Vụ trao đổi con tin đang "làm khó" Quốc vương Jordan
(Dân trí) - Số phận của viên phi công Jordan bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt giữ đang buộc Quốc vương Abdullah phải cân nhắc kỹ càng việc tiếp tục tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Hiện chưa rõ số phận của viên phi công Kasaesbeh. (Ảnh: IB Times)
Viên phi công trẻ Muath al-Kasaesbeh đã trở thành tâm điểm của các nỗ lực ngoại giao quốc tế trong suốt hơn một tuần qua sau khi IS công bố đoạn băng yêu cầu chính quyền Jordan phải thả nữ tù nhân Iraq Sajida al-Rishawi. Theo AFP, al-Rishawi bị kết tội âm mưu đánh bom liều chết không thành và có liên quan đến các vụ đánh bom liều chết tại Jordan năm 2005 làm 60 người thiệt mạng.
Trong đoạn băng hình xuất hiện hôm 29/1, IS đã cho nhà báo Nhật Kenji Goto xuất hiện với tấm ảnh chụp Kasaesbeh trên tay, kèm theo thông điệp nói rằng viên phi công này sẽ bị sát hại nếu Sajida al-Rishawi không được thả trước lúc mặt trời lặn.
Trước yêu sách của IS, chính quyền Jordan khẳng định chỉ thả nữ tù nhân khủng bố nếu IS chứng minh được rằng phi công Kasaesbeh vẫn còn sống. Mặc dù cả chính phủ Jordan và Nhật Bản sau đó đã rất nỗ lực thương lượng với IS để giải cứu cả 2 con tin. Nhưng mọi nỗ lực đã đổ vỡ, nhà báo Goto đã bị IS sát hại hôm 31/1, khi hạn chót đã trôi qua.
Hành động tàn bạo của IS đang gây áp lực cho Quốc vương Jordan Abdullah phải nhanh chóng giải thoát cho phi công Kasaesbeh. Đồng thời, hành động của IS cũng tạo ra những ý kiến trái chiều về sự tham gia của Jordan trong liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Trong tuyên bố mới nhất, Quốc vương Abdullah kiên quyết bảo vệ chiến dịch của Mỹ, cho rằng những người Hồi giáo ôn hòa cần đứng lên chống lại những phần tử làm ô danh đạo Hồi. Theo Quốc vương, những lo lắng cho số phận của viên phi công đang đoàn kết người dân Jordan lại với nhau và nước này cần phải chiến thắng cuộc chiến chống khủng bố.
"Cuộc chiến hiện nay nằm trong thế giới Hồi giáo và đó là cuộc chiến của chúng ta", Quốc vương Jordan khẳng định.
"Chúng ta không phải là kẻ thế mạng cho nước Mỹ", một nhóm người biểu tình hét lên.
"Người dân sẽ đổ lỗi cho chính quyền và họ sẽ hỏi rằng tại sao chính quyền lại cử phi công Kasaesbeh tham gia cuộc chiến này", một cựu quan chức của thị trấn Karak nói. Theo ông, "sẽ không có ai đổ lỗi cho IS về việc giết hại Kasaesbeh mà chỉ có thêm người ủng hộ lực lượng này nếu phi công Kasaesbeh chết".
Theo giới phân tích, mặc dù áp lực từ các cuộc biểu tình có thể không đủ lớn để buộc Quốc vương Abdullah phải quyết định rút lui hoàn toàn, song cũng sẽ khiến ông phải cân nhắc giảm bớt vai trò tham gia trong liên minh này.
Đây là lần đầu tiên Jordan cử quân đội tham gia các chiến dịch không kích ở nước ngoài, thay vì chỉ cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Jordan những năm gần đây đang đẩy mạnh các chiến dịch chống khủng bố sau các vụ đánh bom tự sát tại một khách sạn ở thủ đô Anman năm 2005 làm 60 người thiệt mạng.
Trước đây, cha của Quốc vương Abdullah không tham gia liên minh quân sự của Mỹ chống nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein sau cuộc tấn công Kuwait năm 1990.