Vụ bê bối khiến Richard Nixon phải rời Nhà Trắng
Cho đến nay, Watergate vẫn luôn có mặt trong danh sách những vụ bê bối chính trị đình đám nhất thế giới. Vụ việc đã khiến tổng thống thứ 37 của Mỹ - Richard Nixon phải từ chức, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên và cho đến nay vẫn là người duy nhất phải tự thu dọn hành lý khỏi Nhà Trắng khi chưa hết nhiệm kỳ.
“Bê bối” có lẽ là một trong những từ khiến các chính trị gia hãi hùng nhất. Bởi, một khi dính vào nó, họ hoàn toàn có thể bị “rớt đài”, từ một nhân vật được cả thế giới mến mộ bỗng chốc trở về con số 0, thậm chí còn dính vào tù tội. Bắt đầu từ số báo này, báo Câu chuyện Pháp luật xin điểm một số vụ bê bối chấn động liên quan đến các chính khách trên thế giới như vậy.
“Ngôi sao sáng”
Sự nghiệp chính trị của Richard Nixon bắt đầu từ năm 1947, khi ông ta được bầu vào Hạ viện Mỹ. Năm 1952, Nixon được chọn là cấp phó đồng hành cùng Dwight Eisenhower trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Liên minh Eisenhower - Nixon thành công và Nixon trở thành phó tổng thống 8 năm trước khi được chọn làm đại diện cho Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào năm 1960. Tuy nhiên, trong cuộc đua “song mã” này, ông ta đã thua trước ứng viên John F. Kennedy của Đảng Dân chủ.
Phải 8 năm sau, Nixon mới có dịp “phục thù” tại cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1968. Sau 1 năm hỗn độn về chính trị, với 2 vụ ám sát các chính khách xảy ra, Nixon đã giành được chiến thắng sít sao trước đối thủ, trở thành tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Ngày 20/1/1969, Nixon chính thức tuyên thệ nhậm chức.
Nắm quyền điều hành ở giai đoạn nước Mỹ đã qua thời kỳ thịnh vượng, bắt đầu bước vào giai đoạn lạm phát với tỉ lệ thất nghiệp luôn “cao ngất ngưởng”, đặc biệt là việc nước Mỹ lún sâu vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Mặc dù vậy, Nixon vẫn khéo léo chống chọi được hết nhiệm kỳ đầu tiên. Năm 1972, ông ta ra tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.
Rắc rối nhen nhóm
Dù là một “thuyền trưởng” khéo chèo chống thế nhưng môi trường chính trị nước Mỹ thời điểm đó đầy thù địch nhất là việc chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến ở Việt Nam. Chính vì vậy, nhóm cố vấn của tổng thống thấy rằng họ cần phải thực hiện một chiến dịch vận động tranh cử thật quyết liệt mới có cơ hội giành chiến thắng. Trong số những chiến thuật đó, đáng tiếc là có cả việc theo dõi bất hợp pháp.
Bê bối Watergate bắt đầu vào rạng sáng ngày 17/6/1972 khi cảnh sát Mỹ bắt giữ 5 người đàn ông đang đột nhập vào văn phòng của Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ ở khu phức hợp văn phòng Watergate tại Washington. Trong số đồ đạc của toán trộm, ngoài những tờ tiền có mệnh giá 100 USD có số seri liền nhau, các điều tra viên còn phát hiện một số thiết bị nghe lén, đặc biệt là vài mảnh giấy ghi số liên lạc của một số thành viên trong Ủy ban vận động tái tranh cử của Nixon.
Nhà Trắng đã ngay lập tức khẳng định không liên quan đến vụ việc. Tháng 8/1972, Tổng thống Nixon có bài phát biểu trước dân chúng. Ông ta thề rằng các nhân viên Nhà Trắng không liên quan đến vụ trộm ở Watergate. Hầu hết cử tri Mỹ lúc bấy giờ tin vào ngài tổng thống và tại cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 cùng năm, Nixon đã tái đắc cử.
Bê bối bùng nổ
Tuy nhiên, vài tháng sau khi Nixon nhậm chức, các nhà báo và điều tra viên của quốc hội Mỹ đã tiến hành ghép nối các dữ kiện trong vụ đột nhập ở Watergate và bắt đầu chỉ ra rằng Nhà Trắng chắc chắn có liên quan đến vụ việc.
Với sự hỗ trợ của một nguồn tin giấu tên – về sau được xác định là quan chức FBI Mark Felt, 2 phóng viên trên phát hiện trong số những tên trộm có cựu nhân viên CIA James W. McCord – khi đó đang là điều phối an ninh cho chiến dịch tái tranh cử của Nixon.
Các nhà báo đã phanh phui việc, chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống đã gửi 25.000 USD vào tài khoản của một trong những tên trộm và cả việc Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell được giao kiểm soát một quỹ bí mật chuyên chi tiền do các chiến dịch do thám chính trị và các trò bẩn nhằm vào các ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Hàng loạt các bài báo được công bố đã khiến giới chức Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Tháng 2/1973, Thượng viện Mỹ thành lập một ủy ban do Thượng nghị sỹ Sam Ervin đứng đầu để điều tra về các sự kiện xung quanh vụ Watergate và các cáo buộc về do thám chính trị, phá hoại được thực hiện dưới danh nghĩa ủy ban vận động tái cử của tổng thống. Cùng lúc FBI cũng vào cuộc.
Tháng 3/1973, Thẩm phán John Sirica – Chánh án trong phiên tòa xét xử 5 tên trộm - công bố một bức thư do McCord viết, trong đó cho biết các quan chức ở Nhà Trắng đã gây áp lực buộc ông ta và những bị cáo khác trong vụ việc phải nhận tội. Khi bê bối dần lớn hơn, Nixon và các cố vấn của ông ta còn bị tình nghi lạm quyền và cản trở công lý khi âm mưu chỉ đạo Cục điều tra liên bang (CIA) cản trở cuộc điều tra của FBI.
Ngày 20/4 cùng năm, quyền Giám đốc FBI L. Patrick Gray từ chức sau khi thừa nhận đã phá hủy bằng chứng trong vụ Watergate dưới sự thúc ép của các cố vấn của Nixon. 10 ngày sau, 4 quan chức hàng đầu của Tổng thống cũng từ bỏ vị trí của mình, bao gồm Chánh văn phòng H.R. Haldeman; Trợ lý các vấn đề đối nội John Ehrlichman; Bộ trưởng Tư pháp Richard Kleindienst và cố vấn Tổng thống John Dean.
Richard Nixon
Cuộc giằng co gay cấn
Từ ngày 17/5/1973, Ủy ban của Thượng viện Mỹ bắt đầu các phiên điều trần được truyền hình trực tiếp. Một tháng sau đó, cố vấn tổng thống John Dean thừa nhận Nhà Trắng đang che giấu các sai phạm và rằng cá nhân Tổng thống Nixon có liên quan đến việc chi tiền cho 5 tên trộm và 2 hoạt động khác liên quan đến việc lập kế hoạch đột nhập Watergate.
3 tuần trôi qua, lại thêm một cố vấn khác của Nixon tiết lộ Tổng thống đã yêu cầu lắp các thiết bị nghe lén vào Phòng bầu dục – nơi làm việc của Tổng thống từ mùa xuân năm 1971 và rằng hầu hết các cuộc thảo luận từ đó đều đã bị ghi lại.
Nếu có được những đoạn băng ghi âm đó, ủy ban điều tra sẽ có bằng chứng về sai phạm của tổng thống. Vì thế một cuộc tranh giành những cuốn băng giữa 3 nhánh quyền lực ở Mỹ đã nổ ra.
Tháng 10/1973, Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ và công tố viên đặc biệt vụ Watergate Archibald Cox yêu cầu chính phủ bàn giao những đoạn băng ghi lại các cuộc hội thoại tại Nhà Trắng nhưng Nixon một mực từ chối.
Các luật sư của ông ta lập luận rằng đặc quyền điều hành của tổng thống cho phép ông ta giữ lại những đoạn băng. Công tố viên Cox sau đó đã đưa vụ việc lên Tòa án tối cao và Tòa này đã ra phán quyết buộc Tổng thống Nixon phải bàn giao các đoạn băng.
Khi ông Cox từ chối dừng việc đòi tổng thống phải giao nộp những đoạn băng, Nixon đã đòi sa thải ông này, dẫn tới việc Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson, cấp phó William Ruckelshaus cùng một vài quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp khác đồng từ chối để phản đối quyết định của tổng thống.
Sự kiện này được gọi là “Cuộc tàn sát tối thứ 7”, diễn ra vào ngày thứ 7, 20/10/1973. Người thay thế Robert Bork sau đó đồng ý thực hiện chỉ thị của tổng thống và sa thải ông Cox. Khi chuỗi sự kiện được truyền hình Mỹ đưa tin, cả nước Mỹ đã chấn động, một số người đã đòi luận tội tổng thống.
Sau 10 ngày xem xét, ngày 30/10/1973, tiến trình luận tội tổng thống bắt đầu ở Hạ viện Mỹ. Ủy ban tư pháp của viện này cũng bắt đầu cuộc điều tra riêng về vụ việc. Trước sự giận dữ của công chúng, Nixon sau đó đồng ý bàn giao một số đoạn băng. Tuy nhiên, 2 trong số những đoạn băng do ông ta bàn giao bị phát hiện đã bị hủy và một đoạn băng khác cũng bị mất 18 phút quan trọng.
Để tránh phải nộp tất cả 42 đoạn băng cho Ủy ban tư pháp Hạ viện, Nixon thay vào đó công bố 1.254 trang gỡ băng đã được chỉnh sửa. Những đoạn gỡ băng này cũng khiến người dân Mỹ ngỡ ngàng khi phát hiện ra một Tổng thống Nixon đa nghi và tục tĩu ẩn sau vẻ ngoài cẩn thận mà ông ta dày công gây dựng.
Khép lại bê bối
Đến cuối tháng 7/1974, Ủy ban tư pháp Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Nixon về các tội cản trở công lý, lạm quyền, che giấu tội phạm và một số hành vi vi hiến khác.
Ngày 5/8/1974, Tổng thống Nixon công bố tất cả các đoạn băng, cho thấy bằng chứng không thể chối cãi về sự liên quan của ông ta tới vụ Watergate. Đứng trước nguy cơ gần như chắc chắn bị Quốc hội Mỹ luận tội, 4 ngày sau, Nixon từ chức, trở thành tổng thống đầu tiên và duy nhất của Mỹ từ chức khi đang tại nhiệm.
Theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Gerald R. Ford tiếp quản quyền lực và 1 tháng sau đó đã quyết định ân xá tất cả các tội danh mà Nixon có thể đã phạm phải khi làm tổng thống. Tổng cộng 25 quan chức trong chính quyền của ông ta đã bị buộc tội và bị tống giam vì nhiều tội danh khác nhau liên quan đến vụ bê bối chấn động.
Theo Hoàng Nam
Pháp luật Việt Nam