Vụ giải cứu Chuẩn tướng Dozier: Cuộc đột kích 90 giây (bài cuối)
1982, Cảnh sát Italia ngụy trang dưới nhiều hình thức, tiếp cận mọi lối ra vào khu chung cư nằm trên đường Bindemen. 10 giờ, 20 thành viên NOCS vào siêu thị Diya, đi quanh mấy gian hàng nhưng mắt vẫn để ý đến 4 cầu thang dẫn lên tầng 1. Tất cả đều có ảnh của tướng Dozier trong túi áo.
11 giờ 15 phút, một chiếc xe chuyên dùng sửa chữa đường dây điện thoại chở nhóm đột kích dừng lại bên lề đường Bindemen, cạnh cửa siêu thị. 11 giờ 30 phút, đại úy Edoardo Perna phát lệnh tấn công.
Nhóm đột kích lao ra khỏi xe, vào siêu thị rồi nhanh chóng tiến đến những vị trí đã ấn định. Khi tất cả đã lên hết tầng 1, nhóm NOCS ở dưới lập tức mời những người đang có mặt trong siêu thị nhanh chóng ra ngoài để phòng ngừa thiệt hại nếu có nổ súng…
Thông tin đến từ… ông trùm mafia!
Không tìm thấy tướng Dozier ở Naples, những nhà lãnh đạo "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" đâm ra hoang mang, nhất là về phía Lữ đoàn Đỏ, họ không hề đưa ra một yêu sách gì như vẫn thường thấy trong những vụ bắt cóc khác. Bên cạnh hệ thống điện thoại của cảnh sát, "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" còn cử nhân viên trực cả ngày lẫn đêm tại Tòa soạn báo Il Tempo - là tờ báo đã được Lữ đoàn Đỏ thông tin về việc bắt cóc tướng Dozier để xem tổ chức khủng bố này có liên hệ lại hay không.
Tướng Dozier cảm ơn những người lính NOCS đã giải cứu ông.Một số tin do các cảm tình viên của cảnh sát cung cấp cũng rất mơ hồ, chẳng hạn như tin của một người mang mật danh "Lưỡi rìu", nói là Lữ đoàn Đỏ đã giao tướng Dozier cho tổ chức "Tân Phát xít - Neo Nazi", đưa ông ta sang CHLB Đức nhằm tránh sự truy lùng. Phối hợp với cảnh sát Đức để xác minh thì hóa ra đó là tin vịt!
Đúng lúc ấy, cảnh sát trại giam trên đảo Sicily nhận được lời đề nghị của một ông trùm mafia, được biết dưới cái tên Castello, đang chịu án tù 18 năm tại đây. Đó là nếu cảnh sát làm ngơ cho ông ta vượt ngục thì đổi lại, ông ta sẽ chỉ ra nơi giam giữ tướng Dozier!
Lời đề nghị này không phải là không có cơ sở bởi lẽ tổ chức mafia ở Italia như những chiếc vòi bạch tuộc, có tai mắt khắp nơi. Năm 1943, trước khi lính Mỹ đổ bộ lên đảo Sicily, Cơ quan Tình báo OSS (tiền thân của CIA sau này) đã thỏa thuận với "bố già" Lucky Luciano - kẻ cầm đầu 5 băng đảng mafia lớn nhất nước Mỹ về việc mafia trên đảo Sicily sẽ hết lòng ủng hộ lính Mỹ. Đổi lại, OSS sẽ can thiệp cho Luciano ra khỏi tù. Kết quả là khi lính Mỹ đặt chân lên Sicily, đám mafia ngoài việc đón tiếp nồng hậu, lại còn chỉ bảo rành mạch đâu là kho hàng, đâu là nơi cất giấu súng đạn, ai là viên chức trong chính quyền Mussolini, ai là đảng viên đảng Quốc xã, ai là an ninh chìm…
Thế nên, lời đề nghị của ông trùm mafia Castello nhanh chóng được báo cho "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp".
Sau nhiều cuộc thảo luận nhằm thẩm định tính xác thực cũng như tạo điều kiện để Castello liên lạc với đám tay chân bên ngoài, ngày 18-1-1982, ông trùm hoan hỉ thông báo: Mafia đã tìm ra nơi giam giữ tướng Dozier. Chi tiết hơn, ông ta còn cho biết lực lượng canh giữ Dozier chỉ gồm 4 người, 3 nam 1 nữ, vũ trang bằng súng ngắn chứ không có tiểu liên, lựu đạn. Hỏi địa điểm giam giữ ở đâu thì Castello lắc đầu, rằng cứ bố trí cho ông vượt ngục cái đã! Chừng nào ra khỏi nhà giam, đến nơi an toàn, cảnh sát sẽ nhận được những hướng dẫn cụ thể.
Cuối cùng, "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" đồng ý với lời đề nghị của ông trùm mafia. Nhưng để chắc ăn, phòng ngừa Castello chơi trò lừa đảo, một nhóm NOCS nhận nhiệm vụ bám sát ông ta kể từ lúc ông ta ra khỏi trại giam. Nếu thông tin ông trùm cung cấp là chính xác thì khi cuộc giải cứu hoàn tất, ông trùm sẽ được tự do. Nhược bằng nếu Castello lừa thì "a lê hấp", NOCS sẽ áp tải ông ta về lại nhà tù ngay lập tức.
Tối 20-1, sau khi điểm danh, cảnh sát nhà tù Sicily "quên" không khóa cửa buồng giam ông trùm, cửa ra vào giữa khu giam giữ và khu làm việc cũng để ngỏ. Đến 23 giờ, hệ thống đèn pha xung quanh trại đột ngột tắt ngúm trong 10 phút rồi sau đó, mọi chuyện trở lại bình thường.
3 tiếng kể từ khi Castello ra khỏi trại giam, "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" nhận được một cú điện thoại nặc danh. Người gọi chỉ nói ngắn gọn: "Hàng đang nằm ở nhà số 44, tầng 2, siêu thị Diya, đường Bindemen".
Nhằm đánh lạc hướng Lữ đoàn Đỏ, đảm bảo cho sự thành công của chiến dịch giải cứu, ngay trong buổi sáng 21-1, cảnh sát mau mắn tổ chức một cuộc họp báo nói về vụ vượt ngục của Castello. Kết quả đúng như dự định, tin tức về tướng Dozier nhường chỗ cho những bài tường thuật về vụ vượt ngục với những tình tiết ly kỳ, gay cấn, được mớm bởi cảnh sát.
Liên tục trong 3 ngày từ 21 đến 24-1, các nhóm trinh sát của NOCS tiến hành kiểm chứng thông tin do ông trùm Castello cung cấp. Tại chung cư siêu thị Diya, một số hàng xóm sau khi được dặn là tuyệt đối phải giữ bí mật, đã cho biết căn hộ số 44 có 4 người gồm: 3 nam 1 nữ, thỉnh thoảng mới thấy xuống siêu thị mua thức ăn cùng những vật dụng linh tinh.
Bà Maretti, ở đối diện với nhà 44 kể là có lần vô tình chạm mặt người phụ nữ ở trong căn hộ ấy khi lên cầu thang, bà đã cất tiếng chào nhưng cô ta chỉ lạnh lùng gật đầu rồi đi thẳng. Được bà Marreti cho phép, 2 thành viên của NOCS với máy chụp ảnh, ở trong nhà bà suốt cả ngày 23 và 24 nhưng họ chỉ chụp được một tên trong nhóm bắt cóc lúc tên này đi đổ rác. Khi cuộc đột kích đã thành công, mới hay tên đổ rác là Cesare Leonardo, một trong hai kẻ hỏi cung tướng Dozier.
Cuộc đột kích giữa trưa
Sáng ngày 25-1, đại úy Edoardo Perna, Đội trưởng Đội 3 của NOCS được gọi lên trình diện "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp". Sau khi phổ biến về địa điểm và thành phần đang giam giữ tướng Dozier, thiếu tá Maurizio Genolini, Chỉ huy trưởng NOCS hỏi Perna cần bao nhiêu người cho cuộc giải cứu? Edoardo Perna trả lời không suy nghĩ: "12".
Trưa 25-1, đội giải cứu gồm 12 người được thành lập, chọn lựa từ những thành phần ưu tú nhất của NOCS. Một sa bàn dã chiến gồm siêu thị Diya, tầng 1, tầng 2 và tầng 3 của chung cư được gấp rút dựng lên bằng gỗ thông và giấy bìa dựa vào bản vẽ do Sở Xây dựng Verona cung cấp. Đến chiều, Edoardo Perna cùng hai thành viên trong đội - như những người đàn ông bình thường vào siêu thị Diya rồi tiến hành trinh sát từ tầng 1 đến tầng 8. Khi đã xác định được căn phòng mà ông trùm Castello cho biết là nơi giam giữ tướng Dozier, một thành viên đã bí mật chụp hình từng góc một
Trưa 26 và cả ngày 27, cả đội giải cứu tiến hành tập luyện trên sa bàn. Theo kế hoạch, các thành viên sẽ tiến vào chung cư cùng một lúc, tiểu liên Uzi kẹp dưới nách, súng ngắn Beretta lận lưng. 3 thành viên sẽ chốt trên tầng 3 nhằm ngăn không cho bọn bắt cóc chạy lên, 3 chốt ở tầng 1, còn đại úy Edoardo Perna sẽ đích thân dẫn 5 thành viên còn lại xông vào căn hộ số 44. Dưới siêu thị, một bộ phận NOCS khác sẽ đón lõng bằng cách trà trộn vào những người đi mua sắm. Về phía các cửa sổ của căn hộ nơi giam giữ tướng Dozier, 6 đặc nhiệm NOCS có trách nhiệm canh chừng, đề phòng bọn bắt cóc thoát thân bằng cách thả dây trèo xuống hoặc tệ hại hơn, chúng ném tướng Dozier xuống. Phần còn lại là các con đường xung quanh khu chung cư, cảnh sát sẽ phong tỏa ngay khi cuộc đột kích bắt đầu.
Ban đầu, giờ đột kích được dự định vào nửa đêm nhưng ý kiến ấy nhanh chóng bị bác bỏ vì sự xuất hiện đột ngột của một nhóm người rất dễ gây ra sự chú ý của dân chúng trong chung cư, và việc nhiều gia đình mở cửa ra để nhòm ngó sẽ khiến bọn bắt cóc nghi ngờ. Có ý kiến khác là đột kích vào sáng sớm vì bọn bắt cóc còn đang ngái ngủ, việc canh phòng sẽ lơ là nhưng ý kiến này cũng bị bác bởi lẽ lúc đó siêu thị chưa mở cửa, và cũng chẳng ai đi mua sắm vào lúc sáng sớm bao giờ.
Cuối cùng, Edoardo Perna đưa ra đề xuất là nên tấn công vào buổi trưa. Ông lập luận: "Đường phố buổi trưa luôn đông đúc, xe cộ đi lại ồn ào và khá nhiều người vẫn có thói quen vào siêu thị để mua thực phẩm cho bữa trưa nên bọn bắt cóc sẽ thiếu cảnh giác. Đột kích lúc ấy tạo ra yếu tố bất ngờ nhất".
Phương án của Edoardo Perna được "Trung tâm ứng cứu khẩn cấp" thông qua. Giờ quyết định là 11 giờ 30 phút ngày 28-1-1982. Edoardo Perna kể: "Chúng tôi chỉ còn 24 tiếng đồng hồ để luyện tập trên sa bàn. Mọi việc phải thật khớp như những bánh răng trong một chiếc đồng hồ. Người Mỹ, người Anh và cả người Pháp đề nghị đưa các đội đặc nhiệm của họ vào hỗ trợ nhưng tôi thấy không cần thiết vì chẳng ai rành Verona bằng chúng tôi".
Sáng 28, Cảnh sát Italia ngụy trang dưới nhiều hình thức, tiếp cận mọi ngả đường dẫn đến khu chung cư. 10 giờ, 20 thành viên NOCS vào siêu thị, đi quanh mấy gian hàng nhưng mắt vẫn để ý đến 4 thang máy và 2 thang bộ dẫn lên tầng 1. Tất cả đều có ảnh của tướng Dozier trong túi áo. Họ được lệnh bắt giữ bất kỳ ai khiêng vác thùng bọng mà kích thước có thể chứa tướng Dozier. 11 giờ 15 phút, một chiếc xe chuyên dùng sửa chữa đường dây điện thoại chở nhóm đột kích dừng lại bên lề đường Bindemen, cạnh cửa ra vào siêu thị.
90 giây
Đúng 11 giờ 30 phút trưa 28-1, đại úy Edoardo Perna phát lệnh tấn công. Nhóm đột kích lao ra khỏi xe, vào siêu thị rồi nhanh chóng tiến đến những vị trí đã ấn định. Khi tất cả đã lên hết tầng 1, nhóm NOCS ở dưới lập tức mời những người đang có mặt trong siêu thị nhanh chóng thoát ra ngoài để phòng ngừa thiệt hại nếu có nổ súng.
Lúc này, căn hộ số 44 nhìn rất yên tĩnh. Ở phòng đầu tiên, một trong những tên bắt cóc là Cesare Leonardo đang hút thuốc lá. Phòng thứ hai, Antonio đứng cạnh cửa sổ, hí hoáy cắt móng tay trong lúc tình nhân của gã là Elida nằm dài trên giường, còn ở phòng thứ ba, một tên khủng bố ngồi trên chiếc ghế nhỏ, lưng dựa vào tường, canh giữ tướng Dozier.
Khi nhóm đột kích vừa đến cửa nhà 44 thì đột ngột cánh cửa mở ra (sau này Cesare Leonardo khai rằng gã đang định xuống siêu thị mua ít trái cây). Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của một nhóm người mặc quần áo đen, mặt che kín bằng những chiếc mũ len màu đen, chỉ hở ra hai con mắt và lỗ mũi, tay cầm tiểu liên Uzi, Cesare Leonardo đứng sững như trời trồng. Rất nhanh chóng, Edoardo Perna dí khẩu Beretta vào thái dương gã, miệng thì thầm: "Tướng Dozier đâu?". Cesare Leonardo ấp úng: "Ở phòng số 3" - "Còn những phòng khác?" - "Antoino và Elida ở phòng số 2, phòng 4 bỏ trống" - "Súng ống có những gì?" - "Chỉ có 4 khẩu súng lục, mỗi khẩu 2 băng đạn"...
Bịt băng keo kín miệng rồi còng cả tay lẫn chân Cesare Leonardo vào hàng lan can bằng sắt, đại úy Edoardo Perna cùng 5 thành viên thận trọng tiến vào nhà. Đến căn phòng thứ 2, Edoardo Perna ra hiệu cho 3 thành viên dừng lại rồi ông cùng 2 thành viên khác, đến phòng số 3. Sau cái vẫy tay của Edoardo Perna, cả nhóm đột kích cùng lúc đạp tung cánh cửa, ập vào. Chưa kịp phản ứng gì thì Antonio và Elida đã bị chiếc còng số 8 bập vào cổ tay. Đại úy Edoardo Perna kể: "Nhìn thấy chúng tôi lao vào, tên khủng bố canh giữ tướng Dozier vội rút khẩu súng ngắn, định bắn vào đầu ông nhưng tôi đá văng khẩu súng vào góc phòng. Theo lời khai của tên này thì Lữ đoàn Đỏ đã ra lệnh giết tướng Dozier nếu bị tập kích".
Chiến dịch giải cứu tướng Dozier chỉ kéo dài đúng 90 giây kể từ lúc đại úy Edoardo Perna còng tay Cesare Leonardo vào lan can sắt và không phải nổ một phát súng nào. Cắt sợi dây xích ở cổ chân, cổ tay tướng Dozier, Edoardo Perna mời ông nằm nghỉ để chờ lực lượng cứu hộ đưa ông đến nơi an toàn nhưng Dozier đáp: "Tôi đã nằm ở đây suốt 6 tuần rồi. Bây giờ hãy cho tôi đứng".
Theo Cao Trí/The Red Brigade Terrorist Group
An ninh thế giới