1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ thử bom nhiệt hạch: Quân bài chính trị của Triều Tiên

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, có nhiều dấu hiệu cho thấy tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên là nằm trong một kế hoạch “chính trị” được tính toán sẵn từ trước.

 


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức trong một chuyến thị sát (Ảnh: AP)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức trong một chuyến thị sát (Ảnh: AP)

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 6/1 tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) và vụ thử “diễn ra hoàn hảo”. Tuyên bố trên đã gây “sốc” cho dư luận thế giới, nhiều tuyên bố phản đối của các nước và các tổ chức quốc tế đã được đưa ra.

Từ cấp độ địa chấn...

Tờ Telegraph của Anh dẫn lời chuyên gia địa chất Jascha Polet cho biết các sóng địa chấn mà vụ thử hạt nhân ngày 6/1 của Triều Tiên gây ra chỉ là 5,1 độ richter, rất giống với những gì mà các nhà địa chất ghi nhận được trong vụ thử hạt nhân năm 2013, chứng tỏ năng lượng phát ra từ vụ nổ được gọi là bom H này không lớn hơn bom A (bom nguyên tử) thông thường.

Với phương pháp tam giác đạc, các chuyên gia đã xác định được nơi phát ra chấn động, là một vùng cao nguyên phía Đông Bắc của Triều Tiên lúc 1h30 (GMT) ngày 5/1. Hơn 20 trạm giám sát ở Bắc Mỹ, châu Á, và châu Âu đã ghi nhận một cơn địa chấn cũng chỉ ở 5,1 độ richter.

Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey nói: “Tôi cho rằng Triều Tiên có rất ít khả năng sở hữu bom nhiệt hạch vào thời điểm này, và tôi cũng không mong họ thử nghiệm tiếp các loại bom hạt nhân cơ bản”.

Giới phân tích cho rằng, bom H sử dụng năng lượng phân rã từ một phản ứng hạt nhân dây chuyền để tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng lớn hơn bom phân hạch hàng nghìn lần, vì thế, Triều Tiên chưa đủ công nghệ để chế tạo một quả bom H như vậy.

Ông Lee Chun-geun, chuyên gia tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho biết: “Triều Tiên khó có thể sở hữu được bom nhiệt hạch, tôi cho rằng có vẻ như họ đang phát triển loại vũ khí này, nhưng chưa thành công”.

Theo chuyên gia Lewis, nhiều khả năng loại “bom H” mà Triều Tiên đề cập trong tuyên bố mới nhất chỉ là công nghệ đẩy nhanh quá trình phân rã một thiết bị hạt nhân bằng cách sử dụng nhiên liệu tan chảy chứ chưa hẳn là một phản ứng nhiệt hạch đầy đủ.

Tất cả các nhận định của giới phân tích cho đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán, bởi họ không thể tiếp cận được với công nghệ hạt nhân của Triều Tiên vốn được giữ bí mật tuyệt đối với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngay cả chấn động có thể không phải do nổ bom H gây ra. Trong lịch sử không hiếm lần Triều Tiên phóng đại những tuyên bố quân sự của mình để đạt được các mục đích chính trị.

Được biết, Mỹ thử nghiệm quả bom H đầu tiên (1952), trên một đảo san hô ở Thái Bình Dương. Nó có sức công phá mạnh hơn quả bom thả xuống Nagasaki 500 lần. Bom H ngày nay mạnh hơn thế ít nhất hai lần.

... đến bụi phóng xạ

Ngoài các thiết bị đo địa chấn, người ta còn có các trạm phát hiện hạt nhân phóng xạ rải rác khắp nơi trên thế giới. Các trạm này sẽ phát hiện phóng xạ bằng cách hút không khí tại nơi đặt qua một màng lọc rồi qua một máy đếm bức xạ. Loại bụi thu được cùng tính phóng xạ của chúng sẽ cung cấp nhiều đầu mối về loại bom mà Triều Tiên vừa thử nghiệm.

Tuy nhiên, do nhiệt độ của một vụ nổ bom H là rất lớn, phần lớn vật chất dạng hạt, bụi sinh ra đều bị đốt cháy. Do đó, các máy dò tìm dấu hiệu bom H thường phải tìm kiếm dấu hiệu của các chất khí như Xenon.

Vì Xenon là một chất khí trơ, không có phản ứng hóa học với các chất khác, chúng chỉ phân rã kiểu phóng xạ. Và tốc độ phân rã sẽ cho thông tin chính xác về tuổi của các nguyên tử Xenon.

Ngay từ năm 2013, sau một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, một bộ cảm biến của Nhật đã đo được tuổi của Xenon sinh ra là 55 ngày, so với ngày thử hạt nhân. Theo thời gian sớm muộn cũng sẽ có câu trả lời vì bom H đương nhiên sẽ khác với bom A mà Triều Tiên thử trước đó.

Ngoài ra, các nhà phân tích còn có thể dựa vào thời tiết, thông qua các máy dò đặt trên mặt đất thu được các phân tử khí phát ra.

Các quan chức Mỹ dự đoán có thể họ sẽ tìm thấy dấu hiệu của một loại vũ khí không hẳn là bom A hay bom H kiểu cũ. Và có thể là một loại vũ khí “lai” giữa hai loại nói trên.

Thay vì sử dụng hydro, loại bom “lai” này sử dụng tritium và deuterium, các đồng vị nặng của hydro để làm tăng nhiệt độ và năng lượng hủy diệt. Sức công phá của nó mạnh hơn bom A nhưng không bằng bom H.

Và có thể vẫn chỉ là con bài chính trị

Theo giới quan sát, trong Thông điệp năm mới 2016 của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, kế hoạch chính trị này vẫn chưa tiết lộ. Trong số những lời kêu gọi phát triển công nghiệp luyện kim, sản xuất điện và đảm bảo Triều Tiên “thụ hưởng nền văn minh chất lượng nhất”,… ông chỉ nhấn mạnh mục tiêu quân sự vẫn được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, ông Kim khẳng định, Triều Tiên cần “đứng vững vàng trên đôi chân khoa học” và “phát triển những biện pháp phản công hiệu quả phù hợp điều kiện trong nước”.

Trong kỳ Đại hội lần thứ VII này, Đảng Lao động Triều Tiên hy vọng sẽ tìm kiếm những giải pháp đối phó với hàng loạt kế hoạch kinh tế tập trung không hiệu quả kéo dài. Điều này giải thích phần nào lí do vì sao vụ thử hạt nhân được thực hiện vào ngày 6/1 vừa qua.

Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên sẽ diễn ra vào tháng 5 tới, đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Bình Nhưỡng. Vì thế, tuyên bố về vụ thử bom “nhiệt hạch”, dù đúng hay sai, cũng trùng khít với kế hoạch chính trị sắp diễn ra.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, quốc gia được coi là đồng minh thân cận nhất với Triều Tiên, tuyên bố rằng Bắc Kinh mong muốn theo đuổi quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói, họ chưa thể xác nhận ngay lập tức tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, và họ đã tổ chức một phiên họp khẩn sau vụ thử nghiệm. Các quan chức Nhật Bản cũng đã nhóm họp để thảo luận tình hình.

Còn người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) cho biết họ đã nhận được thông tin về vụ thử hạt nhân và đang “đề cao cảnh giác, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để duy trì an ninh trên bán đảo”.

Như vậy, vụ thử được Triều Tiên gọi là bom “nhiệt hạch” tuy chưa có tính xác thực là bom A hay bom H. Tuy nhiên, cũng đã gây ra “cú sốc” địa - chính trị trong khu vực. Trong bối cảnh, Bình Nhưỡng có lẽ muốn “mặc cả” với Washington nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, gần giống như những gì mà Mỹ đã đạt được với Iran và Cuba trong năm 2015.

Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm