1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vũ khí hóa học của IS nguy hiểm đến mức nào?

Đặc nhiệm Mỹ vừa bắt được một chuyên gia hàng đầu của IS về vũ khí hóa học. Từ tên này người ta đã khai thác được thông tin gì?

Hồi tháng 2/2016, một nhóm biệt kích tinh nhuệ của Mỹ bắt được Sleiman, từng là chuyên gia về vũ khí hóa học và sinh học thời Saddam Hussein và sau đó làm việc cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.


Một cuộc đột kích chung của lính Mỹ và Iraq.

Một cuộc đột kích chung của lính Mỹ và Iraq.

Theo các nguồn tin riêng, Sleiman đã khai với các nhà điều tra Mỹ rằng IS cố gắng đưa khí độc mù tạt vào thuốc đạn pháo để làm vũ khí hóa học.

IS từng sử dụng khí mù tạt trong 12 vụ được xác nhận và 3 trường hợp còn bị nghi ngờ.

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa công khai thừa nhận việc bắt giữ và thẩm vấn Sleiman do muốn giữ bí mật cho nhóm đặc nhiệm Mỹ ở Iraq.

Mặc dù vậy, đại diện của bộ này nói rằng họ biết IS đã sử dụng vũ khí hóa học ở cả Iraq và Syria.

Ông này dẫn trường hợp về một vụ IS tấn công bằng chất độc hóa học vào năm ngoái ở Syria làm hàng chục người phải nhập viện do các vấn đề về hô hấp và da liễu.

Các quan chức Mỹ cũng khẳng định họ phát hiện khí mù tạt bám trên các mảnh đạn hoặc bom mà IS sử dụng trong các cuộc tấn công ở Syria và Iraq. Các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm của họ cũng cho thấy sự hiện diện của khí độc này trên quần áo các nạn nhân.

Theo Đại úy Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, “lượng lớn” chất độc mù tạc sulfur có thể gây chết người.

Nhưng cho đến nay IS chưa gây thiệt mạng cho người dân nào bằng thứ chất độc hóa học đó.

Roby, một học giả của Viện Trung Đông ở Washington cho biết, sản xuất khí mù tạt tương đối dễ nhưng để biến nó thành vũ khí thì không đơn giản chút nào. Hiện nay IS chưa có trình độ hậu cần hay nguồn lực để tiến hành các cuộc tấn công hóa học quy mô như ông Saddam Hussein đã từng tiến hành trước đây (trước năm 1991).

Cho đến nay, vũ khí đáng sợ nhất của IS vẫn là súng và thuốc nổ. IS mới chủ yếu lợi dụng tác dụng tâm lý từ vũ khí hóa học. IS hy vọng chúng có thể khiến quân Iraq khiếp sợ bằng cách dọa phát tán khí độc trên chiến trường.

Dẫu sao các tiết lộ từ trùm vũ khí hóa học Sleiman đã giúp Mỹ xây dựng kế hoạch định vị và phá hủy 2 trung tâm vũ khí của IS, gồm một nhà máy sản xuất vũ khí ở Mosul (Iraq) và một “đơn vị chiến thuật” gần Mosul.

Trọng tâm chiến dịch chống IS do Mỹ tiến hành trong thời gian qua chủ yếu là tăng thêm quân Mỹ, đẩy mạnh huấn luyện lính Iraq, và thực hiện oanh tạc từ trên không hoặc từ mặt đất./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Christian Science Monitor, New York Time