Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa khiến thế giới “đứng ngồi không yên”?
(Dân trí) - Triều Tiên hôm nay cho biết đã phóng tên lửa đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo. Nhưng vì sao vụ một vụ phóng vệ tinh lại khiến các nước khác như ngồi trên đống lửa, gây quan ngại từ Trung Quốc cho đến Mỹ, Nhật, Hàn?
Vụ phóng tên lửa vào sáng nay của Triều Tiên đã khiến Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự kiến họp khẩn ngay vào hôm nay. Chính cơ quan của Liên hợp quốc này trước đây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt với Triều Tiên do chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Nhưng các lệnh trừng phạt cho đến nay có rất ít tác dụng.
Triều Tiên luôn khẳng định vụ phóng của họ không nằm trong danh sách bị cấm bởi đây không phải là một vụ thử tên lửa liên lục địa, mà nhằm đưa một vệ tinh khoa học vào vũ trụ. Và vào ngày hôm nay, nước này cho biết đã đạt được tất cả các mục tiêu của mình.
“Vệ tinh đã tiến vào quỹ đạo như đã định”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay trong tuyên bố sau đó được phát lại trên đài truyền hình nhà nước.
Baek Seung-Joo, thuộc Viện phân tích quân sự Hàn Quốc, cho biết vụ phóng đã chứng minh được quyết tâm của Bình Nhưỡng, đó là “hoàn thành hệ thống vũ khí hạt nhân đầy đủ” dưới lãnh đạo của ông Kim Jong-un.
“Có vẻ như Triều Tiên đang cố gắng thuyết phục người dân của mình rằng, Triều Tiên vẫn không thể lay chuyển dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo mới và sẽ không bao giờ sụp đổ”, ông nhận xét.
Ông Kim Jong-un được cho là rất muốn phóng tên lửa gần sát với lễ kỷ niệm một năm ngày mất của cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il vào ngày 17/12 tới.
Vụ phóng tên lửa vào tháng 4, cũng là tên lửa Unha-3, đã thất bại, do tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
Và thành công lần này mang ý nghĩa an ninh lớn lao, đánh dấu bước tiến lớn trong khả năng của Triều Tiên, phát triển được một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Hồi tháng 10, Triều Tiên từng “khoe” đã sở hữu được tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ, tuyên bố nhiều nhà phân tích vào thời điểm đó không mấy tin.
“Đưa được vệ tinh vào quỹ đạo chứng tỏ bạn có công nghệ để đưa một đầu đạn tới khu vực đã định”, Masao Okonogi, giáo sư danh dự tại Đại học Keio ở Nhật cho hay. “Giờ đây Triều Tiên không chỉ trở thành mối đe dọa đối với các nước láng giềng mà còn là mối đe dọa thự sự đối với Mỹ”, ông Okonogi nhận định.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng bị cáo buộc phát triển mối quan hệ buôn bán vũ khí tinh vi với các nước đối thủ của Mỹ như Iran và Syria. Vài tháng gần đây, một số hãng tin phương Tây cho biết Mỹ và các đồng minh đã chặn được các tàu hàng Triều Tiên chở các linh kiện tên lửa tới Tehran và Damascus. Washington lo ngại Bình Nhưỡng có thể xuất khẩu vũ khí tinh vi hơn nữa trong tương lai.
“Tôi cho rằng phổ biến vũ khí mới là mối đe dọa tức thời”, Bruce Bechtol, cựu phân tích viên tình báo quân đội Mỹ cho biết. “Nếu vụ phóng lần này thành công, người Iran chắc chắn sẽ mua nhiều tên lửa loại này ”.
Chính vì vậy, mà Nhà Trắng đã ra tuyên bố cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “khiêu khích cao độ”, đe dọa tới ổn định khu vực cũng như thế giới, làm ảnh hưởng đến nỗ lực giải giáp hạt nhân của toàn cầu.
Và trong động thái được xem là khá bất thường, Trung Quốc, đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại, nhà viện trợ lớn nhất của Triều Tiên, đã nhanh chóng ra tuyên bố phản ứng về vụ việc, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
“Tất cả các bên liên quan nên giữ cái đầu lạnh và kiềm chế đổ lửa để ngăn chặn tình hình hiện nay vượt ra ngoài vòng kiểm soát”, hãng tin Xinhua cho biết và lên án những “từ ngữ và chỉ dấu hiếu chiến” của tất cả các bên.
Triều Tiên hiện đang bị cấm thực hiện các vụ thử tên lửa theo các nghị quyết của Liên hợp quốc đưa ra sau hai vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào các năm 2006 và 2009.
Theo các nguồn tin của Nhật, Nhật, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí yêu cầu Hội đồng bảo an tăng cường trừng phạt Triều Tiên lên mức tương tự đối với Iran. Điều này có nghĩa là danh sách các tổ chức tài chính, thực thể và cá nhân bị phong tỏa tài sản sẽ tăng lên.
Nhưng một lệnh trừng phạt như thế phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Vũ Quý
Tổng hợp