1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

WHO: Biến chủng SARS-CoV-2 tại Việt Nam thuộc chủng Ấn Độ rất nguy hiểm

Thanh Thành

(Dân trí) - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Việt Nam gần đây không phải là biến chủng lai mới, mà thuộc chủng Ấn Độ, rất dễ lây lan và lây lan nhanh.

WHO: Biến chủng SARS-CoV-2 tại Việt Nam thuộc chủng Ấn Độ rất nguy hiểm - 1

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế (WHO) tại Việt Nam (Ảnh: TTXVN).

Trả lời phỏng vấn trực tuyến báo Nikkei Asia, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói: "Không có biến chủng lai mới ở Việt Nam vào thời điểm này, dựa theo định nghĩa của WHO". Ông cho biết thêm, biến chủng được ghi nhận là Delta, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, với một số đột biến bổ sung và cần theo dõi thêm.

"Chúng tôi cần theo dõi trong vài tuần tới", ông Park nhấn mạnh.

Tiến sĩ Park nói thêm, hiện thời không có cảnh báo đáng báo động nào từ WHO, nhưng nhấn mạnh biến chủng Delta rất nguy hiểm vì rất dễ lây lan và lây lan nhanh.

Nhà nghiên cứu cấp cao Son Nghiem từ Trung tâm Kinh tế Y tế Ứng dụng thuộc Đại học Griffith ở Australia cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng WHO không cần thiết phải có cảnh báo mới vào lúc này.

"Theo hiểu biết của tôi, các đợt bùng phát ở Bắc Giang và Bắc Ninh chủ yếu có liên quan đến biến chủng từ Ấn Độ", nhà nghiên cứu nói với Nikkei Asia hồi tuần trước.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, rất khó dự đoán khi nào dịch bệnh tại Bắc Giang và Bắc Ninh chấm dứt.

Theo ông Park, do việc tiêm vắc xin cho công nhân các nhà máy ở Bắc Ninh và Bắc Giang mới bắt đầu trong tuần này, giới chức chính quyền và lãnh đạo các nhà máy sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly "trong một khoảng thời gian nhất định".

Theo Nikkei Asia, Việt Nam là một trong số những quốc gia thành công nhất trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng nổ. Thách thức hiện nay là đẩy nhanh việc tiêm chủng trong bối cảnh nguồn cung vắc xin còn thiếu buộc các nền kinh tế châu Á chạy đua gấp rút đảm bảo nguồn cung.

"COVAX là một trong những giải pháp", Tiến sĩ Park nói, đề cập đến chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu của WHO. Theo ông, cuộc khủng hoảng vắc xin xảy ra vào tháng 3 và tháng 4, chủ yếu do sự bùng phát ở Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này là nhà sản xuất vắc xin Covid-19 chính nhưng đã phải ngừng xuất khẩu, kể cả thông qua COVAX.

Cam kết của COVAX về việc cung cấp vắc xin cho 20% dân số của các quốc gia thành viên vào cuối năm nay vẫn có hiệu lực, ông Park nói, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là thành viên của COVAX.

Nikkei Asia cũng đề cập tới việc các công dân nước ngoài kêu gọi Việt Nam nới lỏng các quy định cách ly đối với các nhà đầu tư và người lao động đã được tiêm chủng đầy đủ, sau khi Việt Nam gia hạn thời gian cách ly bắt buộc từ 14 ngày lên 21 ngày.

Về vấn đề trên, ông Park cho biết một số người nhập cảnh vào Việt Nam đã xuất hiện các triệu chứng sau 2 tuần cách ly. "Đó là lý do tại sao Việt Nam phải thực hiện các biện pháp tạm thời để kéo dài thời gian cách ly", ông cho hay và nói thêm rằng Việt Nam đang "trong quá trình xem xét đề xuất trên".