1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc “thất bại một phần”

(Dân trí) - Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa KSLV -1, nhưng vệ tinh nặng 100 kg, do chính Hàn Quốc chế tạo, đã không đi vào đúng quỹ đạo như dự tính. Như vậy là Seoul chưa thể gia nhập các quốc gia phóng vệ tinh.

 
Vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc “thất bại một phần”  - 1
Tên lửa Hàn Quốc được phóng lên.

Tên lửa đẩy KSLV -1 đã được phóng thành công từ Trung tâm Vũ trụ Naro chiều hôm qua. Tên lửa KSLV-1 dài 33m và nặng 140 tấn. Tầng một chứa nhiên liệu lỏng do Nga cung cấp phóng ra 1.700 kilonewton để nâng tên lửa lên không trung. Tầng hai chạy bằng nhiên liệu khô, do các kỹ sư Hàn Quốc chế tạo. Nó có mục đích đặt vệ tinh quan sát, dự định để nghiên cứu bức xạ Trái đất, lên quỹ đạo.

Tầng một do Nga chế  tạo tách ra thành công năm phút sau khi phóng, và vệ  tinh nghiên cứu do Hàn Quốc xây dựng sau đó được đặt vào quỹ đạo trái đất.

Nhưng Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ahn Byong-Man cho hay nó không đi đúng theo kế hoạch. Ông nói vệ tinh đi quá quỹ đạo dự kiến và ở độ cao 360km so với mặt nước biển. Lẽ ra vệ tinh phải được đưa vào quỹ đạo ở độ cao 302km. Ngay sau đó, Viện nghiên cứu Vũ trụ Hàn Quốc đã cố gắng định vị vệ tinh, nhưng không có kết quả. 

Dự án nửa tỉ USD của Hàn Quốc là nhằm gia nhập câu lạc bộ các nước chinh phục không gian. Trước đây, Hàn Quốc luôn dựa vào các nước khác để đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Seoul đã phóng 10 vệ tinh tự sản xuất bằng tên lửa của các nước khác.

"Vụ phóng thất bại một phần", hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết, trong khi các quan chức Hàn Quốc mô tả vụ phóng là “thành công chưa trọn vẹn”. Theo Bộ Giáo dục-Khoa học-công nghệ và Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ, cần thời gian để làm rõ nguyên nhân. Được biết, vệ tinh này không có lực đẩy riêng. 

Với vụ phóng vệ tinh thành công một nửa này, Hàn Quốc vẫn chưa thể tham gia vào câu lạc bộ hiện chỉ bao gồm 9 nước có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Như vậy Hàn Quốc đã chậm chân hơn rất nhiều, đặc biệt là so với những nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản. 

Lần phóng tên lửa này còn mang một tầm quan trọng chiến lược. Được tài trợ 400 triệu USD và bắt đầu từ năm 2002 cùng sự hợp tác của Nga, nước chế tạo tầng đầu tiên cho tên lửa, chương trình nghiên cứu vũ trụ này sẽ giúp Hàn Quốc có khả năng tự phóng vệ tinh, đặc biệt là vệ tinh quân sự. Lần phóng tới dự trù sẽ diễn ra trong 9 tháng nữa.

Nhật Mai
Theo BBC, Yonhap, AFP