1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ phóng tên lửa Triều Tiên: Tình báo quốc tế lại thất bại

(Dân trí) - Thế giới hoàn toàn “mất cảnh giác” trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bởi các nguồn tin tình báo trước đó đều cho rằng vụ phóng chưa thể diễn ra.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng nay 12/12.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng nay 12/12.
 
Điều này một lần nữa chứng minh, gần như không thể dự đoán được đất nước khép kín nhất thế giới Triều Tiên sẽ làm gì hay làm gì vào thời điểm nào.
 

Chỉ vài ngày trước, một loạt hãng tin của Hàn Quốc dẫn các phân tích ảnh vệ tinh của chính phủ, các nguồn tin ngoại giao, quân sự còn cho rằng vụ phóng sẽ phải hoãn dài dài, do các vấn đề kỹ thuật. Cụ thể, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời giới chức quân sự cho biết toàn bộ 3 tầng của tên lửa Unha-3 đã bị dỡ bỏ khỏi bệ phóng và đưa trở lại cơ sở lắp ráp gần đó để sửa chữa.

 

Đài phát thanh và các đài truyền hình nước này cũng đưa tin tương tự, với một số còn cho rằng Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ tên lửa. Và thông tin này nhanh chóng được báo chí quốc tế dẫn lại.

 

Triều Tiên mới đầu cho biết thời gian phóng tên lửa là từ 10-22/12 nhưng hôm thứ hai vừa qua, họ thông báo thời gian phóng được mở rộng thêm một tuần, do “lỗi kỹ thuật” ở động cơ điều khiển tầng một của tên lửa.

 

Sự thận trọng khác thường trong tuyên bố của Triều Tiên, cùng với điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt tại bệ phóng càng “củng cố” thêm phỏng đoán rằng Triều Tiên có thể hủy toàn bộ kế hoạch phóng.

 

Vài giờ trước khi tên lửa được phóng đi, Viện Mỹ-Hàn danh giá ở Đại học Johns Hopkins còn cho biết, hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ phóng sẽ bị lùi khoảng 10 ngày.

 

“Chúng tôi đã cho rằng tầng một của Unha sẽ được dỡ xuống để đưa tới tòa nhà lắp ráp để sửa chữa. Điều đó rõ ràng đã không xảy ra và vì sao thì vẫn chưa rõ. Sẽ biết thêm vào ngày mai”, Viện Mỹ-Hàn cho biết trên trang web 38 North của mình.

 

Yang Moo-Jin thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết thậm chí công nghệ giám sát tiên tiến nhất cũng khó có thể “xuyên thủng” chiếc khiên bảo mật của Triều Tiên.

 

“Đương nhiên là rất khó đoán những gì đang diễn ra ở bãi phóng khi chỉ bằng cách nhìn các bức ảnh vệ tinh chụp từ trên cao. Nhưng thế giới còn có lựa chọn nào khác?”, Yang cho biết.

 

“Đó là quốc gia khép kín nhất thế giới…chúng ta sẽ tiếp tục bị mất cảnh giác như thế này cho đến khi Triều Tiên vẫn bị cô lập với cộng đồng quốc tế và mối quan hệ liên biên giới vẫn băng giá”, ông cho biết thêm.

 

Căng thẳng liên Triều đã tăng cao kể từ khi đương kim Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, nổi tiếng với quan điểm “diều hâu” với Bình Nhưỡng, lên nắm quyền, khiến gần như mọi hoạt động liên Triều và liên lạc giữa chính phủ hai nước bị ngưng trệ.

 

Hàn Quốc, cùng với thế giới, đã hoàn toàn không hay biết khi Triều Tiên giữ bí mật về cái chết của cố lãnh đạo Kim Jong-il trong 2 ngày, trước khi ra thông báo khiến cả thế giới sững sờ vào vào tháng 12 năm ngoái.

 

Khi đó, giới phê bình cũng đã chỉ trích kịch liệt khả năng của các cơ quan tình báo Seoul.

 

Và vụ phóng ngày hôm nay, 12/12, cũng là một nỗi xấu hổ đối với giới chức Nhật.

 

Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto thừa nhận chính phủ Nhật đã xác nhận thông tin của Hàn Quốc về việc Triều Tiên đã dỡ tên lửa khỏi bệ phóng.

 

“Cách duy nhất để thế giới có thể đoán biết rõ hơn về Triều Tiên là hợp tác hơn nữa với nước này”, ông Yang bình luận. “Nhưng rõ ràng điều đó khó có thể thực hiện dựa vào những gì Triều Tiên đã làm hiện nay”, ông cho biết thêm.

 

Phan Anh

Theo AFP