WHO: Tâm dịch Covid-19 châu Âu là "phát súng cảnh báo thế giới"
(Dân trí) - Các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng ở châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/11, ông Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết một số nước châu Âu có "mức độ bao phủ tiêm chủng dưới mức tối ưu" mặc dù có sẵn vaccine ngừa Covid-19.
"Đó là phát súng cảnh báo cho thế giới về những gì đang xảy ra ở châu Âu mặc dù đã có vaccine phòng bệnh", ông Ryan nói.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cũng cảnh báo châu Âu "một lần nữa trở thành tâm điểm đại dịch".
Các quan chức WHO cho biết, số ca mắc Covid-19 mới ở châu Âu đã tăng 55% trong 4 tuần qua, mặc dù khu vực này có nguồn cung vaccine được đảm bảo.
Ông Kluge lưu ý tốc độ lây nhiễm hiện tại ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu là điều "đáng lo ngại" và số ca nhiễm mới đang gần chạm mức kỷ lục. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn do sự xuất hiện của biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn.
Theo thống kê của WHO, với 78 triệu người mắc Covid-19, số ca nhiễm ở châu Âu hiện cao hơn tổng số ca nhiễm ở Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại.
Ông Kluge cho biết, theo một mô hình dự báo "đáng tin cậy", đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng "nửa triệu" ca tử vong vì Covid-19 nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn theo quỹ đạo như hiện nay.
Ông Kluge nêu 2 nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm tăng vọt ở châu Âu hiện nay, gồm tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao và các biện pháp giãn cách xã hội, sức khỏe cộng đồng được nới lỏng.
Tỷ lệ tiêm chủng đã chậm lại trên toàn châu Âu trong những tháng gần đây. Trong khi khoảng 80% dân số Tây Ban Nha đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, con số này thấp hơn ở Pháp và Đức - lần lượt là 68% và 66% - thậm chí còn thấp hơn ở một số nước Trung và Đông Âu. Hiện chỉ có 32% người Nga được tiêm chủng đầy đủ tính đến tháng 10.
Theo BBC, Đức ghi nhận gần 34.000 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua. Mặc dù số ca Covid-19 hàng ngày ở Đức thấp hơn ở Anh (37.000 ca), giới chức y tế lo ngại rằng đợt lây nhiễm thứ 4 có thể dẫn đến số ca tử vong cao hơn và gây áp lực lên hệ thống y tế.
"Nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp đối phó ngay bây giờ, làn sóng thứ 4 này sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại hơn. Trong số nhiều người Đức chưa được tiêm chủng, có hơn 3 triệu người trên 60 tuổi - nhóm được coi là có nguy cơ đặc biệt cao", chuyên gia Lothar Wieler thuộc Viện RKI của Đức cho biết.
Tuy nhiên, làn sóng gia tăng ca nhiễm không chỉ giới hạn ở Đức. Số người chết tăng mạnh nhất trong tuần qua được ghi nhận ở Nga, nơi có hơn 8.100 ca tử vong và Ukraine với 3.800 ca. Cả hai nước này đều có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp và Ukraine đã công bố mức kỷ lục 27.377 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Quan chức WHO nói rằng tỷ lệ nhập viện cao hơn ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Các biện pháp như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang vẫn là một phần trong "kho vũ khí" để chống lại virus.
"Chúng ta phải thay đổi chiến thuật của mình, từ ứng phó với sự gia tăng của Covid-19, sang ngăn chặn chúng lây lan ngay từ đầu", ông Kluge nói.