1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO phê duyệt khẩn cấp vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vắc xin Covid-19 Sinopharm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp - loại vắc xin đầu tiên của Trung Quốc được WHO "bật đèn xanh".

WHO phê duyệt khẩn cấp vắc xin Covid-19 của Trung Quốc - 1

Vắc xin Covid-19 Sinopharm (Ảnh: SCMP).

"Chiều nay, WHO đã đưa vắc xin Covid-19 của Sinopharm Trung Quốc vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vắc xin thứ 6 nhận được chứng nhận của WHO về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo ngày 6/5.

Theo ông Tedros, "Nhóm Cố vấn Chiến lược gồm các chuyên gia về tiêm chủng (SAGE) cũng đã xem xét dữ liệu hiện có và khuyến nghị sử dụng vắc xin Sinopharm cho người từ 18 tuổi trở lên, với lịch trình hai liều".

Vắc xin Sinopharm, một trong hai loại vắc xin Covid-19 chính của Trung Quốc, đã được tiêm cho hàng trăm triệu người ở Trung Quốc và các nơi khác. Đây cũng là loại vắc xin đầu tiên do một quốc gia không phải phương Tây phát triển được WHO phê duyệt.

Danh sách vắc xin Covid-19 sử dụng khẩn cấp của WHO gồm các loại vắc xin của Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson và Johnson, và vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại các cơ sở ở Ấn Độ và Hàn Quốc.

Danh sách vắc xin sử dụng khẩn cấp của WHO mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu vắc xin để tiêm chủng, đặc biệt là những nước không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế của riêng họ.

Danh sách này cũng mở ra cánh cửa cho các vắc xin Covid-19 tham gia vào chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu Covax, nhằm cung cấp khả năng tiếp cận công bằng với vắc xin trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo.

WHO khuyến cáo hai mũi tiêm Sinopharm nên được thực hiện cách nhau từ 3 đến 4 tuần. Hiệu quả của vắc xin Sinopharm đối với các trường hợp có triệu chứng mắc Covid-19 và nhập viện ước tính là 79% trong mọi nhóm tuổi.

Đầu tuần này, nhóm chuyên gia khác của WHO từng bày tỏ lo ngại về dữ liệu do Sinopharm cung cấp về tác dụng phụ của vắc xin ở một số bệnh nhân.

Theo một cuộc khảo sát của AFP, vắc xin Sinopharm đã được sử dụng ở 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ 4 sau AstraZeneca (166), Pfizer-BioNTech (94) và Moderna (46).

Ngoài Trung Quốc, vắc xin Sinopharm đang được sử dụng ở Algeria, Cameroon, Ai Cập, Hungary, Iraq, Iran, Pakistan, Peru, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Serbia và Seychelles, và một số nước khác.

WHO cho biết tổ chức này có thể đưa ra quyết định về loại vắc xin Covid-19 khác của Trung Quốc do hãng dược Sinovac Biotech sản xuất vào tuần tới. Các chuyên gia kỹ thuật của WHO đã xem xét vắc xin Sinovac vào ngày 5/5.

Trung Quốc đã triển khai khoảng 65 triệu liều vắc xin Sinopharm và khoảng 260 triệu liều vắc xin Sinovac. Cả hai đều được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Nhiều quốc gia trong số này gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vắc xin từ phương Tây.

Hiện các nước đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào vắc xin Trung Quốc, khi làn sóng Covid-19 mới bùng phát tại Ấn Độ khiến nguồn cung bị hạn chế. Trong vài tuần qua, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia đông dân nhất thế giới đã tìm kiếm nhiều hơn vắc xin Covid-19 từ Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về tính hiệu quả của chúng. 

Trong bối cảnh đó, Mỹ, quốc gia trong nhiều tháng chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tiêm chủng trong nước, đã bị chỉ trích dữ dội vì tích trữ vắc xin trong khi nguồn cung toàn cầu vẫn đang thiếu thốn.