1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Vùng an ninh" hay "vùng chiếm đóng" tại Syria?

Việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ toan tính lập một “vùng an ninh” ở phía Đông Bắc Syria đang bị Damascus phản ứng dữ dội bởi cho rằng đó chẳng khác nào lập một “vùng chiếm đóng” trong lãnh thổ của quốc gia này.

syria.jpg
Lực lượng xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới đã sẵn sàng tràn sang miền Bắc Syria để làm “vùng an ninh”

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 20-1 có cuộc điện đàm, trong đó cùng nhất trí đẩy nhanh đàm phán về kế hoạch thiết lập một “vùng an ninh” ở Đông Bắc Syria giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ngay sau đó cho biết, ông Tayyip Erdogan nêu rõ với ông Donald Trump là Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng thực hiện những biện pháp an ninh khẩn cấp tại khu vực Manbij nằm trong lãnh thổ Syria với lý do “để ngăn chặn Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) gây bất ổn tình hình”.

Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng chưa đầy 1 tuần. Cuộc điện đàm lần thứ hai diễn ra sau khi xảy ra một vụ đánh bom liều chết tại Manbij vào ngày 16-1 vừa qua làm 19 người thiệt mạng, trong đó có 4 công dân Mỹ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu này.

Việc Tổng thống Donald Trump đang phải “rối bời” về những vấn đề đối nội như bức tường biên giới khiến Chính phủ Mỹ đang phải đóng cửa lâu nhất trong lịch sử cùng mâu thuẫn với Nga về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên… mà vẫn phải liên tục điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy việc rút quân Mỹ cùng vấn đề người Kurd ở Syria không hề đơn giản. Đây có thể là một “ngòi nổ” nguy hiểm kích hoạt cuộc khủng hoảng mới sau khi Washington hoàn tất rút quân.
Trước đó, ngay từ khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria đã làm dấy lên lo ngại về việc bùng phát bạo lực giữa các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề người Kurd ở miền Bắc Syria vốn luôn là một vấn đề nhức nhối với Thổ Nhĩ Kỳ, luôn là một mầm mống tiềm ẩn nguy cơ xung đột bạo lực.

Khi quân Mỹ vào Syria để tấn công lực lượng thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các lực lượng người Kurd đã hợp lực với Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS ở miền Bắc Syria. Song, khi quân Mỹ rút đi thì không chỉ Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ cùng lo ngại các lực lượng người Kurd sẽ lại tiếp tục thực hiện mục tiêu thành lập một Nhà nước của người Kurd ở miền Bắc Syria.

Chính vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một vùng đệm an ninh ở miền Bắc Syria nhằm ngăn chặn các lực lượng vũ trang người Kurd từ đây tổ chức tấn công hoặc quấy nhiễu miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 14-1 vừa qua với Tổng thống Donald Trump đã thông báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một “vùng an ninh” khoảng 30km dọc biên giới với Syria nhằm chống lại các lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria, những lực lượng mà chính quyền Ankara coi là khủng bố.

Tuy nhiên, chính quyền Syria từ trước tới nay đều không tin vào mục đích thật sự của Ankara trong việc lập một “vùng an ninh” hay “vùng đệm” nào đó ở miền Bắc Syria, cho rằng đó chỉ là cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ lập ra một khu vực mà họ có thể đưa quân vào chiếm đóng miền Bắc Syria nhằm loại bỏ sự chống đối của người Kurk.

Bộ Ngoại giao Syria vì thế đã ngay lập tức phản ứng dữ dội, chỉ trích thông báo lập “vùng an ninh” của Thổ Nhĩ Kỳ là “ngôn ngữ của sự chiếm đóng”. Theo Damascus, đó thực chất là “vùng chiếm đóng” núp bóng dưới cái gọi là “vùng an ninh”.

Theo Hoàng Hà
An ninh Thủ đô