1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ trụ - "đấu trường" khốc liệt mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung

An Bình

(Dân trí) - Các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó có tàu thăm dò Mặt trăng hạ cánh thành công gần đây, đang khiến Washington lo ngại và ngày càng thách thức sự thống trị của Mỹ trong không gian.

Vũ trụ - đấu trường khốc liệt mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung - 1

Tướng Jay Raymond - chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ)

Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh cho chương trình vũ trụ, trong bối cảnh có những lo ngại rằng Trung Quốc và Nga đang muốn vũ khí hóa vũ trụ, người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ - Tướng Jay Raymond - cho biết.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến ngày 17/12, Tướng Raymond khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi sẽ là ngăn chặn xung đột ngay từ đầu hoặc mở rộng sang không gian", theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Lầu Năm Góc cũng cho biết, ông Raymond đã cảnh báo rằng "không may" là Trung Quốc và Nga đang vũ khí hóa vũ trụ. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác đối với Lực lượng Không gian, vốn được thành lập hồi năm ngoái và trở thành nhánh mới nhất của quân đội Mỹ kể từ năm 1947.

"Tôi sẽ nỗ lực để thúc đẩy các quan hệ đối tác", ông Raymond nói, nhắc tới Australia, Canada, Anh, New Zealand, Pháp, Đức và Nhật Bản.

"Chúng ta đang thực sự biến các quan hệ đối tác này thành các mối quan hệ mà ở đó chúng ta hành động, huấn luyện, diễn tập, tập trận, cải thiện các khả năng cùng nhau, và điều đó đã được chứng minh là mang tới những lợi thế quan trọng và có các cơ hội phát triển ở tương lai phía trước", ông Raymond nhấn mạnh.

Các bình luận trên diễn ra trong bối cảnh vũ trụ đang ngày càng trở thành một trong những "đấu trường" quan trọng cho cuộc đối đầu ngày càng khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, sau các cuộc cạnh tranh căng thẳng trên các mặt trận khác, từ thương mại, ý thức hệ và thậm chí là các vùng cực.

Là người "đến sau" trong cuộc thăm dò vũ trụ, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình đầy tham vọng trong 2 thập niên qua nhằm bắt kịp những quốc gia đi trước như Mỹ.

Vũ trụ - đấu trường khốc liệt mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung - 2

Tàu thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc hạ cánh ngày 17/12 ở Nội Mông (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3, sau Mỹ và Liên Xô, đưa mẫu vật từ Mặt trăng về sau Trái đất sau khi tàu thăm dò Thường Nga hạ cánh thành công xuống một cánh đồng tuyết ở Nội Mông ngày 17/12, mang theo 2 kg mẫu vật khoan và xúc được.

Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Nga, vốn thừa thưởng công nghệ vũ trụ của Liên Xô. Trong một tuyên bố chung mới nhất giữa hai chính phủ hồi đầu tháng này, hai bên đã cam kết thúc đẩy hợp tác trong việc thăm dò vũ trụ và các công nghệ liên quan, trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm thúc đẩy liên minh và chia sẻ áp lực từ Mỹ.

Việc hợp tác bao gồm khám phá Mặt trăng và sâu hơn trong không gian, công nghệ liên lạc vệ tinh, các thiết bị hàng không vũ trụ và vệ tinh khoa học Spektr-M do Nga đề xuất, cũng như hợp tác lâu dài trong việc phát triển vệ tinh bằng cách thúc đẩy sự tương thích giữa các vệ tinh Glonass của Nga và Beidou của Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc luôn khẳng định chương trình vũ trụ vì các mục đích hòa bình, các khả năng được cải thiện nhanh chóng của nước này đã khiến Mỹ đặc biệt lo ngại. Chiến lược vũ trụ mới của Lầu Năm Góc hồi tháng 7 đã liệt Trung Quốc và Nga là các mối đe dọa chiến lược, vốn "vũ khí hóa vũ trụ làm phương tiện để giảm sự cạnh tranh quân sự của Mỹ và các đồng minh và thách thức… sự hoạt động tự do trong vũ trụ".