1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vũ khí đáng sợ nhất của IS

Sau nhiều tháng hứng chịu các cuộc không kích của liên quân, các cuộc tấn công trực diện tại Iraq, Lybia và Syria... tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên tiếp hứng chịu thất bại...

... IS đã mất đi hơn chục nghìn tay súng và các vùng lãnh thổ rộng lớn; đường vận chuyển vũ khí, tiếp viện cơ bản bị cắt đứt; tài chính đang cạn kiệt... Thế nhưng IS ngày càng nguy hiểm hơn bởi vũ khí đáng sợ - “vũ khí tuyên truyền"...

Phát "cắn" ở chân tường

Giới chức quân sự Mỹ cho rằng số lượng các tay súng của IS hiện chỉ còn khoảng 16.000 người, giảm một nửa so với một năm trước. Các nước trong liên quân đang gấp rút tổ chức trận chiến lớn để truy quét IS ra khỏi thành trì của chúng ở Mosul (Iraq).

Trung tướng Sean MacFarland, từng chỉ huy quân đội Mỹ trong chiến dịch chống IS, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Baghdad (Iraq) tháng 9-2016 cho biết: "Số lượng tay súng trên tiền tuyến đã giảm. Chúng giảm không chỉ về số lượng, mà còn về chất lượng. Chúng tôi thấy chúng hoạt động không còn hiệu quả như trước đây, điều này khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng hơn cho chúng tôi".

Các phần tử thánh chiến hoạt động tích cực trên các mạng xã hội.
Các phần tử thánh chiến hoạt động tích cực trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Nicholas Rasmussen phát biểu tại Ủy ban An ninh nội địa Mỹ rằng: "Theo quan điểm của chúng tôi, số các cuộc tấn công khủng bố của IS ở Syria, Iraq và nhiều nơi trên thế giới sẽ không giảm ngay. Thực tế, IS hiện vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng trên nhiều phương diện, đặc biệt là khả năng "truyền cảm hứng" cho các tay súng có xu hướng tự cực đoan hóa.

Từ các vụ tấn công ở Bỉ, Pháp, Anh, Hà Lan... và mới nhất là tại Mỹ, người phát ngôn, chiến lược gia hàng đầu của IS Abu Mohammad al-Adnani cho biết, "truyền cảm hứng" là chiến lược được đặc biệt chú trọng của IS.

Câu chuyện của kẻ bị cáo buộc tiến hành một vụ đánh bom ở New York (Mỹ) hôm 17-9, Rahami, 28 tuổi, là ví dụ. Rahami chưa từng gặp các tay súng - những kẻ đã khiến hắn trở nên cực đoan, nhưng qua các đoạn video, tài liệu được IS phát tán, Rahami đã tự cực đoan hóa. Chính những kẻ tấn công bị cực đoan hóa đã trở thành "những con sói đơn độc".

Các vụ tấn công của "những con sói đơn độc" ngày càng gieo rắc nhiều nỗi sợ hãi cho dân thường. Để có được "sức mạnh" ấy, IS đã thay đổi hướng tuyên truyền và tập trung vào những kẻ có khả năng trở thành những "con sói đơn độc".

Người phát ngôn và chiến lược gia hàng đầu của IS là Adnani cùng chỉ huy cấp cao của IS là Omar al-Shishani chỉ rõ, những thất bại gần đây cho thấy IS hiện đang bị bao vây theo cách mà chúng chưa từng phải trải qua.

Bị dồn vào chân tường, nhưng tổ chức thánh chiến này vẫn có khả năng chiêu mộ thêm tân binh, kiếm tiền từ buôn lậu, đảm bảo vũ khí, vượt mặt các cơ quan an ninh để "truyền cảm hứng" và "gián tiếp" tổ chức các cuộc tấn công ở phương Tây thông qua vũ khí tuyên truyền mang "thương hiệu" IS.

Mặt trận không tiếng súng

B. Adam - chuyên gia phân tích tình báo của Cục Tình báo trung ương Mỹ - CIA cho biết, cách thức IS mở rộng ảnh hưởng và tiếng tăm ra khắp thế giới chính là thông qua các video, tạp chí và thông cáo báo chí... cập nhật hằng ngày phát tán trên mạng xã hội bởi ứng dụng trên điện thoại, máy tính. Những chiếc vòi bạch tuộc "truyền thông" chính là thứ vũ khí được ưa thích và là trọng tâm trong chiến lược của chúng.

Chiến lược kích động, cực đoan hóa đã giúp IS tuyển dụng được hàng nghìn tay súng.
Chiến lược kích động, cực đoan hóa đã giúp IS tuyển dụng được hàng nghìn tay súng.

Tờ Le Monde của Pháp trích dẫn một đoạn trong thông cáo báo chí mà IS phát đi ngày 30-8 về cái chết của phát ngôn viên Abu Mohammed al-Adnani như sau: "Sau một hành trình dài đầy hy sinh vinh quang, Abu Mohammed al-Adnani đã ra đi cùng với những người tử vì đạo và những người anh hùng đã bảo vệ Hồi giáo, chiến đấu chống kẻ thù của Thượng đế..."

Rõ ràng đây không phải là một người phát ngôn đơn thuần. IS đang xây dựng chiến lược truyền thông, tuyên truyền nhằm tiêm nhiễm đầu óc cực đoan thông qua Internet. IS khai thác tất cả các khả năng có thể trên web theo cách thức giống như một mạng nhện khổng lồ mà những sợi dây của nó leo tới tận chóp bu của tổ chức. Đối với chúng, tuyên truyền không phải là một công cụ đơn thuần, mà là một vũ khí.

Hoạt động tuyên truyền của IS đã được mô tả trong một tài liệu nội bộ của chúng bị tiết lộ năm 2014 với nhan đề "Các nguyên tắc quản lý IS". Theo đó, cơ quan này chịu trách nhiệm giám sát nhiều nhiệm vụ truyền thông và các "văn phòng khu vực" khác nhau. Trong số đó có "hãng thông tấn" Amaq, cơ quan thường lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ khủng bố mà nhóm thực hiện, và đài phát thanh al-Bayan phát trên Internet các bản tin hằng ngày bằng nhiều ngôn ngữ.

Bộ máy tuyên truyền của IS thậm chí đến tận cấp "tỉnh". Ở mỗi wilaya (tỉnh của IS) đặt một văn phòng truyền thông nhằm mở rộng ảnh hưởng của tổ chức. Các chi nhánh địa phương quản lý video phát trên mạng về cuộc chiến của chúng, những "hoạt động đời thường".

Những video tuyên truyền quan trọng phải được văn phòng trung ương thông qua. Ngoài chiếc vòi bạch tuộc kỹ thuật số còn có hàng chục "quỹ" truyền thông và cơ sở thánh chiến độc lập chuyên chuyển tải, phát lại nội dung tuyên truyền của IS. Các cơ quan này được thành lập tùy theo nhu cầu của văn phòng truyền thông, không nhất thiết phải có liên hệ trực tiếp với IS.

Chúng thực hiện các chiến dịch tuyên truyền không phải bao giờ cũng theo sự chỉ đạo của một tổ chức chính thức thuộc IS, chẳng hạn, lên tiếng kêu gọi tiến hành làn sóng khủng bố nhằm vào Saudi Arabia.

Theo một tài liệu đánh giá của Bộ Quốc phòng Pháp, được báo Le Monde trích dẫn, vào lúc cực thịnh của hoạt động trên trang Twitter, năm 2015, giới ủng hộ IS tập hợp hàng chục nghìn đối tượng, có khả năng phát ra khoảng 40.000 thông điệp bằng tiếng Pháp.

Dưới sức ép của các nước phương Tây, Twitter đã phải săn lùng đấu tranh chống tuyên truyền thánh chiến trên trang của mình. Đầu năm 2016, khoảng 250.000 tài khoản bị khóa. Một thông cáo của Twitter cho biết: "Thời gian để treo các tài khoản được báo cáo, thời gian tồn tại của tài khoản này trên Twitter cũng như số lượng tài khoản liên quan đã giảm mạnh".

Chủ nghĩa thánh chiến trên mạng - Tác nhân kích động cực đoan hóa

Tạp chí Dar al-Islam và "hãng thông tấn" Amag từ lâu được coi là hạt nhân của chủ nghĩa thánh chiến trên mạng. Sau Facebook và Twitter, phần mềm nhắn tin Telegram, được 2 phần tử khủng bố tham gia giết hại một cha xứ Thiên chúa giáo tại thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray (tỉnh Seine-Maritime, Pháp) tháng 7 vừa qua sử dụng, hiện trở thành phần mềm ưa thích của các tổ chức khủng bố.

Phần mềm này đã lọt vào tầm ngắm của chính phủ phương Tây, vốn đang cố gắng đưa ra các luật và quy định mới nhằm chặn đứng hoạt động tuyên truyền chết người. Theo đánh giá của Chính phủ Pháp trong một thông cáo đưa ra vào tháng 5: "Các cuộc gặp gỡ và tuyên truyền trên không gian ảo đã trở thành những nhân tố chủ chốt hoặc tác nhân kích động cực đoan hóa".

Từ các đoạn video tới những thông tin mà các tay súng tự đưa lên mạng xã hội đều cho thấy chiến lược tuyên truyền của IS đang được phát triển nhằm ngăn chặn việc để lộ các thông tin chiến lược trong khi vẫn duy trì được ảnh hưởng.

Nhiều nhà báo và chuyên gia cho biết họ nhận ra rằng cách tiếp cận truyền thông của IS đã thay đổi kể từ sau khi tổ chức này tấn công thị trấn Kobane của Syria và liên quân do Mỹ đi đầu thực hiện các cuộc không kích. Ông Abdelasiem El Difraoui, tác giả của "al-Qaida par l'image" ("Al-Qaeda qua hình ảnh") và là một chuyên gia về Hồi giáo cực đoan, nói với hãng tin AFP rằng tổ chức này đã tìm cách đối phó với những mối nguy hiểm tiềm tàng do chiến lược trước đây gây ra.

Ông nói: "Các mạng xã hội đã hỗ trợ đắc lực cho IS trong việc chiêu mộ thêm quân. Tuy nhiên, ngay khi điều này khiến an ninh của IS gặp nguy hiểm, họ ngay lập tức thắt chặt hoạt động này". Ông cũng nói thêm rằng rất nhiều tay súng được IS chiêu mộ là người phương Tây sử dụng mạng xã hội.

Ông Henry Bouvier, biên tập viên cấp cao phụ trách mảng băng ghi hình của hãng tin AFP, nhận định rằng có thể nhận thấy rõ IS đã thay đổi chiến lược tuyên truyền trong các đoạn băng ghi hình phát tán trên mạng Internet và tập trung vào giới truyền thông. Ông nói: "Chúng tôi thấy rằng các tay súng thánh chiến Hồi giáo đang thay đổi cách tuyên truyền. Họ đang thích nghi với những yêu cầu của giới truyền thông".

Ông Bouvier cho biết: "IS đã nhận thức rất rõ rằng họ cần phải tôn trọng một số quy tắc nhất định. Càng ngày, những khi có thể, IS sẽ ghi hình lại những biển số xe hoặc các địa điểm dễ nhận diện, ví dụ như Trung tâm Văn hóa Kobane" để giới truyền thông có thể xác minh được hình ảnh.

Ông nói thêm: "Họ quay các hình ảnh theo phong cách truyền hình, không có âm nhạc hay các hiệu ứng đặc biệt. Ngay cả trong cách họ giới thiệu ai đó hoặc khi phát biểu, họ cũng tỏ ra trung lập hơn và theo phong cách báo chí nhiều hơn".

Câu nói "đừng nghe những gì người ta nói về chúng tôi, hãy nghe những gì chúng tôi đã nói với các bạn", được chúng lặp đi lặp lại, đã tóm tắt tham vọng và quyết tâm của IS trong cuộc chiến nhằm áp đặt quan điểm của chúng ra toàn thế giới. Lấy ví dụ, trong một video nhan đề "Sự va chạm giữa các lưỡi kiếm", IS kêu gọi sử dụng bạo lực và hành động độc ác nhằm vào lực lượng an ninh và nhân viên nhà nước Iraq, với mục đích đe dọa khiến những người này phải bỏ việc.

Chiến dịch tuyên truyền này đã đạt kết quả. Mouwafak al-Rubaie, cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq thậm chí còn cho rằng thất bại của quân đội Iraq tại Mossul, thành phố lớn thứ hai nước này rơi vào tay IS tháng 6-2014, là kết quả của cuộc tuyên truyền của chúng.

Trong trận chiến, gần 30.000 lính Iraq đã bỏ chạy khi chỉ phải đối mặt với 800 quân khủng bố. "Chúng làm việc rất hiệu quả, xét trên góc độ truyền thông, nhất là các mạng xã hội", cố vấn Mouwafak al-Rubaie nói.

Ông Kévin Jackson, chuyên gia của trung tâm phân tích chủ nghĩa khủng bố giải thích: "Lịch sử chủ nghĩa khủng bố từ khi khởi nguồn đến nay cho thấy luôn có một sự đan xen giữa hoạt động chiến đấu (lên kế hoạch và tiến hành khủng bố) và truyền thông (tuyên truyền, phát ra các thông điệp). Mối liên hệ giữa “chiến đấu” và tuyên truyền là trung tâm của cỗ máy khủng bố. Nó cho phép bảo đảm sự liên tục, không chệch hướng khỏi các thông điệp.

Một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của "vũ khí tuyên truyền" của chủ nghĩa khủng bố. Đó là Khalid Cheikh Mohammed, chủ mưu của vụ khủng bố 11-9-2001, cũng là kẻ phụ trách nhánh tuyên truyền của Al-Qaeda. Với "chức danh" này, y phụ trách luôn việc sản xuất các video về các phần tử tấn công liều chết vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York (Mỹ). 15 năm sau, theo một sơ đồ tương tự, al-Adnani cũng phụ trách bộ máy tuyên truyền của IS cho tới khi chết, đồng thời kiêm nhiệm chỉ huy hoạt động khủng bố nhằm vào châu Âu.

Dưới sự chỉ huy của hắn, "văn phòng thông tin" được đặt trực tiếp dưới sự điều hành của cơ quan có tên là Choura, bộ não chính trị - tôn giáo của tổ chức. Chính tên này xác định lời lẽ tuyên truyền, chẳng hạn như di chúc mà các phần tử tấn công liều chết sẽ để lại, tất cả phải được phối hợp một cách ăn khớp. "Tiền bối" của IS thậm chí đã thành lập một "bộ thông tin" từ năm 2006, với thành phần chỉ huy có liên hệ mật thiết với ban lãnh đạo tác chiến của nhóm.

Chiến lược này của IS đang bị giám sát chặt chẽ. Công tác "tuyên truyền" của IS buộc phải thu mình lại tránh sự giám sát của các chính phủ. Tuy vậy, đây cũng chỉ là phần nổi. Chính quyền các nước luôn "đuổi" theo các chiến lược. Nếu IS khắc phục được vấn đề với chiến lược tuyên truyền trên những trang mạng xã hội, nguy cơ IS tiếp tục tập hợp đội ngũ sẽ lại tăng lên.

Theo Nguyễn Hòa (tổng hợp)

An ninh thế giới