1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều nước phát cảnh báo khẩn cấp vì biến chủng SARS-CoV-2 "tồi tệ nhất"

Thành Đạt

(Dân trí) - Anh và một số nước đã áp lệnh hạn chế đi lại đối với các nước châu Phi sau khi phát hiện "biến chủng tồi tệ nhất" của virus SARS-CoV-2.

Nhiều nước phát cảnh báo khẩn cấp vì biến chủng SARS-CoV-2 tồi tệ nhất - 1

Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay Heathrow, Anh (Ảnh: EPA).

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết các quy định hạn chế đi lại bắt đầu có hiệu lực từ trưa ngày 26/11 (theo giờ địa phương) và là biện pháp phòng ngừa để kiểm soát sự lây lan của biến chủng mới.

Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) ngày 25/11 cho biết biến chủng mới, được gọi là B.1.1.529, có một protein đột biến khác hẳn protein trong chủng virus ban đầu mà các loại vaccine sử dụng để tạo hệ miễn dịch, đồng nghĩa với việc nó có thể làm suy yếu hiệu quả của vaccine.

"Đây là biến chủng đáng lo ngại nhất mà chúng tôi gặp phải cho đến nay và các cuộc nghiên cứu khẩn cấp đang được tiến hành để tìm hiểu thêm về khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng và khả năng thích ứng với vaccine của nó", Giám đốc điều hành UKHSA Jenny Harries cho biết.

Các nhà chức trách Anh gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất".

"Theo những gì chúng tôi biết, biến chủng này có lượng đột biến đáng kể, có lẽ gấp đôi số lượng đột biến mà chúng tôi đã thấy trong biến chủng Delta. Điều đó cho thấy nó có thể lây nhiễm nhiều hơn, khiến các loại vaccine hiện tại mà chúng tôi có kém hiệu quả hơn", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo.

Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.529 được phát hiện lần đầu ở Botswana có tới 32 đột biến ở protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.

Nhà dịch tễ học Neil Ferguson tại trường Imperial College London nói rằng B.1.1.529 có số lượng đột biến "chưa từng có" và dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm gần đây ở Nam Phi.

Với 32 đột biến, B.1.1.529 được phát hiện là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2. Các ca mắc B.1.1.529 cũng được phát hiện ở Nam Phi và Hong Kong trong tuần này. Một số ca nhiễm từng tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến chủng mới là "mối lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 hàng ngày tăng theo "theo cấp số nhân", biến nó trở thành "một mối đe dọa lớn".

Anh thông báo tạm thời cấm các chuyến bay từ một số nước châu Phi, gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini, từ ngày 26/11 và những công dân Anh trở về từ những quốc gia này sẽ phải cách ly.

Theo hãng tin BNO, Israel cũng cấm đi lại tới 6 quốc gia châu Phi trên, cùng với Mozambique, một nước láng giềng khác của Nam Phi.

Chính phủ Ấn Độ ngày 25/11 cũng đưa ra khuyến cáo với các bang cần cảnh giác trước biến chủng mới được phát hiện ở châu Phi, yêu cầu các bang tiến hành sàng lọc và xét nghiệm chặt chẽ đối với các hành khách quốc tế xuất phát hoặc quá cảnh qua Nam Phi, Botswana và Hong Kong.  

Bộ trưởng Javid cho biết cần có thêm dữ liệu về biến chủng mới, nhưng việc hạn chế đi lại là biện pháp cần thiết để phòng ngừa. Các nhà khoa học cho biết cần có các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng xảy ra các đột biến dẫn đến hiệu quả của vaccine giảm đáng kể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành họp khẩn để thảo luận về biến chủng mới.

"Với kinh nghiệm và hiểu biết về các biến chủng Alpha và Delta, chúng tôi biết rằng hành động sớm tốt hơn nhiều so với hành động muộn", giáo sư Ewan Birney, phó tổng giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử châu Âu, cho biết.

Cho đến nay, virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, trong đó có các biến chủng được xếp vào nhóm "đáng lo ngại" do khả năng lây lan mạnh hơn, dễ tránh miễn dịch hơn hoặc có độc lực cao hơn. Biến chủng gây lo ngại nhất hiện nay là Delta - nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt trên toàn cầu trong những tháng qua.