1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xóa sổ IS, Mỹ chĩa mũi dùi vào al-Qaeda

Nhóm nghị sĩ Mỹ yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan họp khẩn về thông tin vũ khí Mỹ bị nghi chuyển cho các nhóm liên hệ với al-Qaeda ở Yemen

Ông Mustafa Bali, người đứng đầu mảng truyền thông của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, hôm 1-3 cho biết họ sẽ tiến hành một trận chiến khốc liệt với các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn cố thủ trong vùng lãnh thổ cuối cùng ở phía Đông Syria.

Theo ông Bali, nhóm tay súng IS nói trên ẩn nấp ở làng Baghouz tại biên giới Iraq, quyết không đầu hàng và nhiệm vụ trước mắt của SDF là tiếp tục sơ tán dân làng. "Chúng tôi sẽ không xông vào làng nếu chưa thể xác nhận dân thường đã rời khỏi đây" - ông này nói về trận chiến có thể là cuối cùng với IS.

SDF đã bao vây làng Baghouz nhiều tuần qua và cuộc giằng co vẫn chưa ngã ngũ. Chính vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28-2 tuyên bố các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đã tái chiếm 100% lãnh thổ do IS kiểm soát tại Syria khiến nhiều đồng minh không khỏi bất ngờ. Tổng thống Trump tuyên bố như vậy trước các binh sĩ Mỹ tại căn cứ Elmendorf-Richardson ở bang Alaska, sau khi trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội.

 

Xóa sổ IS, Mỹ chĩa mũi dùi vào al-Qaeda - 1

Các tay súng SDF đang giúp đỡ một người đàn ông ngồi xe lăn ở gần làng Baghouz - Syria hôm 27-2 Ảnh: REUTERS

 

Tuyên bố quét sạch bóng IS của ông Trump trái ngược hoàn toàn với thông báo của Chỉ huy SDF Mazloum Kobani. Theo hãng tin Reuters, trong đoạn video được công bố hôm 28-2, ông Kobani cho biết SDF sẽ tuyên bố giành "thắng lợi hoàn toàn trong cuộc chiến với IS trong vòng 1 tuần nữa".

Đây không phải là lần đầu ông Trump gây sốc liên quan đến vấn đề Syria. Hồi tháng 12-2018, ông chủ Nhà Trắng thông báo rút hết quân Mỹ khỏi Syria với lý do đã thành công trong sứ mệnh đánh bại IS, bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức quân sự và tình báo trong nước lẫn đồng minh nước ngoài.

Trước làn sóng chỉ trích, mới đây ông Trump lại khẳng định giữ lại khoảng 400 binh sĩ Mỹ ở Syria, bao gồm 200 lính trong lực lượng đa quốc gia và 200 lính tại một tiền đồn ở Đông Nam Syria nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran.

Trong khi các bên liên quan vẫn chưa thể thống nhất việc IS bị mất toàn bộ lãnh thổ ở Syria thì tổ chức khủng bố al-Qaeda lại lọt vào tầm ngắm của Mỹ. Nhóm nghị sĩ lưỡng đảng do ông Eliot Engel - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - dẫn đầu đã thúc giục Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tổ chức cuộc họp khẩn về thông tin vũ khí Mỹ bị nghi chuyển cho các nhóm cực đoan có liên hệ với al-Qaeda ở Yemen.

Trong thư gửi đến chính quyền Tổng thống Trump, các nghị sĩ cho rằng nghi vấn chính quyền Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chuyển trái phép thiết bị và vũ khí do Mỹ chế tạo đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh và lợi ích quốc gia Mỹ, đồng thời vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận song phương hiện có theo Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí.

Theo đài CNN, hai nước kể trên đã chuyển lậu vũ khí cho các nhóm Lữ đoàn Abu Abbas và Alwiyat al-Aamlga nhằm giành được ưu thế trong cuộc nội chiến ở Yemen. Quân đội Ả Rập Saudi còn bị tố thả tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất xuống khu vực al-Qaeda đang hoạt động.

"Nếu không được bảo vệ, các công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ sẽ bị kẻ thù ở Trung Đông lợi dụng để chế tạo các vũ khí đối phó, như xuyên thủng các loại xe vốn chịu được mìn hay làm tắc nghẽn hoạt động liên lạc của chúng ta" - nhóm nghị sĩ viết trong thư. 

Treo thưởng bắt con trai Osama bin Laden

Lo ngại tổ chức khủng bố al-Qaeda trỗi dậy, Mỹ hôm 28-2 treo thưởng 1 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ Hamza bin Laden, con trai của Osama bin Laden (thủ lĩnh al-Qaeda đã bị Mỹ tiêu diệt vào năm 2011). Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Hamza đang nổi lên với tư cách thủ lĩnh al-Qaeda. Các cơ quan tình báo Mỹ xem gương mặt mới nổi của chủ nghĩa cực đoan này là người thừa kế cha mình trong cuộc chiến Hồi giáo cực đoan toàn cầu giữa lúc IS mất lãnh thổ ở Syria.

Hồi năm ngoái, một người anh em cùng cha khác mẹ của Hamza nói với tờ The Guardian (Anh) rằng y có thể ở Afghanistan. Theo người này, Hamza đã kết hôn với con gái của Mohammed Atta - tên không tặc dẫn đầu vụ khủng bố của al-Qaeda tại Mỹ vào ngày 11-9-2001, khiến 3.000 người thiệt mạng.

 

Theo Xuân Mai

Người lao động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm