Vụ nhà báo Ả rập mất tích có thể làm thay đổi cán cân quyền lực Trung Đông
(Dân trí) - Hơn 2 tuần kể từ khi nhà báo Jamal Khashoggi biến mất bí ẩn trong lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Istanbul, vụ việc rõ ràng đã dần định hình lại cán cân quyền lực ở Trung Đông, làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nhà báo Khashoggi đã bị tra tấn, bị cắt xác không lâu sau khi vào trong lãnh sự quán Ả rập Xê út hôm 2/10. Phía Ả rập Xê út đã bác bỏ cáo buộc này nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra bằng chứng vô can.
Đòn địa chính trị lớn nhất đến nay đã giáng vào sự ổn định của liên minh chiến lược giữa Mỹ và Ả rập Xê út. Điều đó đồng nghĩa với một bước lùi đối với các kế hoạch của Ả rập Xê út nhằm dẫn đầu Trung Đông, cũng như bước lùi với những nỗ lực chung của Mỹ và Ả rập Xê út nhằm kiềm chế Iran.
Emile Hokayem, chuyên gia Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, nhận định: “Ả rập Xê út giờ đây sẽ phải chi tiền bạc để vực dậy từ các cuộc khủng hoảng thay vì theo đuổi các mục tiêu khác, cả trong nước và khu vực”.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ khám xét lãnh sự quán và khu nhà ở của tổng lãnh sự Ả rập Xê út ở Istanbul. (Ảnh: AFP)
Người hưởng lợi chính có thể là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người có thể nhân cơ hội này cải thiện quan hệ với Washington và thách thức tầm ảnh hưởng của Ả rập Xê út trong khu vực. “Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất có thể dẫn dắt thế giới Hồi giáo”, Tổng thống Erdogan tuyên bố hồi tuần này.
Tổng thống Erdogan đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ cáo buộc chính thức nào liên quan đến vụ mất tích của nhà báo Khashoggi, mà chỉ sử dụng chiến lược rò rỉ thông tin để rộng đường cho các bước đi ngoại giao.
Trong khi đó, chiến lược của Ả rập Xê út là gây sức ép buộc các quốc gia Ả rập đối tác, bằng hữu đưa ra các tuyên bố ủng hộ Ả rập Xê út, mặt khác đưa ra những lời đe dọa nhằm vào phương Tây. Turki Aldakhil, giám đốc kênh truyền hình Al Arabiya thậm chí viết rằng, Ả rập Xê út có thể lập đồng minh với Iran, cho phép Nga mở căn cứ quân sự ở Tobuk, gần Israel, nếu Mỹ trừng phạt Riyadh.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị kìm kẹp trong mối quan hệ đối đầu với Ả rập Xê út và các đồng minh của họ như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Khi xảy ra vụ mất tích của nhà báo Khashoggi, Ankara có thể nhân cơ hội này để thách thức các kế hoạch lãnh đạo của Ả rập Xê út với thế giới Hồi giáo.
Cùng lúc đó, Tổng thống Erdogan tranh thủ củng cố quan hệ với Mỹ với hy vọng sẽ có sự hợp tác tốt hơn giữa Ankara và Washington trong vấn đề Syria.
Với Israel, đây không phải là tín hiệu tốt. “Điều này có nghĩa là khái niệm chiến lược về liên minh giữa Israel và các quốc gia Ả rập dòng Sunni dưới ô bảo vệ của Mỹ bị hủy hoại đáng kể”, Daniel Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và hiện là chuyên gia tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv nhận định.
Nhà báo Jamal Khashoggi, khoảng 60 tuổi, là một nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Ả rập Xê út. Ông sống lưu vong ở Mỹ từ năm 2017 và là cây viết bình luận của Washington Post.
Ông mất tích hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út ở Istanbul. Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, nhà báo này đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán Ả rập Xê út và thi thể được bí mật chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, đến nay Ả rập Xê út bác bỏ các cáo buộc có liên quan đến vụ mất tích của nhà báo này.
Vụ việc đang khiến quan hệ giữa Ả rập Xê út và phương Tây căng thẳng. Trong khi Mỹ dọa trừng phạt nặng nề nếu Riyadh có liên quan đến vụ việc của nhà báo Jamal, Ả rập Xê út được cho là đã chuẩn bị sẵn 30 phương án đáp trả.
Minh Phương
Theo WSJ