1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xuất hiện giả thuyết mới về cái chết của sinh viên Mỹ bị Triều Tiên giam giữ

(Dân trí) - Một tạp chí Mỹ đã đưa ra một giả thuyết khác về cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người từng bị Triều Tiên bắt giam vì cáo buộc chống lại chính quyền. Theo đó, nguyên nhân cái chết của Otto có thể không phải do bị phía Bình Nhưỡng tra tấn thể chất như cáo buộc của Washington.

Sinh viên Otto Warmbier (Ảnh: Reuters)
Sinh viên Otto Warmbier (Ảnh: Reuters)

Trong bài viết trên tạp chí GQ, cây viết Doug Bock Clark, người đã theo dõi và phân tích hồ sơ về cái chết của Otto, đã đưa ra giả thuyết khác rằng sinh viên người Mỹ có thể đã không thiệt mạng vì bị Bình Nhưỡng tra tấn về thể chất trong quá trình giam giữ. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đã sử dụng cáo buộc Triều Tiên tra tấn thể chất Otto để gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng.

Sinh viên Otto Warmbier đã tới Triều Tiên du lịch vào dịp năm mới năm 2016 nhưng bị bắt lại với cáo buộc có hành vi thù địch chống lại nhà nước Triều Tiên sau khi anh này xé tấm khẩu hiệu tuyên truyền của Bình Nhưỡng ở khách sạn mà anh lưu trú.

Otto đã nhận bản án 15 năm tù khổ sai và sau 17 tháng giam giữ, Triều Tiên đã phóng thích nam sinh viên về Mỹ tháng 6/2017. Otto bị chẩn đoán “tổn thương não nghiêm trọng” và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Khi đó, chính quyền Triều Tiên nói rằng Otto bị ngộ độc thực phẩm. Vài ngày sau đó, anh đã qua đời.

Cha mẹ của sinh viên quá cố đã cáo buộc Triều Tiên tra tấn Otto, lấy bằng chứng rằng anh bị tổn thương não, có sẹo ở chân và răng bị xô lệch.

Ông Clark phân tích dựa vào báo cáo pháp y và nhận định Otto dường như có thể không bị tra tấn thể chất. Theo văn bản này, bác sỹ Lakshmi Kode Sammarco, người chịu trách nhiệm khám nghiệm Otto, không thấy những vết sẹo nghiêm trọng, nhấn mạnh dấu vết ở một bên chân Otto không giống như bị tra tấn. Ngoài ra, bà Sammarco quan sát thấy răng của Otto khá tự nhiên và chúng có thể bị xô lệch vì một tai nạn.

Ngoài ra, bà Sammarco cho biết não của Otto bị tổn thương ở cả 2 bên bán cầu, cho thấy phần não này có thể đã bị rơi vào tình trạng thiếu oxy nhiều hơn là bị tác động bởi ngoại lực bên ngoài, thường chỉ gây chấn thương ở 1 phần não. Ông Clark đã dẫn báo cáo này cùng ý kiến của một số chuyên gia khác cho rằng Otto có thể bị hôn mê vì một nguyên nhân nào đó, giống như là bị dị ứng.

Ông Clark phỏng đoán rằng não Otto bị tổn thương có thể là do sinh viên này đã cố gắng tự tử bằng cách chặn đường thở của bản thân dẫn tới thiếu oxy cung cấp cho các bộ phận trong cơ thể. Ông cho rằng Otto bị chấn thương về tinh thần nhiều hơn là về thể chất, không loại trừ khả năng Otto có thể bị tra tấn về mặt tâm lý.

Ông Clark nhận định rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể biết rõ về kết luận trong báo cáo pháp y, nhưng dường như đã lựa chọn cách ủng hộ cáo buộc sinh viên này bị Triều Tiên tra tấn thể chất nhằm thể hiện quan điểm chống lại Bình Nhưỡng mạnh mẽ của Washington vào thời điểm đó.

Ông Trump từng nhiều lần đề cập tới vụ việc của sinh viên xấu số để củng cố các động thái kiên quyết đối phó với Bình Nhưỡng. Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang 2018, ông Trump cũng viện dẫn trường hợp Otto để nhấn mạnh quyết tâm gia tăng áp lực tối đa lên Triều Tiên.

Sau đó, khi mối quan hệ giữa 2 bên có dấu hiệu hòa dịu vào hồi tháng 6, ông Trump đã không nhắc lại về câu chuyện của Otto tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore. Khi báo chí nhắc về câu chuyện của sinh viên Mỹ, ông Trump nói rằng Otto đã không “ra đi một cách vô nghĩa” và hội nghị thượng đỉnh không thể diễn ra nếu như không có vụ việc của Otto.

Đức Hoàng

Theo Dailymail