Vụ ông Trần Quang Thành có ảnh hưởng gì tới quan hệ Mỹ-Trung?
(Dân trí) - Thay đổi cùng lời kêu gọi giúp đỡ bất ngờ của luật sư khiếm thị Trung Quốc Trần Quang Thành đã khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến chính quyền Obama phải hứng chịu búa rìu chỉ trích.
Từ trên giường bệnh ở Bắc Kinh, luật sư khiếm thị Trần Quang Thành đã cầu cứu sự bảo vệ Mỹ trong cuộc gọi điện thoại di động tới phiên điều trần của quốc hội Mỹ. Diễn biến mới này càng gia tăng thêm áp lực đối với Tổng thống Obama trước cách đối phó với vụ việc của chính quyền Mỹ.
Người có biệt hiệu “luật sư chân đất”, do ông Trần tự học luật, đã trú ẩn trong sứ quán Mỹ 6 ngày cho tới hôm thứ tư vừa qua. Ông Trần đã rời đi sau khi nhận được đảm bảo sẽ được đoàn tụ với gia đình và được đối xử tốt hơn.
Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, ông Trần đã thay đổi và cho biết: “Tôi muốn tới Mỹ nghỉ ngơi. Tôi đã không được nghỉ ngơi 10 năm qua”, ông cho biết trong cuộc điện thoại tới quốc hội Mỹ.
Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang ở Bắc Kinh dự đối thoại song phương thường niên, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai siêu cường thế giới. Hôm nay, bà đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng mối quan hệ giữa hai nước đang bền chặt hơn bao giờ hết. “Chúng ta đã phát triển một mối quan hệ rất cởi mở và rất chân thành, để chúng ta có thể thảo luận các khác biệt và cam kết giảm bớt những khác biệt này bất ký khi nào vào bất kỳ nơi nào có thể”.
Búa rìu chỉ trích
Nhưng bất chấp chấp vẻ mặt đầy “quả cảm” của bà Clinton, một trong những tờ báo chính thức của Trung Quốc cáo buộc ông Trần Quang Thành là con tốt thí cho nỗ lực của Mỹ nhằm phá hoại sức mạnh đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tờ báo cũng gọi đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke là “kẻ gây rối”. “Ông Trần Quang Thành đã trở thành công cụ và là con tốt thí cho chính trị gia Mỹ để bôi nhọ Trung Quốc”, Nhật báo Bắc Kinh cho hay.
Lẽ dĩ nhiên, giới chức Mỹ luôn bảo vệ cách đối phó với vụ việc. Tuy nhiên, các chính trị gia Cộng hòa và người ủng hộ ông Trần Quang Thành lại cho rằng Nhà Trắng lẽ ra phải chắc chắn đảm bảo được sự an toàn của ông Trần. Luật sư khiếm thị đã trú ẩn trong sứ quán Mỹ sau khi trốn thoát khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia ở một làng tại tỉnh Sơn Đông vào ngày 22/4.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Mitt Romney cho biết nếu các thông tin báo chí đăng tải là chính xác, thì sứ quán Mỹ “đã không đưa ra được các biện pháp xác thực nào để đảm bảo an toàn cho ông Trần và gia đình” và đây là “ngày đen tối cho tự do”, là “ngày đáng hổ thẹn của chính quyền Obama”.
Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Mỹ vì đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ phải xin lỗi.
"Nguy cơ nghiêm trọng"
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung ngày hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tôn trọng mối quan tâm của nhau và cảnh báo quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ tạo ra nguy cơ nghiêm trọng cho cả thế giới.
Hiện chưa rõ vụ việc có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc đối thoại với nhiều chủ đề quan tâm giữa hai nước hay không, hay liệu nó có ảnh hưởng lâu dài tới mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không.
“Rất khó đoán những gì sẽ diễn ra phía trước”, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết với các phóng viên khi được hỏi vụ ông Trần có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong mối quan hệ hai nước hay không.
“Nhưng tôi cho rằng… mối quan hệ giữa hai nước đủ mạnh…để chúng ta hợp tác trong những lĩnh vực chúng ta cùng chia sẻ quan điểm, song cũng sẽ tiếp tục đàm phán về những vấn đề hóc búa”, ông Toner cho biết thêm.
Mỹ hôm qua cho biết họ đang trao đổi với ông Trần về tương lai của vị luật sư mù này, sau khi ông bày tỏ lo sợ cho sự an toàn của mình và muốn được ra nước ngoài.
Bonnie Glaser, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, bà nghi ngờ về khả năng Mỹ sẽ xin lỗi Trung Quốc trước những vấn đề mà nước này cho là thuộc phạm trù nhân quyền và nhân đạo.
Tuy nhiên, theo bà, việc Trung Quốc quyết định cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tới Mỹ vào tuần tới để có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Leon Panetta là một “dấu hiệu tốt”, chứng tỏ Bắc Kinh muốn giảm thiểu tác động của vụ việc đối với mối quan hệ rộng hơn giữa hai nước.
Bà cũng cho rằng hai bên chắc chắn “tham gia nghiêm túc” vào các vấn đề lớn hơn trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, sau khi đã đầu tư rất nhiều công sức chuẩn bị, thậm chí là khi vụ ông Trần vẫn còn đang lùm xùm.
Tuy nhiên, dựa vào cách thức giải quyết bất đồng hiện nay, bà cũng cảnh báo Washington có thể chỉ làm Trung Quốc tăng thêm nghi ngờ bấy lâu rằng, Mỹ đang tìm cơ hội gây bất ổn ở Trung Quốc. Và vụ Mỹ bán chiến đấu cơ cho Đài Loan có thể đổ thêm dầu vào lửa.
Xét về những khía cạnh đó, bà khẳng định “chắc chắn hợp tác trên các vấn đề rộng hơn giữa hai nước sẽ trở nên phức tạp hơn”.
Sau khi khước từ kêu gọi của Mỹ trừng phạt mạnh hơn với Tehran, Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy nước này đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô của Iran. Trung Quốc cũng tỏ ra hợp tác hơn với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề ở Syria. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cho phép đồng Tệ của nước này tăng giá so với đồng đô la Mỹ nhằm thúc đẩy nhập khẩu của Mỹ.
Nina Hachigian, Trung tâm Tiến bộ Mỹ đánh giá “Trung Quốc đang có những bước đi chập chững nhưng là những bước đi đầy ý nghĩa trong những vấn đề Mỹ quan tâm, như Iran, tiền tệ, sở hữu trí tuệ, biến đổi khí hậu”.
Hachigian cho rằng nếu vấn đề ông Trần “kéo dài nhiều tuần, có khả năng nó sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề này”. Song Hachigian cho rằng vấn đề ông Trần có thể giải quyết theo hướng ông được thấy hài lòng và an toàn, chứ không nhất thiết là ông phải tới Mỹ hay ở lại Trung Quốc.
Vũ Quý
Theo AFP, Reuters