1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ý đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc - Kỳ cuối: Hướng giải quyết vấn đề Biển Đông

Sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực không phải là một giải pháp phù hợp để “chiếm hữu chủ quyền” ở Biển Đông, vì nó chống lại luật pháp quốc tế, hủy hoại hòa bình thế giới và khu vực. Hơn nữa, dù có chiếm được trên thực địa thì về mặt pháp lý, quốc gia xâm chiếm cũng không bao giờ được các nước thừa nhận chủ quyền. Trong bối cảnh đó, các bên liên quan có thể tìm đến một số hướng giải quyết sau:

Sử dụng kênh đàm phán, đối thoại: Là biện pháp phù hợp nhất với các bên. Có thể phải mất nhiều thời gian, nhưng kết quả đạt được cuối cùng sẽ giúp xử lý một cách căn bản, lâu dài các tranh chấp, mâu thuẫn. Hình mẫu cũng đã có: Mới nhất là việc ngày 23/5 vừa qua, Philippines và Indonesia đã ký kết “Hiệp định phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế” trên vùng biển Mindanao và Celebes, sau 20 năm đàm phán. Một biểu hiện thấp hơn của biện pháp này là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Trên thế giới đã có nhiều thỏa thuận về các dàn xếp tạm thời “khai thác chung” dưới nhiều hình thức và trong các lĩnh vực khác nhau như đánh bắt cá, khai thác dầu khí. Đó là Hiệp định về khai thác chung Nhật Bản - Hàn Quốc (1974) ở khu vực biển chồng lấn; Hiệp định về phát triển chung vùng biển chồng lấn ở Biển Đông Timor giữa Australia và Indonesia năm (1989).

Một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” không nên hành xử theo cách này
Một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” không nên hành xử theo cách này.

Trung Quốc dường như chưa cho thấy sự sẵn sàng, thật tâm đối với lựa chọn này. Đơn cử như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), một văn bản cao hơn so với DOC, có tính ràng buộc pháp lý. Bắc Kinh không thực sự hưởng ứng, nếu không nói là muốn trì hoãn. Với “gác tranh chấp, cùng khai thác”, từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, Trung Quốc lần lượt nêu ý tưởng này với Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam, nhưng kiên quyết bảo lưu điều kiện tiên quyết “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” - một điều không thể chấp nhận được, vì nó làm lộ rõ ý đồ biến những vùng biển “không tranh chấp” thành “tranh chấp”, để dễ bề kiểm soát Biển Đông.

Viện tới các công cụ pháp lý: Luật pháp quốc tế là một công cụ giúp giải quyết các tranh chấp. Điều 287 của UNCLOS quy định khi ký hay phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, quốc gia được quyền tự do lựa chọn, dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản một hay nhiều biện pháp sau: 1. Tòa án công lý quốc tế (ICJ); 2. Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS); 3. Một tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; 4. Một tòa trọng tài đặc biệt để giải quyết các tranh chấp trong từng lĩnh vực riêng biệt như nghiên cứu khoa học biển, nghề cá, giao thông biển... được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước. Phổ biến hơn cả là cơ chế giải quyết tranh chấp qua ICJ và ITLOS.

ICJ là một cơ quan tư pháp chủ chốt của LHQ. Theo quy chế của ICJ, phán quyết cuối cùng của 15 thẩm phán có giá trị chung thẩm, không có kháng cáo kháng nghị hay phúc thẩm và có hiệu lực thực thi tức thì. Trường hợp nếu một bên ở trong vụ tranh chấp đã đồng thuận ra tòa mà không thực thi phán quyết của tòa thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp để buộc thi hành. Trung Quốc là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, nên những việc khởi kiện nước này tại ICJ sẽ gặp rắc rối. Liên quan đến Biển Đông, cả Indonesia, Singapore, Malaysia đã cùng đưa vấn đề chủ quyền biển đảo ra ICJ và chấp nhận phán quyết cuối cùng. Năm 2002, ICJ đã quyết định trao chủ quyền đối với hai hòn đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan cho phía Malaysia trong vụ tranh chấp với Indonesia. Đến năm 2008, ICJ ra phán quyết trao chủ quyền đối với đảo Pedra Branca cho Singapore, Middle Rock thuộc về Malaysia, còn South Ledge được chia tách cho cả hai nước căn cứ theo lãnh hải, sau khi hai nước này cùng đệ đơn lên ICJ hồi năm 2003.

Tòa trọng tài quốc tế về luật biển (ITLOS) là một cơ quan tài phán riêng biệt, được thành lập theo UNCLOS nhằm giải thích các điều khoản và việc áp dụng Công ước. Tuy nhiên, ITLOS không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và biên giới, mà chỉ có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Nói một cách đơn giản, việc khởi kiện nhằm vào Trung Quốc chỉ có thể hướng đến các nội dung như khởi kiện tuyên bố và hành động “xác lập chủ quyền” của Bắc Kinh theo “đường 9 đoạn”. Đó chính là cách mà Philippines đã làm khi thông báo và khởi kiện Trung Quốc tại ITLOS hồi tháng 1/2012.

Quan điểm của Trung Quốc đối với giải quyết tranh chấp qua con đường pháp lý đã rõ: Họ tuyên bố không chấp nhận các phán quyết quốc tế, dựa theo các bảo lưu tại Điều 298 của UNCLOS, có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại Điều 287, dựa trên đường hướng “2 không” - không đa phương hóa, không quốc tế hóa các tranh chấp. Khi Philippines kiện, Trung Quốc cũng không chấp nhận thẩm quyền của tòa án, không chấp nhận đưa ra tòa án Luật Biển nhưng tòa vẫn chấp nhận đơn kiện của Philippines. Tuy nhiên, “cái giá” mà Trung Quốc phải trả trong lối hành xử này chính là hình ảnh trước quốc tế, liên quan đến tính “chính nghĩa, hợp pháp” trong những yêu sách, đòi hỏi “chủ quyền” đối với Biển Đông.

Không thật tâm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc quyết bám níu vào “đường 9 đoạn” mờ ảo, hư vô, không có giá trị pháp lý. Trung Quốc đang thực sự muốn gì? “Độc chiếm Biển Đông” là ý đồ xuyên suốt. Trong khi chờ thời điểm thích hợp để hiện thực hóa mục tiêu trên thì Bắc Kinh sẽ có các hành động làm “dậy sóng” Biển Đông, như những gì đang xảy ra trong vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981. Có một điều chắc chắn, chân lý và đạo lý sẽ không cho phép Trung Quốc “ôm trọn” Biển Đông, vì nếu nước này thành công trong cái gọi là “đòi lại” hơn 3 triệu km2 diện tích đang bị “chiếm đoạt”, thì thực sự thế giới sẽ phải chứng kiến một hành vi “chiếm đoạt lãnh thổ quy mô lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến 2” theo nhận định của tạp chí Forbes.

Theo Hoài Thanh