1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông

(Dân trí) - Thông tin về việc Trung Quốc thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần tại Biển Đông được phát đi giữa lúc căng thẳng tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vậy đâu là mục đích thực sự của Bắc Kinh khi lập trung tâm như vậy ở Biển Đông?


Các tàu hải giám Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông. (Ảnh: Inquirer)

Các tàu hải giám Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông. (Ảnh: Inquirer)

Phát biểu bên lề kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc, ông Wang Hong, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc, ngày 16/3 cho biết nước này đã tiến hành các hoạt động xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Ông này nói: "Chúng tôi đã tiến hành xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần để hỗ trợ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia ở Biển Đông. Hợp tác giữa các nước ở vùng biển này là một trong những trọng tâm của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác với họ và xây dựng một vùng biển hòa bình và thịnh vượng".

Dù có mục đích chính là cảnh báo khả năng xảy ra sóng thần nhưng thông báo về việc thành lập trung tâm này của Trung Quốc lại được dư luận quốc tế đón nhận khá hoài nghi do những động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua. Các chuyên gia trên trên trang mạng Diplomat đánh giá Bắc Kinh có thể có các mục đích khác khi quyết định xây dựng một trung tâm như vậy ở Biển Đông.

Thứ nhất, ý tưởng thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần của Trung Quốc không phải là ý tưởng mới và đã được nhắc tới trong nhiều năm qua. Sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương làm 230.000 người ở 14 quốc gia thiệt mạng hồi năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua cơ quan cấp dưới là Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) thành lập Trung tâm Cảnh báo và Giảm nhẹ Sóng thần Thái Bình Dương (PTWS). Đây là hệ thống giúp trao đổi thông tin đề phòng nguy cơ xảy ra sóng thần. Bên trong hệ thống này, các trung tâm được thành lập để đưa ra cảnh báo cho các quốc gia ở những châu lục khác nhau. Thực tế, các khuyến cáo về sóng thần trên Biển Đông được đưa ra dựa trên cơ sở hiện nay của Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) đặt tại Hawaii và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tại thủ đô Tokyo.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nhiều lần đề cập tới khả năng nước này tự xây dựng một trung tâm cảnh báo sóng thần trong các phiên họp tại Liên hợp quốc. Hồi tháng 9/2013, đề xuất xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần của Trung Quốc đã được IOC thông qua và Trung tâm Dự đoán Môi trưởng Hàng hải của Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ xây dựng trung tâm mới. Đây chính là trung tâm đã được Giám đốc Wang Hong nhắc tới và trước mắt, nó sẽ hoạt động như một phần trong hệ thống các trung tâm của PTWS.

Thứ hai, trung tâm cảnh báo sóng thần có khả năng theo dõi tình hình không chỉ ở một vùng biển và trung tâm của Trung Quốc có thể sẽ không chỉ "bám sát" các hiện tượng thiên nhiên ở Biển Đông. Ví dụ, trung tâm của PTWC đặt tại Mỹ có thể đưa ra cảnh báo tới các quốc gia ở Thái Bình Dương, cũng như Biển Đông và vùng biển Ca-ri-bê, trong khi trung tâm của JMA có thể đưa ra khuyến cáo tới các quốc gia ở vùng biển phía Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông. Theo thông báo của Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc, trung tâm cảnh báo sóng thần mới của Trung Quốc sẽ không chỉ làm nhiệm vụ ở Biển Đông mà còn cả biển Sulu và Sulawesi.

Thứ ba, trung tâm cảnh báo sóng thần của Trung Quốc có thể sẽ được Bắc Kinh sử dụng như một phần trong chiến lược mở rộng sự hiện diện của nước này tại Biển Đông. Hãng tin Reuters của Anh cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng trung tâm này để "củng cố quyền tài phán của mình trong vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền". Chưa kể, nếu dựa vào những động thái của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông, không khó để nhận thấy trung tâm cảnh báo sóng thần mới có thể nằm trong chiến lược mở rộng các công trình thuộc "lĩnh vực công" của nước này tại vùng biển đang có tranh chấp, qua đó phục vụ các hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa của Bắc Kinh ở đây. Trong một bài phát biểu hồi tháng 5 năm ngoái, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli, từng tuyên bố nước này hoan nghênh Mỹ và các quốc gia khác sử dụng những cơ sở dân sự của nước này tại Biển Đông để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và dự báo thời tiết.

"Chúng tôi sẽ cải thiện các dịch vụ công ngoài biển như những hệ thống dự báo thời tiết hay các chương trình tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế nhằm duy trì an ninh hàng hải. Chúng tôi hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và những nước liên quan sử dụng các cơ sở này trong tương lai khi đáp ứng được những điều kiện", Đô đốc Wu tuyên bố.

Cũng có khả năng trung tâm cảnh báo sóng thần của Trung Quốc sẽ hoạt động đúng với chức năng của các trung tâm khác lúc này. Đó là ngăn ngừa các thảm họa thiên nhiên theo cơ chế hợp tác giữa các nước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, không thể không hoài nghi mục đích thực sự của Bắc Kinh. Theo các chuyên gia, liệu đây có phải là một dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hiện diện ngày càng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông?

Ngọc Anh

Theo Diplomat