WHO: B.1.1.529 có nhiều đột biến, phải mất vài tuần để nghiên cứu
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị các quốc gia không vội áp đặt biện pháp hạn chế đi lại liên quan đến biến chủng B.1.1.529, vì cần vài tuần để nghiên cứu về chủng virus mới này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Tiến hóa của Virus (TAG-VE) đã tổ chức một cuộc họp trong ngày 26/11 (theo giờ địa phương) để thảo luận về biến chủng B.1.1.529 mới được phát hiện ở châu Phi. Nhóm chuyên trách của WHO sẽ thảo luận để xếp biến chủng mới vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại.
Hiện có 4 biến chủng được xếp vào nhóm đáng lo ngại gồm Alpha, Beta (lần đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi), Gamma và Delta - biến chủng đang chiếm ưu thế toàn cầu. Ngoài ra còn có 2 biến chủng đáng quan tâm là Lambda và Mu.
Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu bắt đầu cấm các chuyến bay từ Nam Phi sau khi xuất hiện biến chủng mới, WHO đề nghị các quốc gia "có cách tiếp cận dựa trên khoa học và đánh giá đúng mức độ rủi ro khi áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại".
"WHO đang theo dõi chặt chẽ biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận gần đây", phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier nói trong một cuộc họp báo tại Geneva.
"Các phân tích ban đầu cho thấy biến chủng này có số lượng lớn đột biến và cần được nghiên cứu thêm. Sẽ mất vài tuần để chúng tôi hiểu được tác động của biến chủng này. Các nhà nghiên cứu đang làm việc để hiểu thêm về các đột biến và ý nghĩa của chúng đối với khả năng lây nhiễm hoặc độc lực của biến chủng này cũng như tác động của chúng đối với việc chẩn đoán, điều trị và vaccine", ông Lindmeier cho biết thêm.
Biến chủng B.1.1.529 lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana vào ngày 11/11, nơi có 3 ca nhiễm đã được giải trình tự gene. Sau đó, 6 ca nhiễm khác được ghi nhận ở Nam Phi và một ca nhiễm ở Hong Kong là du khách trở về từ Nam Phi. Gần đây nhất, Israel là nước tiếp theo ghi nhận ca mắc biến chủng B.1.1.529.
Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất". Với 32 đột biến, B.1.1.529 được phát hiện là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.
"Chúng tôi chưa biết nhiều thông tin về biến chủng này. Những gì chúng tôi biết là biến chủng này có số lượng đột biến lớn. Điều đáng lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, chúng có thể có tác động đến cách thức hoạt động của virus", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết trong cuộc họp hôm 25/11.
Đức và Italy hôm nay đã "nối gót" Anh và các nước châu Âu khác cấm hầu hết các chuyến bay từ Nam Phi, khi các chính phủ đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới. Singapore và Malaysia cho biết họ sẽ hạn chế người từ 7 quốc gia châu Phi.
Israel cũng áp đặt biện pháp hạn chế đi lại với các nước châu Phi, trong khi Australia, Ấn Độ, New Zealand cảnh báo về mức độ đáng lo ngại của biến chủng mới.
Người đứng đầu Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết các quốc gia cần quyết định "ngay hôm nay" về việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trước sự xuất hiện của biến chủng mới và họ nên đưa ra các quy định như vậy một cách thống nhất, đặc biệt ở châu Âu.
"Khuyến cáo của tôi là nên đưa ra quyết định ngay hôm nay, chứ không phải sau một tuần nữa, vì nếu biến chủng tiếp tục lan rộng như chúng tôi dự đoán, thì việc áp đặt các biện pháp hạn chế (sau một tuần) sẽ bị muộn và không có ý nghĩa nữa", Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc Zurab Pololikashvili nói.