá tấn công kiểm soát bóng với lối chơi phòng ngự phản công.

Đơn cử đội tuyển Hàn Quốc cũng vậy thôi. Khi họ đá với đội tuyển Việt Nam, họ dĩ nhiên chọn cách tấn công áp đặt.

Nhưng ngược lại, nếu Hàn Quốc phải đụng độ các đội trong nhóm đầu thế giới như Đức, Brazil, Italy… họ dứt khoát phải chuyển sang chơi phòng ngự phản công, vì họ không còn giải pháp nào khác.

Những trận thua bổ ích

Chúng ta cần đội bóng của HLV Philippe Troussier phải phòng ngự tốt hơn khi cần phòng ngự, phản công nhanh hơn khi cần phản công. Về mặt này, đội tuyển Việt Nam của vị HLV người Pháp chưa thực hiện tốt khâu phòng ngự. Đó là điều thu hoạch tiếp theo từ 3 trận giao hữu toàn thua vừa qua.

Một đội bóng mắc sai sót trong các trận giao hữu là bình thường, mắc sai sót trước các đối thủ mạnh càng không hiếm. Quan trọng là thấy sai phải sửa.

Khâu phòng ngự của đội tuyển Việt Nam trong các trận đấu vừa qua rất lỏng lẻo, khả năng tranh chấp tay đôi lẫn khả năng bọc lót của toàn bộ hệ thống phòng ngự không cao. Điều này phản ánh khâu tổ chức của toàn hệ thống lẫn năng lực cá nhân của từng vị trí vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

3 trận thủng lưới 10 bàn và những bài học với đội tuyển Việt Nam - 3

Nhiều vấn đề chuyên môn của đội tuyển Việt xuất hiện sau các trận giao hữu vừa rồi (Ảnh: Sohu).

Điển hình là ở bàn thua đầu tiên trong trận gặp Uzbekistan, không cầu thủ nào của đội tuyển Việt Nam áp sát chân sút Urunov bên phía Uzbekistan, để cầu thủ này rảnh chân sút bóng hạ thủ môn Đình Triệu.

Ở bàn thua đầu tiên trong trận gặp Hàn Quốc, không hậu vệ nào của đội tuyển Việt Nam nhảy lên tranh bóng trên không với trung vệ Kim Min Jae. Cầu thủ của Hàn Quốc đánh đầu ngay trước khu vực 5m50 (khu vực hiếm khi các đội để cho đối thủ áp sát trong những pha bóng cố định) của đội nhà.

Ở đây không phải Kim Min Jae (1m90) cao hay thấp, mà vấn đề nằm ở chỗ không cầu thủ nào của đội tuyển Việt Nam nhảy lên tranh bóng bổng với Kim Min Jae, nên việc chọc thủng lưới thủ môn Đặng Văn Lâm trở nên quá đơn giản đối với trung vệ đang chơi cho Bayern Munich.

Đó là bài học và thu hoạch tiếp theo cho đội tuyển Việt Nam trong các trận đấu đã qua: Các nhân sự vừa được HLV Troussier thử nghiệm, cũng như hệ thống hiện tại của đội tuyển Việt Nam quá yếu trong các tình huống bóng bổng.

Đây đều là những điều mà đội tuyển Việt Nam cần phải thay đổi trước khi bước vào chiến dịch vòng loại thứ hai World Cup, diễn ra vào tháng 11 tới đây.

Nếu các cầu thủ nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn như Đoàn Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Công Phượng… được gọi trở lại đội tuyển, khả năng đoàn quân của HLV Troussier sẽ giải quyết khá nhiều bài toán về chất lượng đội hình, về khâu chống bóng bổng và cả khả năng gây đột biến.

Đây cũng là những thay đổi cần thiết mà HLV Troussier phải đặc biệt lưu tâm, khi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị bước vào những trận đấu chính thức với Philippines, Iraq, Indonesia ở vòng loại World Cup 2026.

Đội tuyển Việt Nam thua toàn diện Uzbekistan