Vũ khí mới hé lộ khát vọng hiện đại hóa quân sự của Triều Tiên
(Dân trí) - Việc Triều Tiên gần đây tuyên bố thử thành công một vũ khí chiến thuật cực kỳ tối tân đã cho thấy khát vọng nâng cấp kho vũ khí thông thường của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 16/11 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát một vụ thử vũ khí chiến thuật mới “vô cùng tối tân” của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Triều Tiên không tiết lộ loại vũ khí này thực chất là gì.
Theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA), vụ thử vũ khí đã diễn ra thành công và vũ khí mới có thể bảo vệ Triều Tiên như một “bức tường thép”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng khen ngợi những nỗ lực của các nhà khoa học khi tạo ra loại vũ khí mới có khả năng nâng cao năng lực quốc phòng của Triều Tiên.
KCNA cho biết Triều Tiên đã mất tới 7 năm để phát triển vũ khí chiến thuật mới. Ông Kim Jong-un nói rằng cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il, từng dành nhiều tâm huyết và là người chỉ đạo phát triển vũ khí mới này.
Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un thị sát một vụ thử vũ khí trong năm nay và giới phân tích lo ngại động thái này có thể gây khó khăn cho các cuộc đàm phán đang bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc vẫn cố gắng tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc để tránh tác động tiêu cực tới các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang diễn ra.
Theo Reuters, các chuyên gia nhận định vụ thử tên lửa là một phần trong kế hoạch của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm chuyển đổi trụ cột trong sức mạnh quân sự thông thường của Triều Tiên, từ lực lượng quân sự với gần 1,3 triệu quân sang lực lượng quân sự sở hữu vũ khí công nghệ cao.
“Đây là một hình thức cải tổ quân đội của Triều Tiên”, Choi Kang, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định.
“Nếu chúng ta muốn biết thông điệp ngầm (Triều Tiên) gửi tới thế giới bên ngoài, thì thông điệp đó là: “Đừng đánh giá thấp chúng tôi, chúng tôi vẫn đang hiện đại hóa (quân sự)””, chuyên gia Kang cho biết thêm.
Các vũ khí tối tân mới có thể còn mang ý nghĩa quan trọng hơn khi Triều Tiên chuẩn bị từ bỏ ít nhất một số vũ khí hạt nhân của nước này và chuyển sang phát triển vũ khí thông thường.
Về chi tiêu quốc phòng, Triều Tiên, quốc gia đang phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, hoàn toàn “lép vế” so với Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, lực lượng binh sĩ, súng và hệ thống pháo phản lực phóng loạt của Bình Nhưỡng vẫn tạo ra mối đe dọa lớn đối với Washington và Seoul.
Kể từ khi lên nắm quyền từ cuối năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thúc đẩy việc hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất tại các nhà máy vũ khí, đồng thời thay thế các vũ khí và công nghệ lỗi thời.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9, Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí cắt giảm đáng kể sự hiện diện quân sự dọc biên giới chung. Bình Nhưỡng cũng bắt đầu vô hiệu hóa các hệ thống pháo triển khai dọc bờ biển phía tây.
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai nước không bao gồm việc chuyển các hệ thống pháo phản lực phóng loạt ra khỏi các khu vực tiền đồn, nơi Triều Tiên đặt các hệ thống phóng rocket và pháo tầm xa đủ khả năng tấn công Seoul.
Theo số liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm 2016, quân đội Triều Tiên có gần 5.500 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 4.300 xe tăng, 2.500 xe bọc thép, 810 máy bay chiến đấu, 430 tàu chiến đấu và 70 tàu ngầm. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tuần trước cho biết đã phát hiện ít nhất 13 cơ sở tên lửa bí mật tại Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin quân sự quen thuộc với lực lượng tình báo cho biết, vũ khí mới được Triều Tiên thử nghiệm là phiên bản mới của pháo phản lực phóng loạt. Trong khi đó, một số chuyên gia nghi ngờ đây là tên lửa tầm ngắn mới của Triều Tiên.
Mục đích chuyến thị sát
Quân đội Triều Tiên tập trận pháo binh bên bờ biển (Ảnh: KCNA)
Theo Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul (Hàn Quốc), thông qua chuyến thị sát thử vũ khí mới, ông Kim Jong-un đã trấn an các tướng lĩnh quân sự có lập trường cứng rắn và công chúng Triều Tiên - những người đang lo lắng về tương lai phi hạt nhân hóa của nước này.
Yonhap dẫn một nguồn tin quân sự cho biết việc phát triển vũ khí công nghệ cao có thể là cách để chứng minh cho người dân thấy rằng chính quyền Triều Tiên vẫn tiếp tục nỗ lực để trở thành một quốc gia hùng mạnh về quân sự.
“Khi ông Kim Jong-un công khai tuyên bố phát triển kinh tế là ưu tiên mới, và Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa, nhiều người trong lực lượng quân sự Triều Tiên đã tỏ ra nghi ngờ và lo ngại vì ông Kim Jong-un vẫn chưa đạt được sự nhượng bộ đáng kể, như một tuyên bố chấm dứt chiến tranh (Triều Tiên)”, Giáo sư Kim Dong-yub nhận định.
Trên danh nghĩa, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
“Điều cần thiết với ông Kim Jong-un là củng cố đất nước của ông ấy, mặc dù một chuyến thị sát (vũ khí) như vậy sẽ phát đi một tín hiệu tiêu cực với các nước bên ngoài”, Giáo sư Kim cho biết thêm.
Thành Đạt
Tổng hợp