1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO cảnh báo hơn một nửa dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron

Minh Phương

(Dân trí) - Hơn một nửa dân số châu Âu có thể nhiễm biến chủng Omicron trong vòng 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan như hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

WHO cảnh báo hơn một nửa dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron - 1

Châu Âu hiện là tâm dịch Omicron của thế giới (Ảnh minh họa: Reuters).

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 11/1, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu Hans Kluge cảnh báo, "một trận thủy triều từ tây sang đông" của Omicron đang tràn qua châu Âu, chưa kể đến làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta gây ra.

"Với tốc độ lây lan hiện tại, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế dự đoán, hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến chủng Omicron trong vòng 6-8 tuần tới", ông Kluge nói.

Quan chức này cho biết thêm, hiện tại gần như toàn bộ các nước ở khu vực châu Âu đều đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron. Khoảng 26 trong tổng số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu và một số nước Trung Á chứng kiến hơn 1% dân số mắc Covid-19 mỗi tuần tính đến ngày 10/1. Tính riêng tuần đầu tiên năm 2022, khu vực này có thêm tổng cộng hơn 7 triệu ca nhiễm mới.

Ông Kluge cảnh báo, "tốc độ lây lan chưa từng thấy" của Covid-19 hiện nay đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực sẽ chứng kiến số ca nhập viện gia tăng mặc dù hiện tại tỷ lệ tử vong vẫn ổn định. Theo ông, làn sóng lây nhiễm hiện nay đang tạo ra thách thức cho các hệ thống y tế ở nhiều nước.

Theo các dữ liệu thu thập vài tuần trở lại đây, Omicron được xác định là biến chủng có khả năng lây lan cao hơn các biến chủng trước kia của SARS-CoV-2 do có chứa các đột biến giúp nó dễ dàng bám vào tế bào người hơn. Omicron thậm chí có thể gây tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Kluge nhấn mạnh, vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19.

Theo ông Kluge, mặc dù những thông tin ban đầu cho thấy, Omicron dường như gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, nhưng còn quá sớm để coi đây là biến chủng nhẹ và Covid-19 là một bệnh đặc hữu như cảm cúm.

"Virus vẫn tiếp tục biến đổi nhanh chóng và tạo ra các thách thức mới. Hiện giờ chúng ta chưa thể gọi Covid-19 là bệnh đặc hữu", Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết.

Theo www.straitstimes.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm