Vụ nổ Big Bang và nguồn gốc vũ trụ dần hé lộ
(Dân trí) - Sau 10 năm với chi phí 10 tỷ USD, các nhà khoa học đã ghi nhận được những va chạm đầu tiên của các chùm proton trong máy gia tốc hạt nhân (LHC) lớn nhất thế giới trong cuộc đại thí nhiệm được kỳ vọng sẽ giúp giải mã nguồn gốc của vũ trụ.
LHC trong một đường hầm dài 27km tại khu vực biên giới Pháp - Thụy Sĩ
LHC đã được khởi động trở lại hôm 20/11 trong một đường hầm dài 27km ở độ sâu 100m dưới mặt đất tại khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ, sau hơn 1 năm sửa chữa một sự cố trong lần đầu khởi động hồi tháng 9 năm ngoái.
Trong tuyên bố hôm qua, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) cho biết sau một loạt trở ngại cùng những khoản chi khổng lồ cho công việc sửa chữa, LHC đã bất ngờ "sống dậy" và lần đầu tiên, các chùm proton đang di chuyển trong LHC với tốc độ ánh sáng (300.000 km/giây).
Với kết quả trên, các nhà khoa học của CERN đã thành công trong việc tạo ra những va chạm proton năng lượng thấp mà có thể cuối cùng sẽ cung cấp những đầu mối giải mã vụ nổ Big Bang đầu tiên và nguồn gốc của vũ trụ.
Rollf Hoier, Giám đốc của CERN, miêu tả kết quả này là rất ấn tượng và là một thành công rất lớn trong một thời gian ngắn. Các nhà khoa học khác của CERN thì cho rằng đây có thể là sự khởi đầu một kỷ nguyên tuyệt vời của ngành vật lý.
Trước đó, Giám đốc phụ trách LHC của CERN là Steve Myers nói: “Giờ chúng ta đã tiến bộ hơn nhiều so với những gì đã thực hiện được sau 5 ngày thí nghiệm năm ngoái”. Ông cho rằng nếu mọi việc tiếp tục tiến triển theo tốc độ hiện nay, đến trước Giáng sinh, các nhà khoa học có thể tăng tốc các hạt ở mức độ năng lượng cao nhất từng được thử nghiệm.
Thí nghiệm của LHC sẽ được tiến hành đầy đủ khi các chùm hạt được va đập mạnh ở cấp độ năng lượng cao. Theo dự kiến, cỗ máy sẽ bắt đầu thực hiện những thử nghiệm mô phỏng quá trình tạo nên vật chất trong vũ trụ từ tháng Giêng năm tới.
LHC là thiết bị sử dụng các năng lượng bên ngoài truyền cho các hạt nhằm tăng vận tốc và do đó, năng lượng của hạt chuyển động. 15 nước đã cung cấp kinh phí cho dự án chế tạo cho cỗ LHC lớn nhất thế giới này và việc thiết kế máy có sự đóng góp của hơn 8.000 nhà khoa học cùng hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm trên thế giới.