1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vòng xoáy mới đang nhấn chìm Ukraine

Tình hình miền Đông Ukraine lại trở nên bất ổn khi liên tiếp xảy ra các cuộc đụng độ. Hàng trăm người đã thương vong chỉ trong thời gian ngắn, khi xảy ra giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này. Điểm nóng Ukraine có thể rơi vào vòng xoáy mới khi các bên liên quan có toan tính mới.

Động cơ sau tiếng súng

Các cuộc tấn công lẫn nhau được khơi mào từ cuối tháng 1-2017. Những ngày qua, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine đã leo thang lên mức nguy hiểm. Theo hãng tin TASS, Chính quyền Kiev cho rằng lực lượng đòi độc lập đã làm cho tình hình miền Đông xấu đi. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải rút ngắn chuyến công du Đức để quay về giải quyết tình hình.

Tình hình bắt đầu hỗn loạn khi các bên đổ lỗi cho nhau. Nước CHND Donetsk tự xưng (DPR) ở miền Đông khẳng định lực lượng chính phủ khơi mào tấn công trước bắt đầu từ chiều 29-1. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông báo, có khoảng 4.000 vụ nổ tại khu vực Donetsk và Adiyivka chỉ trong 3 ngày từ 2-2 đến 4-2.

Theo tổ chức này, có nhiều dân thường thiệt mạng, nhiều vũ khí bị cấm đã được công khai sử dụng trong nhiều tháng qua. Giao tranh ngày càng nguy hiểm hơn, làm chết nhiều người hơn và gây ra các thảm họa nhân đạo.

Lực lượng đối lập ở miền Đông cho biết, từ nhiều ngày qua lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine đã được điều động đến khu vực Volnovakha, đồng thời các đơn vị pháo binh chống tăng và nhiều vũ khí hạng nặng khác cũng đang được chuyển hướng tới Donetsk và Mariupol.

Các phe đối lập cáo buộc động thái quân sự của chính quyền Ukraine là hành vi xem thường các thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tại Minsk. Lãnh đạo các lực lượng ở Donetsk và Lugansk còn tuyên bố đã sẵn sàng có hành động đáp trả.

Chính quyền Ukraine ngày 7-2 tuyên bố không loại trừ khả năng áp đặt tình trạng thiết quân luật tại một số tỉnh miền Đông nước này. Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết: Ukraine có thể ở trong tình trạng chiến tranh kể cả khi không áp dụng thiết quân luật.

Một ngày trước đó, thủ lĩnh đảng Batkivshina đối lập của Ukraine Yulia Timoshenko cũng kêu gọi chính quyền Kiev áp dụng cơ chế thiết quân luật tại tỉnh Donetsk và Lugansk đồng thời khẳng định cần phải thông qua luật về các vùng “bị chiếm đóng” và ngừng hoạt động thương mại với những khu vực vừa nêu.

Khu vực xảy ra các cuộc giao tranh trong thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2-2017 tại Ukraine. Ảnh: Lugansk News Today.
Khu vực xảy ra các cuộc giao tranh trong thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2-2017 tại Ukraine. Ảnh: Lugansk News Today.

Phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng đã xác nhận thảm họa nhân đạo và vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực ranh giới ở vùng Donbass.

Sau các cuộc giao tranh, các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cáo buộc Nga khiến tình hình thêm căng thẳng: “Nga phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tình hình tại khu vực công nghiệp Adiyivka. Các vụ nã pháo vào khu dân cư, dân thường thiệt mạng, nhà báo bị thương và binh lính Ukraine thiệt mạng đều do phía Nga và các lực lượng ủng hộ tiến hành”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp lại rằng, Chính phủ Ukraine đã khơi mào cho những bất ổn gia tăng tại phía Đông, nhằm lôi kéo sự chú ý của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với cuộc khủng hoảng tại nước này.

Phản ứng trước động thái và tuyên bố mới của Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc, bằng cách nào đó, chính quyền Kiev đang sử dụng căng thẳng ở Donbass để đánh lạc hướng chú ý, muốn làm gián đoạn thỏa thuận ngừng bắn Minsk có hiệu lực từ tháng 2-2015.

Ông Lavrov còn cho rằng, chính quyền Ukraine đang cố gắng đưa vấn đề trở nên nghiêm trọng nhằm quy thêm trách nhiệm cho Nga, một mặt để Liên minh châu Âu tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Putin bằng cơ chế trừng phạt, mặt khác ngăn chặn nỗ lực mong muốn hàn gắn quan hệ và hợp tác với Nga của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine leo lên nấc thang căng thẳng mới, Liên Hiệp Quốc, Pháp, Đức và Mỹ thời gian qua liên tiếp gửi đi những thông điệp và tín hiệu kêu gọi ngừng bắn để hướng đến tiềm năng cho một giải pháp hòa bình nhằm kết thúc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc Nga sử dụng ảnh hưởng của mình giúp chấm dứt bạo lực và khôi phục lập tức lệnh ngừng bắn toàn diện. Lãnh đạo của Nga và Đức cùng nhất trí rằng cần phải có những nỗ lực cũng như sự hợp tác đa phương mới để bảo vệ lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Những nhân tố bên ngoài và bàn cờ bất ổn Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 2-2017 đã cho biết sẵn sàng hợp tác với Nga và Ukraine để giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko, ông Trump cho biết sẽ hợp tác với các bên liên quan giúp khôi phục hòa bình dọc biên giới. Đây là cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Văn phòng của Tổng thống Poroshenko cũng cho biết, các cuộc đối thoại tập trung đặc biệt vào giải pháp cho tình hình tại Donbass. Theo giới quan sát, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước một phép thử lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và mối quan hệ với Nga.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley mới đây tuyên bố, Mỹ sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt vào Nga liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea cho đến khi Nga trả lại quyền kiểm soát khu vực này. Theo chuyên gia phân tích Timothy Frye của trường Đại học Columbia, tuyên bố này nhằm xoa dịu những lo ngại của Quốc hội Mỹ trong việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.

Một số thành viên của Quốc hội Mỹ trước đó cảnh báo, nếu ông Trump quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, Tổng thống sẽ phải đối mặt với sự phản đối của Quốc hội Mỹ.

Liên quan tới tình hình tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này đang thảo luận với Pháp, Nga và Ukraine để tổ chức một cuộc gặp của "bộ tứ Normandy” dự kiến được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố (Bonn) của Đức vào ngày 16 đến 17-2, nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay ở miền Đông Ukraine, sau khi giao tranh bùng phát tại vùng giới tuyến ở Donbass khiến hàng trăm người thương vong, trong đó có cả dân thường.

Trước đó, tại cuộc họp Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 6-2 tại Brussels (Bỉ), các nước EU tái khẳng định lập trường kiên quyết đối với nước Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. EU khẳng định sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và kêu gọi tất cả các bên thực hiện thỏa thuận Minsk đầy đủ. EU tái khẳng định các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có liên hệ với việc thực hiện các thỏa thuận Minsk được ký kết tháng 9-2014 và được điều chỉnh tháng 2-2015.

Binh lính các bên tham chiến trong điều kiện thời tiết tồi tệ. Ảnh: Sputnik.
Binh lính các bên tham chiến trong điều kiện thời tiết tồi tệ. Ảnh: Sputnik.

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini cho biết Brussels hết sức quan ngại về tình hình đang ngày càng xấu đi trong những ngày gần đây tại Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hungary Peter Siyyarto tuyên bố lệnh trừng phạt Nga của EU đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu. Ông cho rằng cần phải xem xét lại các biện pháp trừng phạt này tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.

Có thể thấy rõ, một lần nữa vấn đề Ukraine là làm “nóng” toàn bộ châu Âu, NATO và Nga, bởi tình hình dường như có vẻ căng thẳng hơn khi trong vấn đề Ukraine, cả EU và Nga, NATO hay Mỹ đều không có ý định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lẫn nhau. Ngoại trưởng các nước EU cam kết sẽ tiếp tục giữ những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phía Nga cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa với EU. Trong khi tình hình bên ngoài Ukraine dường như ngày càng xấu đi khi các nước NATO triển khai quân đội và các khí tài chiến đấu tới sát biên giới Nga, và để đáp lại, Nga đã cho báo động một số đơn vị chiến đấu quan trọng.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ dự định “làm việc với Nga, Ukraine và các nước khác quan tâm đến việc khôi phục hòa bình ở biên giới Ukraine”. Ngoài ra, hai bên cũng đề cập về chuyến thăm của Tổng thống Poroshenko đến Washington.

Trong thông báo từ Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố muốn hợp tác với Nga, Ukraine để khôi phục hòa bình ở Donbass. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Ukraine và Mỹ không có những lời kêu gọi Nga “chấm dứt”, “tuân thủ”, “thực hiện”... Nhà chính trị học của Nga chuyên về Mỹ Viktor Olevych cho rằng tình hình tại miền Đông-Nam Ukraine và giải quyết xung đột tại Donbass sẽ phụ thuộc vào tiến trình đàm phán chung giữa Washington và Kiev.

Ông Olevych nhận định: “Trước hết là vấn đề quan hệ với Nga, cũng như với Trung Quốc và Iran, có được tái định dạng hay không. Ở đây, ông Poroshenko không có vai trò một chủ thể độc lập. Nếu Mỹ và Nga thỏa thuận được với nhau, quan điểm của Mỹ về Ukraine và Donbass sẽ thay đổi. Đối với Mỹ, Ukraine không phải là vấn đề quan trọng nhất trong đối ngoại”.

Ông Olevych cho rằng, chính quyền mới của Mỹ đang ở ngã ba đường và chiến lược về Ukraine và Donbass có thể thay đổi nếu Mỹ đạt được những thỏa thuận địa chính trị toàn diện với Nga.

Theo ông Olevych, có thể nói Ukraine đã cố tình leo thang căng thẳng tại Donbass để một lần nữa thu hút sự chú ý của phương Tây và xác định quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng của ông Trump đã không đáp ứng mong đợi của ông Poroshenko. Ông Kurkin nhận định giờ đây, Ukraine có thể mất đi sự ủng hộ của cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Mỹ và đây sẽ là thất bại hoàn toàn của ông Poroshenko.

Theo bài viết trên mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, triển vọng hợp tác giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Ukraine làm dấy lên sự quan ngại trong các thành viên của chính quyền Ukraine - những người đang lo sợ rằng quan hệ Mỹ-Nga nồng ấm hơn có thể gây tổn hại đến vị thế chiến lược của Kiev và khiến Washington giảm bớt sự ủng hộ đối với nước này.

Trong bối cảnh chính quyền Trump đánh giá lại chính sách của Mỹ đối với Nga, các nhà lãnh đạo Ukraine một mặt tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh phương Tây, mặt khác tăng cường các nỗ lực quân sự tại Donbas. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể không đủ để che chắn Kiev trước những cơn gió địa chính trị đang thay đổi.

Với chính quyền mới tại Washington, ông Trump cũng cho rằng lệnh trừng phạt Nga đang "gây tổn thất cho giới doanh nghiệp", do đó Ukraine đang lo sợ rằng Mỹ sẽ bãi bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Barack Obama đã áp đặt đối với Moskva.

Lo lắng trước quan điểm mới của Mỹ về Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tới Đức hôm 30-1 để hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel. Đức, trong vai trò là thủ lĩnh trên thực tế của EU, là đồng minh vô giá đối với Ukraine, nhất là trong bối cảnh Mỹ có thể thay đổi những cam kết của họ đối với Kiev. Trong cuộc họp báo chung với ông Poroshenko, bà Merkel đã nhắc lại quan điểm của bà rằng EU phải duy trì lệnh trừng phạt Nga cho tới khi Moskva thực hiện đầy đủ nghị định thư Minsk.

Tuy nhiên, chỉ riêng sự ủng hộ của Đức sẽ không đủ để đảm bảo duy trì các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Việc gia hạn lệnh trừng phạt đòi hỏi phải nhận được lá phiếu đồng thuận trong khối, và một số quốc gia, trong đó có Hungary, Hy Lạp và Italy, đã chất vấn về tính hiệu quả của những biện pháp này.

Ukraine đang trong tình thế bấp bênh. Trong khi Washington tìm cách làm nồng ấm quan hệ với Moskva, Kiev sẽ hướng tới các đồng minh châu Âu. Họ cũng sẽ tìm cách lái cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine theo hướng bất lợi cho Nga, lợi dụng tình trạng tái bùng phát bạo lực để thuyết phục Mỹ duy trì lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể không thành công khi ai cũng đoán được ý đồ bên trong, mà thay vào đó còn có thể khiến tình hình tại Ukraine thêm bất ổn.

Theo Hoa Huyền

An ninh thế giới