1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Yếu tố then chốt tác động tới chiến lược quân sự của Nga và Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra một yếu tố quan trọng tác động tới chiến lược của Nga và Ukraine khi chiến sự giữa 2 nước đã kéo dài hơn 5 tháng.

Yếu tố then chốt tác động tới chiến lược quân sự của Nga và Ukraine - 1

Lực lượng thân Nga ở Donbass phóng rocket về phía Ukraine hồi tháng 5 (Ảnh: AP).

Phó giáo sư Học viện Quân sự Mỹ Vikram Mittal nhận định rằng, trong suốt những tháng qua, một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng tới việc Nga và Ukraine đưa ra quyết định, cũng như vạch ra chiến lược trên chiến trường chính là: Thời gian. Yếu tố này luôn được 2 bên đưa ra cân nhắc trong hầu hết các diễn biến chính của cuộc chiến.

Ở giai đoạn đầu, cuộc giao tranh diễn ra với nhịp độ nhanh, dồn dập nhưng giờ đây nó lại trở thành một cuộc chiến tiêu hao chậm chạp ở khắp các chiến trường.

Theo ông Mittal, mục tiêu ban đầu của Nga dường như là muốn áp đảo phía Ukraine và nhanh chóng gây áp lực khiến chính quyền Ukraine nhượng bộ. Trong khi đó, Ukraine hy vọng rằng áp lực từ quốc tế và sự phản kháng quyết liệt của Kiev sẽ khiến Nga từ bỏ chiến dịch quân sự nhanh chóng. Tuy nhiên, cho tới nay, chiều hướng của cuộc chiến đã đi theo một diễn biến khác.

Nga giờ đây đã dồn phần lớn mục tiêu tập trung vào khu vực Donbass ở Đông Ukraine. Tại khu vực này, quân đội Nga đã áp dụng chiến thuật "mưa hỏa lực", nơi họ sử dụng pháo binh tấn công một khu vực để đẩy đối thủ rút quân và sau đó điều động bộ binh của Nga vào khu vực đó để bảo đảm thành quả. Quá trình này khá hiệu quả trong việc giúp Nga giành quyền kiểm soát lãnh thổ, mặc dù nó diễn tiến khá chậm chạp, và tốn kém hỏa lực.

Quân đội Nga có thể thực hiện được kiểu chiến thuật này nhờ số lượng lớn pháo binh được phân bổ cho mỗi Tiểu đoàn Chiến thuật. Quá trình di chuyển chậm chạp này cho phép lực lượng mặt đất của Nga có được sự che chắn từ các lực lượng pháo binh và phòng không của họ, hạn chế rủi ro bị pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine tấn công.

Thách thức lớn đối với cách tiếp cận này là công tác hậu cần vì nó phụ thuộc vào nguồn cung cấp liên tục đạn dược và đạn pháo. Hơn nữa, vì di chuyển chậm, nên quân đội Nga cần được tiếp tế liên tục lương thực và nhiên liệu. Xét theo góc độ này, Nga có thể có lợi thế hơn đối thủ Ukraine, vì họ vẫn sở hữu nguồn lực khí tài quân sự tương đối dồi dào và trong một cuộc chiến tiêu hao, bên nào có thể duy trì được lâu hơn là bên có lợi hơn. Nga giờ đây đã kiểm soát phần lớn Donbass sau khi áp dụng chiến thuật tiến chậm, tiến chắc.

Thế khó của Ukraine

Sau một thời gian chống đỡ và cố thủ và gây không ít thiệt hại cho Nga, Ukraine giờ đây đang chuyển sự tập trung sang chiến thuật phản công để giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ từ tay Moscow. Họ đã giành lại được một số khu vực ở phía bắc như Kharkov và đang dồn sức tới khu vực Kherson ở phía nam. Giành lại Kherson hoặc phá hủy các cây cầu huyết mạch ở vùng này có thể ngăn lực lượng Nga di chuyển quân từ Crimea tiến sâu hơn vào miền nam Ukraine với thành phố huyết mạch Odessa.

Các chuyên gia cảnh báo việc Ukraine đổi chiến lược sang phản công có thể sẽ không bền vững vào thời điểm này. Sau thời gian 5 tháng chiến sự kéo dài, Ukraine đã mất một số lượng đáng kể khí tài quân sự và nhân lực. Hồi giữa tháng 6, họ từng thừa nhận mất tới 50% vũ khí hạng nặng và các nguồn viện trợ từ phương Tây khó có thể lấp đầy trở lại chỉ trong vài tháng.

Dù Ukraine đang cố gắng tận dụng hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS mà Mỹ cung cấp để tạo nên sự khác biệt trên chiến trường, nhưng đây chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Việc đưa một đội quân đang thiếu nguồn lực tiến hành phản công có thể khiến Ukraine gặp bất lợi trong bối cảnh Nga đang dồn thêm hỏa lực xuống Kherson để chặn đà tiến của Kiev.

Theo chuyên gia Mittal, quân đội Ukraine cho rằng nếu chiến sự kéo dài, các yếu tố bên ngoài có thể sẽ tác động tới Nga. Kiev nhận định, hiệu ứng từ các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên đối thủ và việc Nga chi ngân sách khổng lồ cho cuộc chiến có thể gây áp lực ngày càng lớn lên Moscow. Tuy khó khăn, nhưng Nga vẫn đang hưởng lợi từ ngành công nghiệp năng lượng xương sống của họ khi giá dầu mỏ và khí đốt liên tục tăng trong thời gian vừa qua. 

Mặt khác, Nga có thể có lợi hơn nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, nhất là khi mùa đông tới gần. Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga vẫn rất lớn và nó đang trở thành yếu tố khiến sự đoàn kết của phương Tây trong việc ủng hộ cho Ukraine có dấu hiệu bị rạn nứt.

Cuộc chiến kéo dài cũng gây áp lực lên chính Ukraine trong việc đảm bảo vực dậy nền kinh tế gần như sụp đổ vì chiến sự, áp lực về vũ khí, viện trợ kéo dài dồn dập trong những tháng qua. Nga dường như kỳ vọng, họ sẽ được hưởng lợi từ những yếu tố này để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mà phía Ukraine phải chấp nhận nhượng bộ.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine