Vũ khí tạo sóng thần của Nga khiến Mỹ khiếp sợ
Trang RIA Novosti vừa công bố danh sách 5 loại tàu ngầm mang vũ khí đáng sợ nhất, trong đó có vũ khí tạo sóng thần của Nga.
Theo cách xếp hạng của truyền thông Nga, tàu ngầm nguy hiểm nhất lần lượt là Status-6 có thể tạo sóng thần của Nga, tàu ngầm lớp Rubis của Hải quân Pháp, tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka của Nga, tàu ngầm Ohio của Mỹ và tàu ngầm Akula của Nga.
Đặc biệt trong số này chính là Status-6. Về thực chất, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng Status-6 là vũ khí kiểu tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng di chuyển với tốc độ cao và hoạt động ở độ sâu khoảng 1.000 m.
Thông tin về Status-6 đặc biệt gây chú ý bởi trước đó Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố nước Nga sẽ sớm sở hữu loại vũ khí có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Thậm chí đã xuất hiện thông tin cho rằng mẫu ngư lôi này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân Belgorod thuộc Project 949A và Khabarovsk thuộc Project 885M.
Hồi những năm 1960, Nga cũng đã có ý tưởng chế tạo loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân T-15 với sức công phá lên tới 100 megaton. Loại ngư lôi này dài tới 24 m và nặng 40 tấn.
T-15 được cho là có đủ khả năng gây ra một cơn sóng thần khổng lồ phá hủy các khu vực ven biển của đối phương. Theo báo chí Nga, một khi được sử dụng, vũ khí này có thể san phẳng một thành phố quy mô lớn như New York hoặc 2 thành phố cỡ Los Angeles.
Những cơn sóng thần do T-15 tạo ra còn hủy diệt phần lớn căn cứ hải quân và các hạm đội cùng tàu sân bay chưa kịp ra khơi của Mỹ. Tuy được đánh giá là không có sức công phá lớn như vậy, song Status-6 lại có tầm bắn xa hơn và khả năng tàng hình dưới nước giúp vượt qua mọi hệ thống cảm biến.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Status-6 là dự án hiện thực thì loại vũ khí này của Nga không vi phạm bất cứ hiệp ước hạn chế hoặc lệnh cấm nào trên thế giới. Như vậy, Nga không chỉ có quyền phát triển không hạn chế cho chính mình mà còn có thể xuất khẩu cho các quốc gia bạn bè và đồng minh.
Status-6 có thể sẽ làm tiêu tan các nỗ lực phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Mỹ cùng các đồng minh đang dày công xây dựng và triển khai trên toàn thế giới. Thay vào đó, người Mỹ giờ phải quay sang phát triển các công nghệ phòng thủ ven biển để có thể phát hiện và vô hiệu hóa loại vũ khí như Status-6.
Trong trường hợp, Mỹ phát triển một mẫu vũ khí tương tự thì Nga cũng gần như không bị ảnh hưởng nhiều bởi hầu hết các thành phố lớn của Nga nằm sâu trong lục địa, truyền thông Nga nhận định.
Theo Tuấn Vũ
Báo Đất việt