Xung đột Israel - Hamas tác động thế nào tới cán cân quyền lực thế giới?
(Dân trí) - Sự leo thang trong cuộc chiến Hamas - Israel sẽ khiến Mỹ và đồng minh phương Tây bị phân tán chú ý và dàn trải nguồn lực, đồng thời đẩy cán cân quyền lực tạm nghiêng về Nga, Trung Quốc.
Khi Mỹ đã tiến rất gần mục tiêu thoái lui khỏi Trung Đông, khu vực này lại kéo Washington quay trở lại, bắt đầu với hàng nghìn quả rocket của Hamas phóng vào Israel hôm 7/10.
Hiện khó có thể dự đoán tác động lâu dài của cuộc xung đột, do nó còn phụ thuộc vào việc liệu Israel có thể loại Hamas như đã tuyên bố hay không, và liệu vị thế ngoại giao của Israel cùng đồng minh phương Tây có thể trụ vững trước thương vong ngày một lớn tại Dải Gaza trong cuộc chiến đô thị sắp tới hay không.
Nhưng trước mắt, cuộc chiến Hamas - Israel, vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đang giúp các nước như Nga, Trung Quốc và Iran có cơ hội làm suy giảm vị thế ngoại giao của Mỹ, qua đó cố gắng làm dịch chuyển trật tự thế giới hiện nay do Mỹ dẫn dắt.
Trong khi đó, cả Washington và đồng minh tại Brussels sẽ phải hao tâm tổn sức với giao tranh ở Trung Đông, khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sắp kết thúc.
Mỹ lao tâm khổ tứ
Từ lâu trước khi xung đột Hamas - Israel bùng nổ hôm 7/10, Washington đã muốn giảm sự hiện diện tại Trung Đông, sau 20 năm theo đuổi mục tiêu chống khủng bố tốn kém, để lại nhiều hệ lụy cho chính trị - xã hội Mỹ.
"Bắt đầu từ thời ông Obama, qua thời ông Trump, và tiếp tục dưới thời ông Biden, nước Mỹ đã muốn tạo thêm khoảng cách giữa mình và Trung Đông", ông Dana Allin, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh), nhận định với phóng viên Dân trí.
Sau màn rút quân hỗn loạn ra khỏi Afghanistan hồi năm 2021, chính quyền ông Biden nhận ra rằng sự vướng bận của Mỹ tại Trung Đông đang khiến nước này khó có thể toàn tâm toàn ý đối phó với Trung Quốc - quốc gia mà theo Mỹ là nước duy nhất có thể thách thức vị thế của mình trên thế giới.
Washington đã nghĩ ra chiến lược rút lui được Suzanne Maloney, Phó Chủ tịch Viện Brookings, một viện chính sách Mỹ, đánh giá là "sáng tạo", nhằm tạo ra thế cân bằng quyền lực mới tại Trung Đông, cho phép Mỹ giảm hiện diện tại đây và đảm bảo Trung Quốc không thể lấp đầy khoảng trống.
Theo chiến lược ấy, Mỹ sẽ làm trung gian giúp 2 đối tác quan trọng nhất của mình trong khu vực là Israel và Ả-rập Xê-út bình thường hóa quan hệ, từ đó giúp liên kết 2 nước trước đối thủ chung là Iran, đồng thời đẩy Riyadh ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh.
Nhưng tiếng súng và hàng nghìn quả rocket của Hamas đã khiến những nỗ lực ấy đổ bể. Trái với việc giảm hiện diện quân sự, Mỹ điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực, đồng thời đặt hàng nghìn binh sĩ vào trạng thái "sẵn sàng cao độ" chờ triển khai tới hỗ trợ Israel.
"Cuộc khủng hoảng này cho thấy cái khó của việc đặt ra nghị trình chiến lược cho chính mình", ông Dallin nói. "Trung Đông luôn có cách để kéo Mỹ quay trở lại".
Washington sẽ phải đi dây thăng bằng khi ủng hộ đồng minh Israel, một phần là bởi thương vong đối với dân thường Palestine xuất phát từ cuộc tấn công trên bộ dự kiến của Israel vào Dải Gaza sẽ bị gắn với nước Mỹ, theo ông Dallin.
Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ thấy nguồn lực của mình bị dàn trải do phải viện trợ đồng thời cho Ukraine và Israel. Nếu giao tranh ở Dải Gaza kéo dài mà năng lực sản xuất chưa thể bắt kịp nhu cầu, Washington có thể sẽ phải ưu tiên một bên trong việc cung cấp vũ khí và trang bị quân sự.
Lợi thế cho Nga
Xung đột nổ ra ở Trung Đông có thể đem lại một số lợi thế cho Nga, quốc gia đến nay đã mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" dài hơn 600 ngày tại Ukraine.
"Nước Nga được hưởng lợi từ cơn địa chấn này, do các đồng minh phương Tây sẽ bị dàn trải trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự và tài chính", ông Kawa Hassan, nhà nghiên cứu thuộc chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Trung tâm Stimson, nói với phóng viên Dân trí.
Khi Israel còn đang phản ứng trước đòn công kích bất ngờ của Hamas, Moscow đã mở cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng qua để chiếm Avdiivka, được mệnh danh là "Bakhmut thứ 2" tại đông Ukraine.
Đợt tấn công này ắt hẳn sẽ thu hút sự chú ý lớn nếu diễn ra trước ngày 7/10, nhưng nó hiện giờ chỉ là diễn biến nhỏ bên cạnh các tít báo về giao tranh Hamas - Israel.
Xung đột Hamas còn là cơ hội để Nga chỉ trích Mỹ, cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm. "Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là ví dụ rõ ràng về sự thất bại trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông", Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq.
Dù Israel và Dải Gaza không phải 2 nhà xuất khẩu dầu mỏ, xung đột nổ ra đã đẩy giá dầu tăng cao trong suốt 2 tuần qua, có lúc lên tới 96 USD/thùng. Nếu xung đột lan rộng hơn nữa, giá dầu có thể tăng hơn 100 USD/thùng do lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông.
Giá dầu thô tăng cao sẽ giúp nước xuất khẩu dầu như Nga có thể củng cố nền kinh tế và tăng cường kho dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh nước này dự định tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong năm 2024.
Dù vậy, cuộc xung đột ở Gaza nếu kéo dài chưa chắc đã thật sự có lợi cho Nga, một số chuyên gia nhận định.
Từ trước tới nay, Nga cố gắng giữ quan hệ ngoại giao cân bằng với các bên tại Trung Đông, kể cả với các cặp đối thủ như Israel và Hamas. Qua đó, Moscow đã khiến bản thân có vai trò thiết yếu đối với nhiều chủ thể trong khu vực.
Trong bối cảnh ấy, nếu cuộc chiến tại Gaza lan rộng giữa Israel và một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran (như Hezbollah tại Li Băng), nó có thể làm tăng rủi ro cho màn đi dây thăng bằng của Nga, buộc Moscow phải nghiêng hơn về phía Iran, theo Hanna Notte, Giám đốc Á - Âu thuộc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin.
"Tôi không chắc đó là điều Nga thực sự muốn", bà Notte viết trên Foreign Policy.
Trung Quốc muốn "làm bạn với tất cả"
Trung Quốc đã và đang cố gắng giữ vị thế trung lập trong cuộc xung đột Hamas - Israel nói riêng. Hôm 9/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án hành vi làm hại dân thường nói chung và khẳng định nước này là "bạn của cả Israel và Palestine".
Tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã làm trung gian giúp Iran và Ả-rập Xê-út bình thường hóa quan hệ. Với cuộc xung đột Hamas - Israel, Bắc Kinh có thể tiếp tục phát huy vai trò ấy, từ đó giúp xây dựng hình ảnh một Trung Quốc đóng góp cho hòa bình ở Trung Đông, tương phản với Mỹ.
Liệu Trung Quốc có thể thực sự đóng vai người kiến tạo hòa bình còn là điều cần xem xét, khi mà sự trung lập của Bắc Kinh đã khiến Israel "thất vọng sâu sắc".
Trong lúc kêu gọi cả 2 bên không có hành động làm leo thang tình hình, Bắc Kinh đã tránh dùng từ "khủng bố" - cụm từ phía Israel sử dụng để gọi lực lượng Hamas. Trung Quốc thậm chí tránh nhắc đến "Hamas" trong các tuyên bố chính thức.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã trực tiếp tỏ thái độ không bằng lòng với Israel: "Các hành động của Israel đã vượt quá giới hạn tự vệ. Nguyên nhân sâu xa… của tình hình Palestine - Israel là quyền thành lập nhà nước của người dân Palestine đã bị gạt sang một bên trong thời gian dài".
Cuộc xung đột tại Dải Gaza cũng đánh dấu bước lùi cho đối thủ chính ở châu Á của Trung Quốc là Ấn Độ, nước đã trở nên thân thiết hơn với Israel trong những năm gần đây. Trong phát biểu đầu tiên sau khi xung đột bùng nổ, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ "đoàn kết với Israel trong giờ khắc khó khăn này".
Tháng 9 vừa qua, Ấn Độ và Mỹ công bố kế hoạch xây dựng hành lang kinh tế nối liền Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu, nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc xung đột vừa qua đã làm đóng băng quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả-rập Xê-út, 2 nước quan trọng trong hành lang kinh tế nói trên. Tương lai các cuộc đàm phán hiện không còn chắc chắn.
Dù vậy, tương tự Nga, mọi thứ không phải đều thuận lợi với Bắc Kinh nếu xung đột lan rộng ra cả khu vực.
"Trung Quốc còn phụ thuộc lớn vào các nguồn dầu mỏ từ Trung Đông", ông Allin nói. "Một cuộc chiến ở cấp khu vực có thể sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của các nguồn năng lượng ấy".
Một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và hơn 1/3 tổng lượng dầu được sử dụng tại nước này tới từ Vùng Vịnh, theo Andon Pavlov, nhà phân tích về sản phẩm dầu mỏ của hãng phân tích Kpler ở Vienna.
Cơn đau đầu của EU
Châu Âu có lẽ là bên đau đầu nhất nếu xung đột Hamas - Israel leo thang. Ngoài việc bị phân tán sự chú ý, EU còn có thể đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng mới có khả năng làm tê liệt các nguồn cung thay thế dầu khí Nga.
Bên cạnh đó, các lý do về lịch sử và nhân khẩu học cũng khiến châu Âu gặp mâu thuẫn nội tại trong cách ứng xử với cuộc xung đột tại Dải Gaza.
"Châu Âu, nhất là Đức, cảm thấy mình cần có cam kết mạnh mẽ đối với Israel và an ninh nước này. Trên nhiều mặt, họ cảm thấy không thể chỉ trích Israel vì hậu quả của nạn diệt chủng người Do Thái", ông Allin chỉ ra. "Đồng thời, dân châu Âu nói chung cũng đồng cảm với tình cảnh ngặt nghèo của người Palestine".
Châu Âu cũng có số lượng đáng kể người theo đạo Hồi giáo (ước tính 44 triệu người vào năm 2010, chiếm 6% dân số), những người có thể sẽ thấy phẫn nộ trước thương vong ngày càng tăng của người Gaza do không kích của Israel.
Bạo lực ở Trung Đông tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát bạo lực ở châu Âu, như những gì từng xảy ra trong chiến dịch đẩy lùi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng năm 2014-2017. Trong 2 tuần qua, các thành phố lớn tại châu Âu đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine, với số người tham gia lên tới cả trăm nghìn người.
Theo ông Allin, bối cảnh chính trị hiện nay có thể đem lại cơ hội cho các chính phủ theo đường lối cực hữu.
"Có lẽ mối đe dọa chính trị lớn nhất tại châu Âu là việc các chính phủ dân túy cực hữu được tiếp thêm sức mạnh từ sự chia rẽ giữa nhóm theo Thiên Chúa giáo truyền thống và người theo Hồi giáo", ông Allin chỉ ra. "Điều này giống với sự trỗi dậy của ông Trump tại Mỹ".