1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO cảnh báo Covid-19 kéo dài, Mỹ gom nguồn cung thuốc điều trị

(Dân trí) - Mỹ được cho là đã gom thuốc điều trị Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với gần 10,8 triệu ca mắc và 518.000 người tử vong trên toàn cầu.

Cuộc chiến với Covid-19 còn kéo dài

WHO cảnh báo Covid-19 kéo dài, Mỹ gom nguồn cung thuốc điều trị - 1
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AFP)

Theo Reuters, đại dịch Covid-19 có xu hướng bùng phát mạnh trở lại ở nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu của Worldometers, tính đến sáng nay 2/7, thế giới ghi nhận gần 10,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó gần 518.000 người đã tử vong.

Mỹ, số ca mắc đã xấp xỉ 2,8 triệu người, trong đó hơn 130.000 người đã tử vong. Số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ liên tiếp lập kỷ lục xấp xỉ 50.000 ca/ngày khiến nhiều bang hoãn hoặc rút lại kế hoạch mở cửa, áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa.

Tại Brazil, số người chết vì Covid-19 đã vượt mốc 60.000 người, trong khi số ca mắc gần chạm 1,5 triệu người.

Theo số liệu của WHO, dịch Covid-19 toàn cầu bùng phát mạnh trong tháng 6, chiếm tới hơn một nửa số ca ghi nhận kể từ khi dịch khởi phát. "Trong tuần qua, số ca mắc mới đã vượt trung bình 160.000 ca/ngày. Chỉ trong tháng 6 vừa qua, thế giới ghi nhận 60% tổng số ca từ trước đến nay", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ngày 1/7.

WHO cho rằng, một chiến lược ứng phó toàn diện là cách tốt nhất để ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, dịch Covid-19 tại nhiều nước vẫn còn rất nghiêm trọng và "nhiều nước vẫn chưa tận dụng tất cả công cụ sẵn có để ứng phó dịch". "Những quốc gia này sẽ phải đối mặt với một chiến lâu dài và nhiều thách thức với Covid-19", ông Tedros nói.

Mỹ gom thuốc điều trị 

WHO cảnh báo Covid-19 kéo dài, Mỹ gom nguồn cung thuốc điều trị - 2

Remdesivir do Gilead sản xuất là loại thuốc đầu tiên được Mỹ và châu Âu cấp phép nhằm điều trị cho các bệnh Covid-19 nặng. (Ảnh minh họa: Science)

Trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp, Mỹ bị cho là đã gom gần như toàn bộ nguồn cung toàn cầu với thuốc remdesivir - loại thuốc được cấp phép điều trị Covid-19 tại Mỹ và châu Âu.

Chính phủ Mỹ ngày ngày 30/6 thông báo Tổng thống Donald Trump đã đạt được "một thỏa thuận đáng kinh ngạc" với tập đoàn Gilead Sciences về mua thuốc remdesivir cho người dân Mỹ. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cho biết, ông Trump đã mua được khoảng 500.000 liều thuốc remdesivir từ nay cho đến tháng 9, nghĩa là mua lại toàn bộ sản lượng thuốc của Gilead trong tháng 7 và 90% trong tháng 8 và tháng 9.

"Tổng thống Trump đã có một thỏa thuận đáng kinh ngạc nhằm đảm bảo người Mỹ có thể tiếp cận phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên được thông qua. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng bất kỳ bệnh nhân Mỹ nào cần remdesivir đều có thể tiếp cận loại thuốc này. Chính quyền Tổng thống Trump đang làm mọi thứ có thể để tìm hiểu thêm về các liệu pháp điều trị Covid-19 và đảm bảo người dân Mỹ có thể tiếp cận tất cả các lựa chọn này", Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar nói.

Remdesivir do Gilead sản xuất là loại thuốc đầu tiên được Mỹ và châu Âu cấp phép nhằm điều trị cho các bệnh Covid-19 nặng. Lô remdesivir đầu tiên gồm 140.000 liều được cung cấp cho các cuộc thuộc thử nghiệm đã sử dụng hết. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy, việc sử dụng remdesivir giúp bệnh nhân Covid-19 hồi phục nhanh hơn những người không sử dụng.

Động thái gom nguồn cung remdesivir của chính quyền Mỹ đã vấp phải chỉ trích của giới chuyên gia y tế.

Giáo sư Barbara Mintzes thuộc Trường Dược Đại học Sydney nói: "Việc Mỹ đặt mua 500.000 liều remdesivir từ Gilead làm dấy lên lo ngại không chỉ về việc tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 ở các quốc gia khác mà còn về tình trạng đầu cơ thuốc giữa đại dịch, cũng như việc đảm bảo bệnh nhân cần điều trị có thể tiếp cận loại thuốc này".

"Họ đã nắm hầu hết nguồn cung thuốc remdesivir, châu Âu không còn lại gì cả", Tiến sĩ Andrew Hill, học giả tại Đại học Liverpool, nhận định.

Tiến sĩ Peter Horby, người đang trực tiếp thực hiện các xét nghiệm lâm sàng trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhận định với BBC rằng, cần có một khung chế tài nghiêm khắc hơn để đảm bảo bình ổn giá thuốc và cho phép bệnh nhân Covid-19 ở tất cả các nước đều có cơ hội tiếp cận các loại thuốc điều trị.

Về phía các nước, người phát ngôn của Thủ tướng Anh, James Slack, cho biết nước Anh đã có dự trữ remdesivir, nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể. Đức và Thụy Sĩ cho biết, họ cũng có đủ nguồn cung loại thuốc này, trong khi đó Liên minh châu Âu hôm qua cho biết họ đang đàm phán để có được nguồn cung cho các quốc gia thành viên. Hàn Quốc bắt đầu phân phối kho dự trữ remdesivir và cũng lên kế hoạch thu mua thêm vào tháng 8 tới.

Về phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Giám đốc chương trình khẩn cấp Mike Ryan cho biết WHO đang xác minh các thông tin trên.

Minh Phương

Theo SCMP, Reuters, AFP