1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vụ kiện Biển Đông: Trung Quốc âm thầm “vận động hành lang”

Theo một số học giả pháp lý quốc tế và Biển Đông, Trung Quốc dù ngoài mặt vẫn luôn miệng phản đối, tỏ vẻ phớt lờ vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines, cũng như bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa án trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) ở La Haye (Hà Lan)...

... Nhưng thực chất, Bắc Kinh vẫn đang “tham gia” một cách có hiệu quả vào vụ kiện với những động thái “vận động hành lang” tuy âm thầm mà quyết liệt.

Bãi cạn Scarborough
Bãi cạn Scarborough
 
Những nguồn tin thân cận với đường lối, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vụ kiện này cho biết, kể từ khi Manila xúc tiến đệ đơn kiện “đường lưỡi bò” ra trước tòa án quốc tế vào năm 2013 đến nay, các nhà ngoại giao và chuyên gia luật của Trung Quốc vẫn theo sát diễn biến vụ kiện và có những hành động không chính thức để xử lý tình hình.

Thậm chí, Đại sứ quán Trung Quốc tại La Haye đã thành lập một đường dây liên lạc chính thức với tòa án, cho dù Bắc Kinh đến nay đã bỏ qua thời hạn cuối cùng để đáp ứng các yêu cầu của PCA về việc nộp các văn bản trình bày quan điểm chính thức của họ về vụ kiện.

Sau khi xem xét các tuyên bố và quy định của Tòa Trọng tài Thường trực, hãng tin Reuters xác nhận Trung Quốc có thể liên lạc với tòa án thông qua đại sứ ở La Haye và tòa án này cũng thường xuyên cung cấp cho phía Trung Quốc những diễn biến của quá trình xét xử và những cơ hội để nộp tờ trình.

Học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: “Có vẻ như hội đồng xét xử đang dần ngả về hướng xem xét các lợi ích của Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ ra một phán quyết ngang ngửa cho cả Philippines và Trung Quốc”.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, những hành động “đi đêm” của Trung Quốc sẽ không khiến các thẩm phán ủng hộ hoàn toàn Bắc Kinh. Một học giả pháp lý nói với Reuters rằng: “Họ sẽ công bằng hết mức có thể. Có vẻ như họ biết rằng Trung Quốc sẽ soi mói từng chữ trong bản phán quyết cuối cùng”.

Sở dĩ, cách đây hơn 2 năm, Philippines lựa chọn Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) để nộp đơn kiện theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là vì tòa án này được quyền xét xử các vụ kiện trong trường hợp bên bị kiện phản đối và từ chối theo kiện. Đây là điểm ưu việt trong trường hợp này của PCA so với Tòa án Công lý Quốc tế cũng ở La Haye, vì nếu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện thì Tòa án Công lý Quốc tế không thể đưa ra phán quyết về chủ quyền lãnh thổ tranh chấp được.

Tuy nhiên, trong bản Tuyên bố về lập trường công bố cuối tháng 12/2014, Trung Quốc đã khẳng định “bản chất” vụ kiện của Philippines là chủ quyền và do đó vấn đề này vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền xét xử của PCA.

Do đó, phiên tranh tụng diễn ra vào tuần tới với phần điều trần của Philippines sẽ là để giải quyết vấn đề PCA có thẩm quyền để xét xử đơn kiện của Manila hay không.

Chuyên gia Storey cảnh báo phiên tranh tụng tới đây có thể khiến việc ra phán quyết cuối cùng bị trì hoãn từ 6-12 tháng, thậm chí là sau khi Tổng thống Philippines đương nhiệm Benigno Aquino - nhân vật chủ chốt đứng sau các quyết sách mạnh mẽ của Manila đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ và đối đầu với Trung Quốc, hết nhiệm kỳ vào tháng 6 năm sau.

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng, mặc dù tích cực “vận động hành lang” đối với vụ kiện này như vậy, nhưng Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch bác bỏ bất cứ phán quyết nào của tòa án có lợi cho Philippines.

Một chuyên gia chính trị học nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh còn cho rằng, chiến lược không theo kiện và sau đó là bác bỏ bất cứ phán quyết nào đã được Trung Quốc đưa ra từ trước. “Không có sự tham gia của Trung Quốc, bất cứ phán quyết nào cũng chỉ là một ý kiến”, vị giáo sư này nói.

Theo Linh Phương
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm