“Vũ khí” sắc bén giúp Mỹ phơi bày góc khuất thương mại của Trung Quốc
(Dân trí) - Khi nổ ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng một “vũ khí” đặc biệt: đó là đạo luật cho phép ông chủ Nhà Trắng hành động đơn phương trong việc trừng phạt Bắc Kinh mà không bị cản trở bởi các hiệp ước quốc tế hay các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Khi nổ ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng một "vũ khí" đặc biệt: đó là đạo luật cho phép ông chủ Nhà Trắng hành động đơn phương trong việc trừng phạt Bắc Kinh mà không bị cản trở bởi các hiệp ước quốc tế hay các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đối với những ai không theo dõi sát sao diễn biến của các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Điều 301 trong Đạo luật Thương mại năm 1974 của Mỹ có vẻ là một khái niệm xa lạ. Tuy nhiên, đây thực chất là một trong những vũ khí hiệu quả nhất của Washington trong việc gây sức ép với Bắc Kinh.
Để tổng thống Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt nhằm vào một quốc gia khác, một cuộc điều tra sẽ được mở ra trong khuôn khổ Điều 301 để xác định rằng quốc gia đó có "các chính sách thương mại không công bằng".
Một tháng trước khi Tổng thống Trump nổ "phát súng" đầu tiên trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào tháng 4/2018, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã công bố bản báo cáo "vạch trần" những hành vi thương mại được cho là không công bằng của Bắc Kinh.
Ông Lighthizer, người được hãng tin Bloomberg đặt biệt danh là "vị tướng chiến tranh thương mại", đã công bố bộ tài liệu dày 200 trang theo Điều 301.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer là quan chức hàng đầu phụ trách thương mại trong nội các của Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty, AFP)
Bản báo cáo của Lighthizer đã tạo ra nền tảng pháp lý cho một loạt quyết định áp thuế của Tổng thống Trump nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hiện mức thuế đang được Mỹ áp dụng là 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và con số này sẽ tăng lên 25% nếu hai nước không đạt được thỏa thuận sau thời hạn 90 ngày "đình chiến" thương mại.
Cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ được đánh giá là sâu rộng và tham vọng, vượt ra ngoài vấn đề thâm hụt thương mại đơn thuần giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc điều tra này đã động chạm tới gần như tất cả các hoạt động đầu tư và kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt các hoạt động liên quan tới công nghệ.
Những cáo buộc chính nhằm vào Bắc Kinh bao gồm chuyển giao công nghệ cưỡng ép, rào cản đầu tư phân biệt đối xử, thâu tóm doanh nghiệp, tấn công mạng và gián điệp.
Trung Quốc đã phản đối kịch liệt báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ và chất vấn việc Mỹ vận dụng Điều 301 tại các cuộc họp của WTO. Một số chuyên gia Trung Quốc xem bản báo cáo này như một cách thức "ngầm" để Washington ngăn Bắc Kinh thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế toàn cầu.
Trong bản báo cáo cập nhật vào tháng 11, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Trung Quốc đã "không phản hồi tích cực và cũng không có bất kỳ động thái thực chất nào để giải quyết các lo ngại của Mỹ". Báo cáo thậm chí nói rằng Trung Quốc "đa phần phủ nhận" việc các chính sách về chuyển giao công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước này có vấn đề. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố các cáo buộc do Mỹ đưa ra trong bản báo cáo cập nhật là "không có căn cứ và hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Mặc dù nhiều nhà kinh tế học tại Trung Quốc đồng ý rằng Bắc Kinh nên tận dụng cơ hội này để tái khởi động cuộc cải cách kinh tế bị trì hoãn của nước này, song họ vẫn xem bản báo cáo của Mỹ là không công bằng. Trong khi đó, các "hành vi thương mại và công nghiệp" tiêu cực được nêu trong báo cáo là vấn đề chính trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái khi hai nước đồng ý đình chiến thương mại trong 90 ngày.
Chuyển giao công nghệTổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Trong nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc xem là quan trọng, nước này yêu cầu các công ty nước ngoài phải thành lập các dự án chung với các đối tác Trung Quốc. Sản xuất xe ô tô và phương tiện sử dụng năng lượng mới là hai ngành được đề cập tới trong báo cáo của Mỹ như những bằng chứng cho thấy cách Trung Quốc lợi dụng chiến lược này để tiếp cận công nghệ của Mỹ.
Báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đã sử dụng các thủ tục hành chính và quy trình cấp phép không minh bạch để buộc các công ty nước ngoài phải tuân thủ theo chính sách của Bắc Kinh.
"Những điều khoản văn bản mơ hồ và sự thiếu chắc chắn về quy tắc áp dụng đã cho phép các nhà chức trách Trung Quốc toàn quyền sử dụng các thủ tục hành chính để gây sức ép chuyển giao công nghệ, cản trở đầu tư nhằm bảo vệ các đối thủ cạnh tranh trong nước, hoặc xúc tiến các mục tiêu chính sách công nghiệp", báo cáo của Mỹ nêu rõ.
"Ngoài ra, Trung Quốc cũng áp đặt các quy định cấp phép hành chính với hơn 100 hoạt động kinh doanh khác nhau, chẳng hạn sản xuất thực phẩm, thuốc, khai thác mỏ và các dịch vụ viễn thông, đối với tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc", báo cáo cho biết, đồng thời nhận định những yêu cầu cung cấp thông tin do Trung Quốc đặt ra đã khiến các công ty Mỹ đối mặt với nguy cơ bị rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Đại diện Thương mại Mỹ đã trích dẫn kết quả của các cuộc khảo sát, nghiên cứu, tham vấn và các tài liệu của chính phủ Trung Quốc trong 10 năm qua để chứng minh cho lập luận rằng Bắc Kinh đã cố tình ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ.
Rào cản không công bằng
Tổng thống Trump ký lệnh áp thuế với hàng hóa công nghệ cao của Trung Quốc ngày 22/3/2018. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo theo Điều 301 của Luật Thương mại Mỹ cũng chỉ trích các các rào cản mang tính phân biệt đối xử mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt tại Trung Quốc, trong đó có một số luật và quy định, như quy định về quản lý công nghệ xuất nhập khẩu (TIER) hay luật hợp đồng, được áp dụng không công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
"TIER áp đặt nhiều yêu cầu về thủ tục mà luật hợp đồng không có", báo cáo cho biết, đồng thời nói rằng các quy định của Trung Quốc đã đặt ra những rào cản đối với các công ty Mỹ trong việc đàm phán các điều khoản về chuyển giao công nghệ vào Trung Quốc.
"Theo TIER, mọi hợp đồng nhập khẩu công nghệ phải được thông báo cho phía Trung Quốc và bản sao của các hợp đồng đó phải được cung cấp. Nếu các hợp đồng này không được thông báo hợp lệ đúng theo quy định, đơn vị cung cấp công nghệ nước ngoài sẽ không được chuyển bất kỳ khoản thanh toán tiền bản quyền nào về nước của họ. Ngay từ đầu, các đơn vị cung cấp công nghệ nhập khẩu nước ngoài, bao gồm các đơn vị cung cấp công nghệ của Mỹ, phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong khi những yêu cầu này không áp dụng đối với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc theo luật hợp đồng", báo cáo của Mỹ cho biết.
Mỹ không đưa ra ví dụ cụ thể để chứng minh cho lập luận trên, song một giáo sư luật Trung Quốc giấu tên thừa nhận nước này vẫn có thể khắc phục những mâu thuẫn ngay trong luật của mình.
"Đây là điều Trung Quốc nên xóa bỏ, đó là sự mâu thuẫn giữa các quy định, và đưa ra giải pháp công bằng hơn, tuy nhiên điều này chỉ chiếm một phần nhỏ trong cuộc điều tra toàn diện (của Mỹ)", giáo sư Trung Quốc nói.
Tấn công mạngMỹ nhiều lần chỉ trích các hành vi đánh cắp công nghệ và tấn công mạng của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc. (Ảnh: Reuters, SCMP, AFP)
"Bắt đầu từ năm 2008, các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại rằng các hành vi tấn công mạng của Trung Quốc ngày càng thường xuyên hơn, với mục tiêu cụ thể hơn và tinh vi hơn", báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh.
Trích dẫn từ các nguồn tin tư nhân cũng như thực phi pháp luật, báo cáo của Mỹ cho biết chính quyền Trung Quốc được cho là đã tìm cách tiếp cận các bí mật thương mại, dữ liệu kỹ thuật, lập trường đàm phán và các thông tin liên lạc nội bộ độc quyền và nhạy cảm trong các lĩnh vực thăm dò dầu khí, công nghệ dầu khí đá phiến và sản xuất thép công nghệ cao.
Theo báo cáo của Mỹ, Trung Quốc đã cung cấp thông tin tình báo cho các doanh nghiệp nhà nước thông qua quy trình đề xuất và phản hồi, cũng như cơ chế trao đổi thông tin qua hệ thống liên lạc bí mật.
Một ví dụ khác được đề cập trong báo cáo cho biết, Tập đoàn Thép Mỹ năm 2016 đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ về các hành vi thương mại bất bình đẳng của hãng sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc Baosteel theo Điều 337 của Luật Thương mại năm 1930. Baosteel được cho là một trong những hãng được hưởng lợi từ các cuộc tấn công mạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.
Trong bản báo cáo cập nhật vào tháng 11 năm ngoái, Đại diện Thương mại Mỹ trích dẫn báo cáo của chính phủ và các hãng an ninh mạng cho biết Trung Quốc đã gia tăng các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ trong năm 2018, bao gồm vụ tấn công liên quan tới phái đoàn thương mại Alaska cũng như cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ.
Cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng và đánh cắp thông tin qua mạng không chỉ dừng lại ở Mỹ mà còn mở rộng sang Australia, Đức, Hàn Quốc. Báo cáo của Mỹ cho biết Nhật Bản và Australia cũng xem xét ban hành lệnh cấm giao dịch đối với các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như ZTE hay Huawei.
Đầu tư nước ngoàiMỹ và Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết mâu thuẫn trước khi thời hạn đình chiến thương mại kết thúc sau 90 ngày. (Ảnh: Reuters, Market Watch)
Báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ dành gần 100 trang để nói về các chính sách đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trong hơn 2 thập niên qua, từ các thủ tục phê duyệt của chính phủ thông qua hỗ trợ tài chính cho tới nỗ lực tiếp cận công nghệ nước ngoài.
Mặc dù phía Trung Quốc đều khẳng định các dự án đầu tư của nước này tại Mỹ được thúc đẩy bởi việc cân nhắc các yếu tố thị trường hơn là các chính sách của chính phủ, song báo cáo của Mỹ nhận định những lập luận này không thuyết phục.
Báo cáo dẫn các dữ liệu chính thức của Mỹ về dòng chảy đầu tư cũng như dữ liệu từ các cơ quan nghiên cứu của Mỹ khẳng định đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là mục tiêu nhắm đến của các chính sách công nghiệp Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho biết "các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình dòng chảy đầu tư" với 1/4 số vụ thâu tóm từ năm 2000 đến 2016 do các doanh nghiệp nhà nước tiến hành. Báo cáo kết luận rằng sự quan tâm của Trung Quốc trong việc thâu tóm công nghệ tại Mỹ ngày càng trông cậy nhiều vào đầu tư mạo hiểm.
Theo báo cáo, hoạt động thâu tóm của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào 7 ngành công nghệ cao tại Mỹ là hàng không, vi mạch, công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ sinh học, máy móc công nghiệp và robot, năng lượng tái tạo và công nghiệp xe hơi.
Shou Huisheng, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cho biết các công ty nước ngoài luôn lo ngại về việc mất đi khả năng cạnh tranh khi phải đối mặt với sự can thiệp từ nhà nước Trung Quốc vào các hoạt động đầu tư và kinh tế ở nước ngoài.
Đồ họa thời hạn 90 ngày đình chiến thương mại Mỹ Trung. (Nguồn: Nhà Trắng)