1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ ra "quyết định lịch sử" liên quan tới vắc xin Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ với việc chia sẻ quyền sản xuất vắc xin Covid-19 với thế giới trong nỗ lực chống đại dịch, động thái mà đại diện của WHO gọi là "quyết định lịch sử".

Mỹ ra quyết định lịch sử liên quan tới vắc xin Covid-19 - 1

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (Ảnh: Reuters).

AFP đưa tin, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 5/5 thông báo rằng, chính quyền Biden ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế với việc sản xuất vắc xin Covid-19 và sẽ đàm phán với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề này.

"Dù quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng với các doanh nghiệp, nhưng Washington ủng hộ việc loại bỏ sự bảo hộ các quyền này liên quan tới vắc xin Covid-19", bà Tai cho hay.

"Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh đòi hỏi những biện pháp ứng phó đặc biệt", bà Tai nói.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh động thái của Mỹ, gọi đây là "quyết định lịch sử". Ông Tedros nhận định đây là một bước đi tiến tới mục tiêu công bằng vắc xin.

Theo AFP, Tổng thống Biden trong thời gian qua đã chịu sức ép từ các lãnh đạo thế giới về việc đồng ý dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế với vắc xin Covid-19 của các nhà sản xuất để tăng tốc độ làm ra chế phẩm giúp thế giới kiểm soát dịch bệnh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước giàu đã tích cực gom vắc xin Covid-19 , khiến những nước nghèo gặp phải khó khăn trong nỗ lực chống dịch.

Bà Tai nói rằng, Mỹ sẽ tham gia vào cuộc đàm phán với WTO về vấn đề này nhưng cảnh báo rằng các cuộc thảo luận "sẽ có thể mất thời gian" do sự phức tạp của vấn đề và cơ chế vận hành của WTO.

Trong nhiều tháng qua, Ấn Độ và Nam Phi cùng một số nước đã tích cực kêu gọi WTO tạm thời dỡ bỏ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với vắc xin Covid-19, động thái mà các nước trên cho rằng sẽ giúp đẩy mạnh việc sản xuất vắc xin ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, nỗ lực đó cho tới nay vẫn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới và các quốc gia các công ty trên đặt trụ sở chính. Các ý kiến phản đối cho rằng, bằng sáng chế không phải là trở ngại chính trong việc tăng cường sản xuất vắc xin và cảnh báo rằng động thái này có thể đe dọa tới sự tiến bộ trong khoa học.