1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vừa thành lập, liên minh Mỹ tuần tra chung Biển Đỏ đã rạn nứt

Quốc Đạt

(Dân trí) - Liên minh 20 nước do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ tuyến đường thương mại qua Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đang bộc lộ những vết nứt ngay khi nó hình thành.

Vừa thành lập, liên minh Mỹ tuần tra chung Biển Đỏ đã rạn nứt - 1

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ di chuyển trên biển (Ảnh minh họa: Hải quân Mỹ).

Theo Lầu Năm Góc, tổng cộng có 20 quốc gia đã đồng ý tham gia chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng" - một liên minh an ninh hải quân đa quốc gia do Mỹ mới thành lập. Một số nước tham gia không muốn được nêu tên.

Một trong những vấn đề lớn nhất của liên minh này là việc chỉ số ít trong 20 quốc gia trên sẽ thực sự cung cấp tàu tuần tra hoặc các khí tài lớn khác để hỗ trợ mục tiêu chung. Trên thực tế, nhiều nước chỉ phái cử số ít nhân sự.

Điều này đặc biệt có vấn đề khi Tây Ban Nha, Italy và Pháp đã từ chối khi được Mỹ yêu cầu chuyển quyền chỉ huy các tàu của mình cho Hải quân Mỹ trong lúc tham gia chiến dịch an ninh trên.

Theo Reuters, Tây Ban Nha hiện tuyên bố sẽ chỉ đồng ý với chiến dịch do NATO hoặc EU lãnh đạo. Tàu khu trục Virginio Fasan của Italy vẫn sẽ được triển khai tới khu vực nhưng không nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng. Trong khi đó, Pháp vẫn sẽ tham gia nhưng sẽ không đặt các tàu của mình dưới quyền chỉ huy của phía Mỹ.

Sự từ chối của các nước trên - cả 3 cùng là thành viên NATO và đều sở hữu các tàu có năng lực cao với năng lực phòng không mạnh mẽ - tạo ra vấn đề lớn đối với liên minh.

Nguyên nhân là dù có bao nhiêu nước đồng ý tham gia, hoạt động tuần tra chung bảo vệ tuyến đường thương mại vẫn sẽ cần sự xuất hiện của tàu chiến có đủ năng lực.

Vừa thành lập, liên minh Mỹ tuần tra chung Biển Đỏ đã rạn nứt - 2

Lầu Năm Góc cho biết tàu Chem Pluto treo cờ Liberia và được điều hành bởi một công ty Hà Lan. Trong ảnh là con tàu này ngoài khơi Pakistan vào năm 2016 (Ảnh: Vesselfinder/Cengiz Tokgöz).

Theo War Zones, dù việc xây dựng liên minh đa quốc gia để thực hiện mục tiêu chung chưa bao giờ là điều dễ dàng, động thái của các đồng minh thân cận nhất của Mỹ chắc chắn là những bước thụt lùi.

Các diễn biến này cũng diễn ra khi rủi ro đối với tuyến vận tải biển đang lan rộng và vượt xa khỏi Biển Đỏ và các khu vực xung quanh.

Hôm 24/12, tàu hàng Chem Pluto di chuyển ngoài khơi Ấn Độ bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Con tàu này thuộc sở hữu của Nhật Bản, treo cờ Liberia và được điều hành bởi một công ty Hà Lan.

Ambrey, một công ty an ninh hàng hải, cho biết "tàu chở hóa chất/sản phẩm... có liên hệ với Israel" và đang trên đường từ Ả-rập Xê-út đến Ấn Độ.

Theo ABC News, vụ tấn công khiến lửa bùng lên trên tàu nhưng đám cháy cuối cùng đã được dập tắt. Sự việc không gây thương tích cho thủy thủ đoàn.

Kể từ khi cuộc chiến Hamas - Israel bùng nổ vào ngày 7/10 tại Dải Gaza, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhằm vào tàu bè di chuyển trên tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ.

Houthi tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công trên nhằm thể hiện sự đoàn kết đối với lực lượng Hamas tại Gaza.

Rủi ro bị tấn công đã khiến các doanh nghiệp vận tải lớn phải điều hướng tàu chở hàng tránh Biển Đỏ và đi quanh cực nam châu Phi. Hành trình này dài hơn, làm tăng chi phí nhiên liệu.

Theo War Zones