1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ MH370 mất tích: Sự cố pin nhiên liệu tiếp nối serie giả thuyết nguyên nhân

(Dân trí) - Một kỹ sư hàng không kiêm phi công Mỹ vừa đưa ra giả thuyết đáng chú ý để lý giải nguyên nhân chuyến bay MH370 mất tích, với nhận định chính khối pin nhiên liệu nặng 221kg trên máy bay là thủ phạm.

Sự biến mất của MH370 vẫn chưa có lời giải (Ảnh:
Sự biến mất của MH370 vẫn chưa có lời giải (Ảnh: EPA)

Nhận định trên được ông Bruce Robertson đăng tải trên website cá nhân của mình, và được kênh News của Úc trích dẫn.

Theo đó, phi công kiêm kỹ sư hàng không này cho rằng chính những thỏi pin nhiên liệu lithium ion mà chiếc Boeing 777 chở theo đã bắt lửa, tạo ra một luồng khí carbon monoxide chết người trong khoang.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, theo ông Robertson, có thể đã hít phải khói này và gục ngã rất nhanh, nhưng cơ phó Fariq Abdul Hamid còn đủ tỉnh táo để chuyển hướng máy bay và hạ độ cao.

Máy bay sau đó được hệ thống lái tự động điều khiển, trước khi lao xuống phía Nam Ấn Độ Dương.

“Mọi chuyện đều rõ ràng – không có âm mưu, không mưu đồ quỷ quái, không có những hình ảnh mơ hồ, chỉ có một tai nạn công nghiệp đơn giản nhưng diễn ra khá lâu do hệ thống lái tự động đã tìm cách cứu vãn tình hình”, ông Robertson đánh giá.

Viên phi công này cho rằng chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines rơi xuống đâu đó phía Tây Exmouth, tại bang Tây Úc, cách xa khu vực tìm kiếm hiện tại về phía Bắc.

“Rất nhiều tiền bạc và thời gian đã bị lãng phí trong cuộc tìm kiếm không đem lại kết quả, tại một khu vực cách xa về phía Tây Nam”, Bruce Robertson nói.

Đây là giả thuyết mới nhất sau một loạt cách lý giải được đưa ra bởi các “chuyên gia” nhằm trả lời câu hỏi vì sao một máy bay hiện đại, chở theo 239 người, lại "đơn giản biến mất không dấu vết".

Những giả thuyết trước đó bao gồm hành vi phá hoại của phi công, không tặc, khoang lái bị giảm áp nhanh chóng và cả... hành động bắt cóc của người ngoài hành tinh (?)

Đến nay nhiều hãng hàng không đã cấm sử dụng pin lithium-ion trên máy bay, sau khi nghiên cứu cho thấy loại pin này dễ trở nên quá nóng và bắt lửa.

Tuy vậy, giả thuyết của ông Robertson chưa đủ sức thuyết phục các chuyên gia khác. Một cựu phi công có tên Peter Lee, người đồng thời là tác giả của bài phân tích “MH370, một tai nạn hay có chủ ý” từng cho rằng không có khả năng máy bay biến mất mà không có sự can thiệp của con người.

“Nếu có trục trặc về cơ khí, điện hay điện tử đủ để khiến mọi liên lạc giữa máy bay và mặt đất bị tê liệt, rất ít khả năng máy bay còn đủ khả năng để bay trên trời trong khoảng thời gian dài như chúng ta được biết”, ông Lee viết.

Thanh Tùng
Theo News