1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tiêm kích F-16 lừng lẫy một thời có giúp Ukraine giành lại bầu trời?

Ngọc Huy

(Dân trí) - Mỹ và phương Tây có thể đẩy cuộc xung đột Ukraine lên một nấc thang mới khi tính tới khả năng viện trợ cho Kiev máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon.

Tiêm kích F-16 lừng lẫy một thời có giúp Ukraine giành lại bầu trời? - 1

Tiêm kích F-16 của Không quân Ba Lan tham gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra của NATO trên không phận Lithuania ngày 25/1/2022 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Lithuania).

Nếu Mỹ và phương Tây quyết định cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến), điều đó cũng đồng nghĩa với việc "thêm dầu vào lửa" giữa lúc chiến sự đang nóng bỏng.

F-16 được đánh giá là dòng máy bay chiến đấu đa dụng hạng trung rất hiệu quả nhờ thành tích đã được xây dựng trên nhiều chiến trường. Tuy nhiên, bầu trời Ukraine hoàn toàn khác biệt, liệu Chim ưng chiến có phát huy được thế mạnh? 

Thực tế, việc thị trấn chiến lược Bakhmut "thất thủ" là đòn giáng mạnh vào tinh thần chiến đấu lực lượng vũ trang Ukraine, khiến Mỹ và phương Tây, cũng như giới tinh hoa nhiều nước phải cân nhắc lại chiến lược ủng hộ Kiev.

Nhằm khích lệ Ukraine, rất có thể Mỹ và phương Tây buộc phải lựa chọn một trong những phương án hiếm hoi còn lại là viện trợ vũ khí tấn công tầm xa và máy bay chiến đấu F-16.

Mỹ chỉ cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo và bảo trì, trong khi nhanh chóng đẩy gánh nặng cung cấp máy bay sang cho quân đội các quốc gia Tây và Bắc Âu. Hiện tại, các quốc gia tích cực nhất cho việc viện trợ máy bay F-16 cho Ukraine là Hà Lan và Đan Mạch.

Không quân Hà Lan hiện có khoảng 213 máy bay F-16 với nhiều phiên bản khác nhau và đang có kế hoạch thay thế dần các phi đội này bằng tiêm kích F-35 Lightning II thế hệ 5 tiên tiến hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Amsterdam cần nơi "loại biên" các máy bay cũ, tất nhiên, không đâu hợp lý hơn Ukraine.

Trong khi đó, Không quân Đan Mạch hiện có 43 chiếc F-16 đang phục vụ. Chúng đã được nâng cấp lên chuẩn MLU sau nhiều thập kỷ phục vụ từ thời Chiến tranh Lạnh. Giống Hà Lan, Đan Mạch cũng đang bắt đầu tiếp nhận F-35 và cũng có lý do để tái xuất khẩu các máy bay cũ cho Ukraine.

Cùng với động thái của các quốc gia phương Tây, Lầu Năm góc cũng cho biết đang huấn luyện chuyển loại cho 2 phi công Ukraine từng bay trên tiêm kích hạng nặng Su-27 và tiêm kích đánh chặn MiG-29. Với các bài kiểm tra đầu vào trên mức trung bình, các phi công Ukraine sẽ cần 4 tháng huấn luyện chuyển loại và làm chủ máy bay F-16.

Công tác đào phi công Ukraine cũng được tổ chức tại Bỉ, Na Uy và nhiều quốc gia khác.

Như vậy, cho dù Ukraine có được tiếp nhận số lượng lớn F-16, tối thiểu phải tới cuối năm 2023, chúng mới có thể tham chiến.

Tiêm kích F-16 lừng lẫy một thời có giúp Ukraine giành lại bầu trời? - 2

Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ hoạt động trên vùng trời Afghanistan hồi tháng 3/2020 (Ảnh: Bộ Tư lệnh Không quân Trung tâm Mỹ),

Không quân Ukraine sẽ tăng đáng kể sức mạnh với F-16

Khi đánh giá về máy bay chiến đấu F-16, giới chuyên gia quân sự quốc tế có đồng quan điểm rằng đây là dòng máy bay quân sự thành công. Nó đã thể hiện khả năng chiến đấu xuất sắc tại chiến trường Thung lũng Beqaa, Li Băng năm 1982, Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và Chiến tranh Kosovo năm 1999.

Đây cũng là dòng máy bay chiến đấu có lịch sử phát triển lâu dài và khả năng tích hợp nhiều loại vũ khí hiện đại theo chuẩn NATO.

Trong không chiến, lợi thế của F-16 chính là khả năng không chiến tầm trung bằng tên lửa AIM-120 với chiến thuật "bắn và chạy". Các biên đội F-16 Ukraine hoàn toàn có thể bay thấp nhờ sự dẫn đường từ mặt đất hoặc các máy bay trinh sát điện tử để bí mật tiếp cận mục tiêu.

Khi thời cơ tới, các máy bay F-16 có thể leo cao để tấn công bất ngờ và nhanh chóng thoát ly. Đó chính là lợi thế của những máy bay chiến đấu hạng trung so với các dòng tiêm kích hạng nặng giành ưu thế trên không Nga.

Giới tinh hoa quân sự Ukraine có lẽ cũng không quá kỳ vọng vào việc F-16 có thể giúp họ giành lại quyền kiểm soát bầu trời, dù chỉ là tương đối. Nhưng rõ ràng là một khi sở hữu "chim ưng chiến", các đòn tấn công đường không của Ukraine sẽ được cải thiện đáng kể.

Nếu các máy bay theo chuẩn Liên Xô và Nga không dễ khai thác những loại tên lửa hành trình tầm xa như Storm Shadow, Taurus hay SCALP hoặc bom lượn JDAM, F-16 hoàn toàn phù hợp để đưa tính năng chiến đấu của chúng lên tầm cao mới với hiệu quả vượt trội.

Chim ưng chiến F-16 còn được trang bị công nghệ kết nối trao đổi thông tin bảo mật chuẩn Link 16, giúp kết nối và trao đổi thông với các đơn vị chiến đấu đồng minh trong phạm vi tác chiến. Đây là yếu tố rất quan trọng tăng hiệu quả tác chiến không chỉ với bản thân chúng, mà còn là cả các đơn vị đồng minh trên chiến trường.

Tiêm kích F-16 lừng lẫy một thời có giúp Ukraine giành lại bầu trời? - 3

Su-35 của Nga sẽ là đối thủ chính của F-16 trên bầu trời Ukraine (Ảnh: Artileri-news).

Nhiều rủi ro

Có một điểm dễ thấy là máy bay F-16 sẽ phát huy hiệu quả trong môi trường hoàn toàn áp đảo trên không, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các máy bay trinh sát điện tử, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS).

Có thể lấy ví dụ đơn giản, tại Thung lũng Beqaa, do hơn hẳn một thế hệ lại có hệ thống điện tử tân tiến, đặc điểm khí động học ưu việt, cũng như các loại vũ khí tấn công tầm xa vượt trội, tiêm kích F-16 Israel hoàn toàn áp đảo, bắn hạ rất nhiều máy bay chiến đấu MiG-21, MiG-23 đối phương.

Dù vậy, F-16 không phải là bất bại. Trong cuộc chiến tại Yemen năm 2015, các chiến binh Houthi đã bắn hạ 2 máy bay loại này của Bahrain và Morocco bằng súng phòng không tầm thấp.

Trên bầu trời Ukraine, đối thủ của F-16 sẽ là Su-35 Nga, loại tiêm kích thế hệ 4++ chuyên biệt cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không.

Xét về đặc tính kỹ - chiến thuật, F-16 có rất ít cơ hội trong cả không chiến quần vòng lẫn ở cự ly xa ngoài tầm nhìn với máy bay chiến đấu Nga. Mặt khác, tại Ukraine, F-16 sẽ không có sự hỗ trợ từ các máy bay tác chiến điện tử hay AWACS để mở rộng tầm giám sát và phát hiện đối phương.

Trong khi đó, phía Nga hoàn toàn có thể triển khai các phương tiện như vậy tạo lợi thế trong không chiến, đặc biệt là ở Donbass. giúp cho Su-35 có cơ hội thấy trước, bắn trước, nâng cao xác suất tiêu diệt đối thủ.

Lợi thế của F-16 chính là khả năng không chiến tầm trung bằng tên lửa AIM-120 với chiến thuật bắn và chạy, nếu sử dụng chiến thuật phù hợp, chúng vẫn có thể khiến Su-35 phải trả giá.

Một điểm cần chú ý khác là Chim ưng chiến vốn là máy bay được thiết kế tác chiến trong điều kiện quy ước. Nó không phù hợp với các sân bay dã chiến, thiếu sự chuẩn bị như các loại máy bay chiến đấu Liên Xô và Nga. Với quốc gia đang trong thời chiến như Ukraine, điều này là một bất lợi.

Để hoạt động được tại Ukraine, chắc chắn các đơn vị F-16 phải triển khai xa về phía Tây nhằm hạn chế nguy cơ bị Nga tập kích, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cự ly bay tới vùng tham chiến bị kéo dài ra, không có lợi cho dòng máy bay chiến đấu hạng trung như Chim ưng chiến.

Tới thời điểm hiện tại, gần như chắc chắn Ukraine rồi sẽ sở hữu máy bay chiến đấu F-16 trong tương lai. Chúng sẽ tăng cường khả năng tấn công đối đất của Không quân Ukraine và một phần nào đó uy hiếp máy bay quân sự Nga trong không chiến tầm trung.

Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá rằng Chim ưng chiến là vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm