Vụ rò rỉ tài liệu mật rúng động cộng đồng tình báo Mỹ
(Dân trí) - Tròn 10 năm kể từ vụ lộ mật rúng động của cựu đặc vụ CIA Edward Snowden, Mỹ tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng tình báo mới với vụ rò rỉ hàng loạt tài liệu tuyệt mật.
Vụ rò rỉ bất thường
Giới chức Mỹ những ngày qua đang căng mình tìm câu trả lời cho vụ rò rỉ tài liệu mật có thể coi là tồi tệ nhất nhiều năm trở lại đây.
Hơn 100 tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, gồm bản đồ, biểu đồ và hình ảnh bị phát tán trên mạng internet. Các tài liệu mật có liên quan đến hoạt động của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quân đội (DIA) hay Cơ quan Thám sát Quốc gia (NRO).
Guardian dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, những tài liệu này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và thực tế bị rò rỉ từ rất lâu trước khi lan truyền rộng rãi.
Nhóm báo chí điều tra Bellingcat đã truy ngược lại vụ rò rỉ thông qua một loạt các kênh được sử dụng bởi các cộng đồng internet khác nhau, chủ yếu liên quan đến thanh thiếu niên với các sở thích từ thiết bị quân sự, âm nhạc đến trò chơi điện tử, tất cả đều sử dụng Discord - một nền tảng nhắn tin phổ biến với các game thủ.
Các nguồn tin nói rằng vụ rò rỉ đầu tiên bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái và liên quan đến nhiều tài liệu hơn những gì đã được tiết lộ đến thời điểm hiện tại. Các tài liệu không lan rộng ra ngoài cho đến cuối tháng 2, khi một trong những người dùng có tên Lucca bắt đầu đăng 107 tài liệu có ảnh lên một máy chủ được sử dụng rộng rãi hơn. Các tài liệu bị rò rỉ gần đây nhất được ghi nhận vào đầu tháng 3.
Vào ngày 4/3, sau một cuộc tranh cãi về cuộc chiến ở Ukraine trên máy chủ Discord mà những người chơi Minecraft thường xuyên lui tới, một người dùng đã viết "Ở đây, có một số tài liệu bị rò rỉ", trước khi đăng 10 tài liệu trong số đó. Đó là một dạng rò rỉ bất thường, nhưng hầu như không phải là duy nhất.
Đòn giáng vào cộng đồng tình báo Mỹ
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Meagher hôm 10/4 nói rằng, vụ rò rỉ thông tin thể hiện một "rủi ro rất nghiêm trọng" đối với Washington. Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn, Lầu Năm Góc đã áp dụng các hạn chế cực kỳ chặt chẽ đối với việc chia sẻ thông tin tình báo.
Giới chức phương Tây lo ngại, Washington có thể hạn chế khả năng tiếp cận thông tin tình báo của các đồng minh trong tương lai. Một quan chức tình báo cấp cao gọi vụ rò rỉ là "cơn ác mộng đối" với Five Eyes (Liên minh Ngũ nhãn - nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada).
Theo Gavin Wilde, chuyên gia phân tích tại Viện Carnegie Endowment, người từng làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, vụ rò rỉ bộc lộ sự mâu thuẫn giữa năng lực thu thập thông tin tình báo và khả năng bảo mật thông tin nhạy cảm của Washington. "Tôi không thể tưởng tượng được vì sao họ mất hàng tháng để nhận thấy tài liệu mật bị phát tán", ông nói.
Thomas Rid, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học California nói: "Phải ý thức được rằng, những tài liệu kiểu này có thể bị lộ bất cứ lúc nào. Nhưng cho rằng đối phương nắm được chúng khác hẳn với biết rõ họ đã tiếp cận được".
"Tại sao chúng ta vẫn rơi vào tình huống này? Những vụ rò rỉ thông tin tình báo nghiêm trọng như vậy lẽ ra đã trở thành vấn đề quá khứ. Nhiều biện pháp kiểm tra mới đã được áp dụng, nhưng rõ ràng là chưa đủ. Chúng ta cần xem xét lại quy trình bảo mật dữ liệu", Brett Bruen, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhấn mạnh.
Theo cựu quan chức FBI Joshua Skule, ưu tiên hiện nay của chính quyền Tổng thống Joe Biden là xác định nguồn gốc và động cơ của vụ phát tán, ngăn chặn rò rỉ tài liệu.
Cuộc điều tra của Mỹ mới ở giai đoạn đầu. Trong thông cáo phát đi đầu tuần này, người đại diện của Discord cho biết, họ sẽ phối hợp điều tra, nhưng không thể cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.